Giáo sư Lê Văn Lan: Phương pháp sử học mới qua trường hợp Đức Thánh Trần 15/12/2017

 

Chiều ngày 21/10/2017, tại Café Nhà sàn, Hội Quán Di Sản đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đức Thánh Trần trong tâm thức văn hóa, tín ngưỡng người Việt”. Tại buổi tọa đàm có sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam trong đó có Nhà sử học Lê Văn Lan, PGS.TS.Nguyễn Đỗ Bảo, Nhà nghiên cứu Vũ Thế Khôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức… cùng nhiều bạn trẻ quan tâm tới văn hóa tín ngưỡng dân tộc….

Mở đầu buổi tọa đàm, Nhà sử học Lê Văn Lan đã giới thiệu với chúng ta một phương pháp đọc sử mới đó là phương pháp liên kết giữa các trang, các đoạn, các từ.

“Tôi xin nói một điều rất nhỏ trong cái biển mênh mông về Đức Thánh Trần. Chúng ta đang ở đây đều tin tưởng rằng, với tất cả tấm lòng chúng ta hướng về Ngài thì có lẽ anh linh của Đức Thánh Trần đang phảng phất nơi đây để chứng cho tấm lòng của chúng ta. Nhưng cái chính là trí tuệ của chúng ta hướng về Ngài. Vì thế tôi xin được thắp nén hương lòng để hướng về Ngài”.

Với giọng nói chậm rãi thành kính, đó là mở đầu trong bài phát biểu của Nhà sử học Lê Văn Lan tại buổi tọa đàm. Ông đưa lên một quyển Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đã úa màu, các trang sách đã bị bung gáy do thời gian và mật độ sử dụng của con người. Có lẽ ông đã làm việc hàng nghìn lần trên các trang giấy ấy. Ở giữa các trang sách được ông cẩn thận kẹp bằng các bookmark rất đặc biệt, đó là các bao đũa giấy được ông sưu tầm ở khắp nơi khi ông đặt chân đến.

Tôi đã đánh dấu vào trong sách này bằng các bao đũa, tôi đề nghị một phương pháp dùng các bookmark này để đánh dấu sách. Các bạn đi đâu người ta dùng các bao đũa để gói đũa, trong lúc ăn các bạn cứ lẳng lặng xin người ta một vài cái. Tôi có vài trăm cái bao giấy như thế này, vừa là bookmark vừa là nơi sưu tầm địa chỉ các món ăn”.

Với cái nghề của mình tôi xin nói có sách mách có chứng. Đây là quyển sách tốt nhất nói về thời Trần (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Trong chính sử có một quyển tốt nhất nói về thời Lý đó là cuốn Việt Sử Lược, hay đúng tên gốc của nó là Đại Việt Sử Lược. Khi tìm được quyển này trong Tứ Khố Toàn Thư của nhà Thanh thì nó bị xóa mất chữ “Đại” cho nên quyển này chỉ còn có tên ba chữ là Việt Sử Lược. Từ xưa, bên Trung Quốc không thể có một Đại Việt ở bên cạnh Đại Hán. Về nhà Lý chúng ta có Đại Việt Sử Lược. Về nhà Trần chúng ta có Đại Việt Sử Ký toàn Thư. Đây là cuốn sách viết ở thời Lê, thế kỷ 15, cụ thể nữa vào năm 1479 khi nó được hoàn tất thì đây là quyển tốt nhất nói về thời Trần”. Mở đầu Nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định rằng, do hoàn cảnh lịch sử, các ghi chép từ thời Lý, thời Trần đã bị tiêu hủy gần hết thời kỳ nhà Minh đô hộ, may mắn chỉ còn cuốn Đại Việt Sử Lược của Lê Tắc còn giữ lại trong Tứ Khố Toàn Thư của Trung Quốc. Cho nên Đại Việt Sử Lược (Việt Sử Lược) và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư là hai cuốn sách tốt nhất viết về thời Lý – Trần mà chúng ta hiện có.

Nhà sử học Lê Văn Lan chia sẻ cách đọc sử như thế nào: Đọc sử qua trường hợp Đức Thánh Trần.

Tôi muốn hôm nay có ít phút giới thiệu với các bạn yêu quý lịch sử một vấn đề mấu chốt là đọc sách sử, đọc sách sử như thế nào? Hôm nay tôi muốn chia sẻ trước tiên cách đọc sách để chọn các khúc sử hay, các đoạn sử hay về các dòng sử mà chúng ta muốn biết thì nên đọc như thế nào? Chúng tôi gọi là phương pháp đọc sử đọc không chỉ trên trang sử, trên những dòng sử, trên những chữ sử mà đọc ở khe các con chữ ấy, đọc ở khe các dòng chữ ấy. Đấy là một phương pháp hơi lạ nhưng nhất thiết cần có. Hôm nay tôi mang quyển sách này đi để nói có sách mách có chứng nhưng chính là để giới thiệu một phương pháp học sử nữa. Đó là đọc trong các mối liên kết giữa các trang, các đoạn và các từ. Bây giờ tôi xin giới thiệu một điểm trong các mối liên kết như thế.

Tôi mới nghĩ ra một câu sử nói về năm 1289, mùa Hạ, tháng tư, định công dẹp giặc Nguyên. Tiến phong Hưng Đạo Vương làm Đại Vương. Ở đây chủ ngữ người ta chỉ có ba chữ thôi: Hưng Đạo Vương. Chúng ta nói ào ào ở tất cả các nơi lúc thì Trần Quốc Tuấn, lúc thì Trần Hưng Đạo, lúc thì Hưng Đạo Vương, lúc thì Hưng Đạo Đại Vương. Tôi chắc khi ngài chủ của Hội Quán Di Sản cho đúc tượng thì ngài cũng quan niệm đây là Trần Quốc Tuấn, đây là Trần Hưng Đạo, đây là Hưng Đạo Vương và ngài nói ào ào đi đây là Hưng Đạo Đại Vương nữa. Nhưng mà thưa các vị,  chúng ta vừa thấy ở đây có niên hiệu mùa Hạ năm 1289, mục đích chính của việc chép sử này nói về định công dẹp giặc Nguyên. Chỉ đến lúc ấy tháng 4 năm 1289, sau trận Bạch Đằng một năm thì Hưng Đạo Vương mới được phong làm Đại Vương.

Trong cái phép đọc liên kết giữa các trang và các chữ như thế, tôi muốn giới thiệu với quý vị một cái trang sử nữa. Mùa Đông, năm 1258, phong cho em vua là Quang Khải làm Chiêu Minh Đại Vương. Chúng ta thấy lại phong Đại Vương một lần nữa, mà đối tượng ở đây là Trần Quang Khải vào năm 1258, mùa đông ấy Trần Quang Khải 18 tuổi nhận tước Đại Vương. Còn Trần Hưng Đạo chỉ sau trận Bạch Đằng một năm Ngài mới được phong làm Đại Vương. Như vậy qua mấy trang sử như thế này chúng ta thấy được một điều vị thế Đức Thánh trần mà chúng ta muốn tôn vinh, Ngài trở thành Đức Thánh Trần không dễ một chút nào. Nói theo ngôn ngữ bình dân “không ngon xơi một chút nào”. Mãi đến sau đại thắng sông Bạch Đằng một năm, Ngài mới được phong làm Đại Vương, năm 1289. Ngài mất năm 1300, tức là Ngài được nhận Đại Vương là 11 năm. Trong khi Trần Quang Khải 18 tuổi đã được phong làm Đại Vương rồi, ông ấy mất năm 54 tuổi. Ông ấy được hưởng vị thế Đại Vương hơn 30 năm. Vì sao?

Chúng ta bắt đầu vào tìm hiểu vì sao ngài khắc phục được khó khăn ở thời điểm bấy giờ. Cái khó khăn ấy bắt nguồn từ quan niệm về ngành trưởng và ngành thứ. Bây giờ trong xã hội có những khó khăn xuất phát ở những cương vị khác nhau. Một người thành danh trở thành một nhân vật lịch sử lớn phải vượt qua được những rắc rối, khó khăn vô cùng nhiều ở thời của họ. Ở thời Trần Hưng Đạo thì ngành trưởng là Trần Hưng Đạo, ngành thứ là Trần Quang Khải. Nhưng ngành thứ lại là ngành chính thống, ngành làm vua, ngành trưởng lại không được làm vua. Do đó phải giữ mình cẩn thận lắm. Nếu mà không giữ mình thì không những không được làm Vương đâu mà Đại Vương thì càng không được.  Như vậy, lướt qua một chút, chỉ một chi tiết như thế thôi thì học sử, nghĩ về sử nên đọc và nghĩ theo phương pháp liên kết giữa trang nọ và trang kia, giữa người nọ và người kia, giữa chỉ một cái tước nọ một cái tước kia chúng ta sẽ ra được rất nhiều điều. Một trong các điều ấy hôm nay chúng tôi muốn rất vắn tắt đó là những khó khăn mà Trần Hưng Đạo trải qua. Không phải cứ ào ào xông lên là được mà một trong những phẩm chất của Ngài là chữ “Nhẫn”. Chữ “Nhẫn” này còn kèm với chữ “Thận” nữa: Nhẫn nhịn, Thận trọng. Nó nằm ngay bên cạnh cái tài năng, công lao, đức độ rất lớn của Ngài. Các vĩ nhân thời xưa, đặc biệt là thời Trần có rất nhiều công lao, tài năng, sự nghiệp lớn nhưng không có chữ “Nhẫn”, không có chữ “Thận” thì không lên được như Đức Thánh Trần.

Bây giờ chúng ta chuyển sang nói về việc xếp hạng các vị tướng. Bắt nguồn từ phong tục Trung Hoa, việc xếp hạng các vĩ nhân, các nhân vật lịch sử lớn ở lĩnh vực quân sự ta gọi chung là Tướng. Tướng theo quan niệm người xưa có ba cấp. Đầu tiên là Dũng Tướng, đó là tướng đánh đấm, tướng gân cốt, tướng bắp thịt, múa võ đánh nhau. Trên dũng tướng có hạng Trí tướng, Trí tướng hơn Dũng tướng một bậc đó là những bậc Trí tướng ấy đánh nhau bằng đầu óc nữa chứ không bằng gân cốt, bắp thịt. Hạng thứ 3 trên cả Trí tướng đó là Nhân tướng, đánh nhau bằng chữ Nhân. Chữ “Nhân” có chữ Nhân đứng và bên cạnh có chữ Nhị. Đó là thế ứng xử giữa hai con người với nhau. Đạo Khổng cho Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín, thì “Nhân” đứng đầu của Ngũ Thường. Nhân tướng là bậc tướng cao nhất trong cách xếp hạng các tướng ngày xưa. Hội Quán Di Sản một thời rất cẩn trọng, rất có công phu làm và đúc tượng Tứ Đại Danh Tướng của lịch sử nước nhà. Tôi và các giáo sư khác có giúp Hội Quán chọn trong hàng trăm hàng nghìn Danh tướng của chúng ta lấy ra bốn nhân vật làm Tứ Đại Danh Tướng:

  1. Lý Thường Kiệt
  2. Trần Hưng Đạo
  3. Quang Trung – Nguyễn Huệ
  4. Võ Nguyên Giáp

Chúng ta đã thống nhất chọn ra được Tứ Đại Danh Tướng như thế. Chúng ta nhìn vào Tứ Đại Danh Tướng ấy đầu tiên là Lý Thường Kiệt. Ông đã lên trên được Dũng tướng và đánh nhau bằng trí tuệ Trí tướng rồi sau đấy với chữ “Nhân” ông đã vượt qua được khắc khổ của thời gian, đó lại là thời gian về sau. Ông ấy không được tôn trọng nhiều lắm trong lịch sử chỉ vì một việc: ông ấy là hoạn quan. Thời Lý không có vấn đề gì nhưng về các thời sau người ta ghét hoạn quan. Do đó, ông ấy phải để lại sự nghiệp như thế nào đấy để vượt qua những khổ nạn mới có thể trở thành một Nhân tướng.

Ông Quang Trung, đánh nhau cực giỏi rồi, trong tài liệu các tác giả phương Tây ghi chép, ông ấy hai tay hai thanh đại đao xông vào đồn Ngọc Hồi. Trận mùa xuân 1789, đồn Ngọc Hồi máu chảy ra ngập mắt cá chân. Đó là hình tượng được mô tả trong các tài liệu phương Tây người ta nói chính xác, nói theo tư duy lý tính. Đấy là một ông Dũng tướng. Rồi thì ông là một Chí tướng, không thể tưởng tượng được trong đội hình tiến quân làm chiến dịch giải phóng Thăng Long mùa xuân năm 1789, ông đưa đội hình hành quân ra thành hình bàn tay xòe 5 ngón điều hành phân phối giữa các ngón như thế nào là một tuyệt luân trí tuệ. Ví dụ ông nằm ở ngón tay giữa, bên cạnh có sự hỗ trợ của cánh Đô Đốc Bảo, cánh của Đô Đốc Long. Mùng 3 tết ông đã làm xong cái Hạ Hồi, ông có thể đến trước Ngọc Hồi, ông có thể đánh trước mồng 4 tết chứ không phải mồng 5 tết. Nhưng ông đã dừng một ngày. Tại sao ông dừng lại một ngày? là để cho ông Đô Đốc Long kịp đi đường núi để đổ ra Đống Đa đâm sau lưng kẻ địch. Như vậy ông điều phối từng ngày từng giờ trong một không gian mênh mông đầy khó khăn như thế. Đấy là cái Trí tướng của ông Nhân tướng này. Có một tài liệu chúng ta đã biết do ông Ngô Thì Nhậm đã viết để chúng ta cải chính rằng nhiều người vẫn viết là quân Thanh sang nước ta là 20 vạn, nhưng chính Ngô Thì Nhậm viết thông qua lời của Quang Trung là 29 vạn trong chiếu phát phối hàng binh. Nhưng trong đó nói rất rõ, phàm là đã ra trận, bắt được kẻ địch là giết, nhưng ta không giết, ta đưa các ngươi vào hàng ngũ quân đội của ta để ta để các người được sống. Cái Nhân tướng của Quang Trung là như thế.

Từ Lý Thường Kiệt đến Quang Trung các cụ dừng lại ở Nhân tướng. Bây giờ, Trần Hưng Đạo đã được nhân dân ta dành cho cụ một cấp nữa mà trong thang bậc định danh định bậc cho các vị tướng không có. Đó là Thánh tướng. Bây giờ chúng ta nói ào ào Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Trở lại luận điểm ban đầu chúng tôi vừa đưa ra, để Ngài lên Thánh tướng không dễ chút nào nhưng cái biểu hiện một Thánh tướng thì hết sức rõ ràng. Cụ thể ngoài việc Ngài trị Phạm Nhan, chính sử chép rất rõ sau khi Ngài chết, người ta cầu khẩn thờ phụng Ngài. Khi có giặc đến, người ta cầu xin Ngài giúp đỡ, hễ nghe thanh kiếm nơi thờ phụng Ngài nó lắc lư, nó khua lên thì đấy là điềm báo sẽ thắng trận. Nhưng nếu có quý vị đại biểu ở Kiếp Bạc đến đây xin chú ý, phân bố đền Kiếp Bạc ở đây là một thung lũng tay Ngai, và cửa thung lũng mở ra ngày tại ngã sáu Lục Đầu Giang, không vị trí quân sự nào đắc địa hơn thế được. Một thung lũng để đóng quân, để tựa vào rặng núi tay ngai, cửa mở ngay ra ngã sáu Lục Đầu giang, chỗ mà quân giặc vào đường thủy tất phải đi qua đó. Khi cụ Trần Hưng Đạo bỏ triều đình về đó tự nguyện làm người lính già đứng canh ở địa điểm chiến lược ấy. Bây giờ chỗ ấy là đến Kiếp Bạc và chúng ta có ngày 20 tháng 8 về đó hành lễ dâng hương. Ở phía trước đến có một cái sân, chính là cái sân hiện nay, ở bên dưới 80 phân đang còn một cái sân khác chính là cái phủ đệ mà 11 năm rời Thăng Long, Ngài về làm người lính già sống ở đấy. Cái sân đó đang được phủ đất lên trên để giữ gìn. Khi chúng tôi bóc lên thì nó lộ ra đó là những viên gạch đúc rất già và đỏ au có hình hoa cúc là đặc trưng trang trí hoa văn thời Trần trên các viên gạch. Những hoa cúc nổi như thế với màu đỏ viên gạch lát trên một khoảng sân bộc lộ ra khi ánh sáng mặt trời buổi chiều chiếu ngang vào đó lung linh đẹp vô cùng. Đấy là sân của tòa phủ đệNgài  Trần Hưng Đạo sống từ 1289 đến 1300. Từ cái sân đó chúng ta nhìn sang hai bên phải và bên trái chỗ cửa thung lũng ngã sáu Lục Đầu Giang thì một bên là núi Nam Tào, một bên là núi Bắc Đẩu. Nam Tào, Bắc Đẩu được sinh ra để hầu hạ Ngọc Hoàng Thượng đế. Còn ở trường hợp này thì Trần Hưng Đạo đã trở thành Ngọc Hoàng Thượng đế có cả Nam Tào, Bắc Đẩu ở hai bên hầu hạ. Ngài trở thành Thánh tướng trong cái hình tượng ấy, công lao ấy và đặc biệt trong cái phẩm chất ấy.

Xin cám ơn

Hội Quán Di Sản