Lễ hội Đền Hát Môn- Không gian văn hóa đặc trưng của xứ Đoài 15/04/2018

Đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, nơi thờ Hai Bà Trưng, người đã có công dấy binh khởi nghĩa diệt quân Đông Hán xâm lược vào năm 40 sau công nguyên. Để tưởng nhớ công ơn của Hai Bà, hàng năm vào ngày 6/3 âm lịch, nơi đây đều tổ chức Lễ hội để du khách thập phương chiêm bái, hướng về cội nguồn dân tộc.

Dấu ấn trang sử vàng

Hát Môn nghĩa là cửa sông Hát- nơi Hai Bà Trưng lập đàn và mở hội thề tụ nghĩa vào năm 40 đầu công nguyên, trước khi xuất quân đuổi thái thú Tô Định về Hán để trả nợ nước, thù nhà. Sau khi chiếm được các thành trì ở Lĩnh Nam, khôi phục nền độc lập của đất nước, Hai Bà được suy tôn làm vua, đóng đô ở Mê Linh (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ). Năm 43, vua Hán sai danh tướng Mã Viện cùng hai vạn quân, hai nghìn thuyền xe sang xâm lược lại nước ta. Sau một năm anh dũng chống giặc, vì sức yếu nên quân ta phải rút về Cẩm Khê. Khi qua vùng căn cứ cũ, Hai Bà đã ghé vào một quán ven đường của một bà lão, ăn một đĩa bánh trôi và hai quả muỗm, sau đó Hai Bà gieo mình xuống sông Hát để tránh không sa vào tay giặc, hôm đó là ngày 6 tháng 3 âm lịch.

Theo như Huyền tích Hà Nội, sau khi chết, linh khí của Hai Bà kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi, mãi tới thời Lý mới đến vùng Thăng Long. Một đêm đầu tháng hai âm lịch, hai pho tượng tỏa ánh sáng đỏ trên dòng sông Nhị trước bãi Đồng Nhân. Dân làng kính nghĩa lấy vải đỏ làm lễ buộc tượng rước các bà vào. Vì thế, đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn được coi là nơi thánh tích, đền thờ Hai Bà ở phố Đồng Nhân (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) được coi là nơi hiển tích, còn đền thờ ở Mê Linh là nơi Hai Bà sinh ra và đóng đô.

Tục rước bánh trôi trong Lễ hội Đền Hát Môn ở huyện Phúc Thọ – nét văn hóa đặc sắc của xứ Đoài.`

Đền Hát Môn rộng tới hơn 3ha, tọa lạc trên khu đất cổ có thế long chầu hổ phục, phía trước là gò con rùa và sông Hát chảy từ bên hữu sang bên tả. Theo sách “Lĩnh Nam chích quái” thì đền được xây dựng sau khi Hai Bà Trưng hóa thân vào cõi bất diệt, do đó đây là ngôi đền cổ nhất trong hệ thống đền thờ Hai Bà.

Trong đền còn nhiều cổ vật quý giá có giá trị lịch sử và mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc thời Lê – Nguyễn. Người dân nơi đây quan niệm rằng, máu Hai Bà cùng chiến sĩ đổ xuống để tô thắm non sông, vì vậy toàn bộ đồ thờ ở đền đều sơn màu đen, kị màu đỏ. Trước kia, người đến tế lễ, dự lễ hội ở đền Hát Môn đều không được vận quần áo, trang phục màu đỏ. Gắn với thánh tích, mọi thứ trong đền đều đi đôi: hai hương án, hai long ngai, hai kiệu rước, hai lư hương, khi tiến hành đại lễ thì có hai chủ tế, hai người đọc chúc văn… Đây cũng là nét độc đáo chỉ có riêng tại đền thờ Hai Bà ở Hát Môn.

Hát Môn là một làng đặc biệt tại Việt Nam khi có tới 3 lễ hội lớn trong một năm. Ngày mùng 6/3, đền mở cửa, thắp hương tế lễ. Hội ngày mùng 4/9 kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng khao quân khi rút quân ở Tây Hồ về. Ngày hội này thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng vì hội diễn trò múa cờ vô cùng độc đáo. Đồng thời, dân làng kéo cờ đại, giết trâu, bò, lợn để tế lễ Hai Bà. Lễ hội linh đình nhất năm phải kể đến là ngày 24 tháng Chạp, khi đó hàng ngàn trai gái trong làng được chia thành hai hàng đạo binh tiền hậu làm chân cờ, chân kiệu dâng lễ, rước Mộc dục…

Độc đáo lễ hội rước bánh trôi

Cũng từ tích Hai Bà ăn bánh trôi trước khi tuẫn tiết, lễ hội ngày 6 tháng 3 âm lịch còn có đại lễ dâng bánh trôi. Theo phong tục, hằng năm bô lão trong làng chọn nhà của một gia đình hòa thuận, đủ đầy làm địa điểm làm bánh trôi dâng lên Hai Bà. Gạo làm bánh phải là nếp cái hoa vàng thượng hạng, thơm ngon, nước làm bánh được lấy từ giếng thiêng trong làng (gọi là nước chí thành). Bánh được làm hết sức công phu, khi chín có màu trắng, trong, tròn, không nát, to bằng quả mận và phải là bánh chay. Đây được coi như một thứ bánh Thánh nên phải để Thánh hưởng thụ rồi dân mới ăn. Nếu chưa hết ngày mùng 6 tháng 3, người dân Hát Môn dù đi đâu được bạn bè mời ăn bánh trôi, họ cũng không bao giờ ăn để thể hiện lòng thành kính đối với Hai Bà Trưng.

Gần 2.000 năm đã đi qua nhưng phong tục làm bánh trôi và lễ hội đền Hát Môn vẫn có một sức sống kỳ lạ, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và lòng tôn kính, biết ơn Hai Bà Trưng của nhân dân địa phương. Trách nhiệm của con cháu Phúc Thọ hôm nay, đặc biệt là những người con của quê hương Hát Môn cần phải bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc đó, góp phần tô điểm thêm nền văn hóa đặc sắc của xứ Đoài.

Lễ hội Đền Hát Môn năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 31/3-2/4/2017 (tức 4-6/3 AL năm Đinh Dậu). Ông Doãn Trung Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ- cho biết: “ Lễ hội Đền Hát Môn (Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia) đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ nét văn hóa của nơi đây, tất cả các hoạt động đều thể hiện sự tôn nghiêm, thành kính nhằm tri ân công lao to lớn của Hai Bà Trưng. Các đơn vị chức năng của Huyện đã và đang tiến hành lên kế hoạch chuẩn bị chi tiết, kỹ lưỡng từng chương trình của Lễ hội để có thể truyền đạt những gì ấn tượng nhất của không gian văn hóa tâm linh đền Hát Môn đến với du khách thập phương.”

Hữu Phương

Nguồn: https://baomoi.com/le-hoi-den-hat-mon-khong-gian-van-hoa-dac-trung-cua-xu-doai/c/21912099.epi