Hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được đệ trình UNESCO để được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Trước đó, các cơ quan chức năng cũng đã có rất nhiều nỗ lực nhằm phục hưng dòng tranh này, tiêu biểu là Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ giai đoạn 2014 – 2020, định hướng đến 2030. Nghề làm tranh này cũng đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12/2012), thuộc loại hình Nghề thủ công truyền thống.
Nhưng để tranh Đông Hồ thực sự đi vào trong đời sống hiện đại, hiện diện ngày càng nhiều hơn, nhất là vào dịp lễ Tết thì việc quảng bá vẻ đẹp của nó tới các tầng lớp nhân dân – những người mua tranh – phải được chú trọng. Mà muốn quảng bá vẻ đẹp của tranh thì lại phải thực sự thấu hiểu nó, cả dưới góc nhìn chuyên môn sâu. Thấu hiểu những giá trị cốt lõi của dòng tranh cũng góp phần định hướng cho sự phát triển lâu dài của nó, sau mấy trăm năm thăng trầm.
Loạt bài Khám phá sự biến hóa của nét trong tranh Đông Hồ của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa không nằm ngoài mục tiêu này.
(Thethaovanhoa.vn) – Vốn dĩ tôi theo nghiệp khắc gỗ từ nhỏ, nếu có cái gọi là “quy trình” thì nó đã “ăn vào máu” nên quen thuộc đến mức tự nhiên, không mấy bận tâm. Nhưng năm 2000, khi tôi tò mò xem mấy em sinh viên đồ họa năm cuối làm bài tốt nghiệp (Đại học Mỹ thuật TP.HCM) thì thật bất ngờ thấy các em nhận thức quá sơ sài về các vấn đề kỹ thuật khắc gỗ, tỷ dụ như “nét là đường viền hình thể và dùng để vẽ các chi tiết”…
Hỏi các em biết gì về mấy dòng tranh dân gian Việt Nam thì chỉ nhận được phản hồi sơ sài – Đông Hồ hồn nhiên, mộc mạc, chân quê hơn… còn Hàng Trống thành thị hơn và tinh vi hơn… Đến đó là hết.
Thực ra, các em không đáng trách. Nhưng tôi không muốn bàn theo hướng này, sợ lạc đề…
Cuối năm ấy, tôi trở ra Bắc. Nhân có hội thảo chuyên đề của Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi viết tham luận Sự biến hóa của nét trong tranh dân gian Đông Hồ. Sau đó, tôi còn bận nhiều việc khác nên cũng quên đi, chuyện cũ đã qua. Gần đây có bạn bè và trò cũ hỏi lại… Thế mà đã 20 năm trôi qua! Giờ tôi đã hiểu thêm khá nhiều về tranh dân gian Việt Nam và phần nào đó cả tranh dân gian Trung Quốc nên thấy cần viết lại để bổ sung thêm.
Tranh Đông Hồ – “Bà Triệu”: Tất cả nét và mảng đều in
Xin được bắt đầu bằng câu hỏi: Cùng là tranh dân gian, tại sao nét của Đông Hồ khác nét Hàng Trống?
Chắc sẽ có bạn nói ngay: Vì đó là 2 dòng tranh khác nhau thì nét phải khác nhau chứ sao!
Không sai. Nhưng nói vậy thì đại khái quá. Và vì đại khái, ta sẽ chủ quan bỏ mất khả năng tìm hiểu sâu hơn nhằm rút ra bài học quý báu cho hậu thế. Ý tôi muốn nói đến lý do kỹ thuật. Đông Hồ hoàn toàn in – từ mảng đến nét (trừ rất ít ngoại lệ) trong khi Hàng Trống chỉ in nét đen còn màu thì tô tay. Nói cách khác, Đông Hồ hoàn toàn đồ họa còn Hàng Trống nửa đồ họa, nửa hội họa.
Tranh Đông Hồ cỡ nhỏ, in ra hàng loạt, bán giá rẻ cho mọi nhà nông. Nhưng tranh Hàng Trống cỡ to, thậm chí rất to (kích thước có thể tương đương khổ giấy A0 ngày nay) và kén khách, giá cao nếu so với khả năng mua của bình dân. Nghệ nhân Hàng Trống có tay nghề điêu luyện nên chỉ cần in 1 bản nét rồi tay bút (cọ) vờn màu (từ chuyên môn gọi là “cản màu”) và tỉa nét tinh vi. Tất cả các công đoạn chủ chốt làm tranh Hàng Trống đều cần nghệ nhân có tay nghề cao mới làm nổi. Đông Hồ thì chỉ cần người sáng tác mẫu giỏi, gọi là “ra mẫu”, sau đó phân thành các bản mảng theo màu và bản nét để đục rồi in. Khi in, cả gia đình Đông Hồ luân phiên nhau thực hiện các công đoạn, kể cả người không hề biết vẽ vẫn tham gia in tranh ngon lành.
Tranh “Hắc hổ thần tướng” của Hàng Trống. Đáng chú ý: Các nét lông mày, râu, ria, lông… nách, lông gót chân… của hổ đều do vẽ tay chứ không phải nét in. Các nét nhũ vàng trên cờ, chuôi kiếm và hộp vuông đều là vẽ tay
Bản nét Hàng Trống không cần chỉn chu 100% – sẽ có công đoạn vờn tỉa màu hoàn thiện nốt cho đủ 100% nét tinh vi. Đơn cử ví dụ bản nét các tranh Ngũ hổ hay Hổ thờ đơn không cần các nét râu – ria – lông mày – lông… nách – lông gót chân của hổ bởi nghệ nhân sẽ tỉa tay chuẩn như in vào công đoạn gần cuối. Nhưng mọi bản đục nét Đông Hồ thì cần đủ 100% bởi in xong là xong, không còn cơ hội chỉnh sửa, thêm bớt.
Năng lực miêu tả của tranh Hàng Trống trông chờ vào luyến láy màu sắc. Còn năng lực miêu tả của Đông Hồ trông cậy vào nét đã đục, bởi các mảng màu phẳng chỉ có chức năng làm đẹp và tạo chất mà thôi. Vì nhận lãnh năng lực đặc biệt đó mà nét của Đông Hồ buộc phải biến hóa rất đa dạng đến độ chuyên biệt hóa và điển hình hóa. Chúng tôi sẽ phân tích và chứng minh ở kỳ sau.
Hàng Trống vì quá giỏi, có thể làm tranh to và bán giá cao nên nghệ nhân dụng công thiết kế mẫu và đục bản nét thanh mảnh, mềm mượt, tha hồ uốn lượn để tả cho được mọi hình hài gần như thật nhưng theo góc nhìn trang trí. Cũng chính vì quá khéo nên Hàng Trống hầu như khỏi cần biến hóa các nét làm gì. Dường như họ chỉ dùng 1 – 2 kiểu nét mảnh, mềm là đủ diễn hình mọi loại sự vật, kể cả những thứ khó định hình như mây, mưa, gió, hơi nước… Bởi đạt những kỹ năng siêu khéo mà Hàng Trống mới tự tin dám làm tranh kích thước rất lớn so với các dòng tranh dân gian khác.
Ngược lại, cỡ tranh Đông Hồ nhỏ, thậm chí có khi chỉ tương đương nửa khổ giấy A4 ngày nay, dân gian gọi là “tranh lá mít”. Ở đây có vấn đề giá cả – chính vì giá thấp mà Đông Hồ làm tranh cỡ nhỏ, cứ mỗi dịp trước Tết lại in ra vô vàn để bán cho toàn thể các gia đình nông dân – họ đâu có định chi nhiều tiền để mua tranh cầu may, cầu phúc năm mới mà dán vách ba ngày Tết? Theo ký ức chưa xa, những năm yên hàn, Đông Hồ từng bán buôn tranh chất đầy các thuyền buôn đi các tỉnh xứ Bắc, xứ Đông – làng cổ thời chưa bị lụt trước 1917 vốn ở ngoài đê mà! Vì tranh làm ra để in hàng loạt, lấy số lượng để nuôi giá cả rất hạ nhằm vào đại đa số các nông gia – tất nhiên chẳng giàu – Đông Hồ không đầu tư vào nét khéo để tả tinh vi mọi sự vật mà chuyển sang quy chuẩn hóa một số kiểu nét nhằm biểu hiện một số kiểu hình quen thuộc trong tranh dân gian thôn quê của họ. Mặt khác có lý do kỹ thuật: Nếu dụng công làm nét quá tinh xảo, phức tạp, tỉ mỉ trong khuôn khổ nhỏ thì khi in dễ bị giắt mực, chập nét.
(Còn tiếp)
Họa sĩ Đức Hòa
Theo Thể thao văn hoá