Chân Kinh 02/06/2018

CHÂN KINH

 

Trong tập cuối của Tây Du Ký có một đoạn phim rất hay: Sau khi đến được nước Tây Trúc gặp Phật tổ, thầy trò Đường Tăng được hai vị Tôn giả dẫn ra tàng kinh các lấy kinh, sau những lời nói ý tứ của hai vị tôn giả nhưng thầy trò Đường Tăng vẫn không chịu hiểu là giao báu vật của mình (là cái bát vàng xin ăn của vua Đường ban trước khi đi) nên không được hai vị tôn giả “thông cảm”. Câu nói của một vị tôn giả khá là hay: “tay trắng chuyển kinh thì chết đói à”. Sau một hồi giằng co cuối cùng hai vị tôn giả cũng giao kinh cho thầy trò Đường tăng nhưng là “kinh giả”  (kinh không có chữ). Trên đường về bị một vị sứ giả của Phật tổ biến thành con đại bàng cắp túi kinh lên không rồi thả xuống đất, từ đó họ mới phát hiện ra kinh không có chữ. Thầy trò Đường Tăng lại kéo nhau về hỏi Phật tổ xin lại kinh có chữ.
Giáo lý nhà Phật trọng tâm giảng về hai phạm trù tư tưởng chính là “không” và “sắc” trong mối quan hệ luân hồi. Cảnh giới cao nhất mà một bậc tu hành mong muốn đạt đến là “niết bàn” tức là thành Phật. Khi đó cũng là chấm dứt luân hồi, đó là cảnh giới của “không”. Như vậy, có thể hiểu rằng mọi ngôn ngữ, lời nói, ghi chép đều là sự giả dối để ngụy tạo chân lý. Cái kinh có chữ kia làm sao có thể chuyển tải hết chân lý nhà Phật? Cái cười của vị Di Lặc thật đầy ẩn ý: Khi mang “kinh giả” ra khỏi tàng kinh các ông đứng sau cười, khi đến nhận dược “kinh thật” thầy trò Đường Tăng gặp ông, ông cũng cười. Nhưng ông còn chua thêm một câu hết sức mỉa mai “tôi cười vì lần trước lấy phải kinh không có chữ, lần này nhớ xem cho cẩn thận đấy”. Rõ ràng cái cười lần trước hào sảng hơn, cái cười lần sau chua chát hơn. Thầy trò Đường Tăng sau khi lấy kinh có chữ liệu có chuyển tải được hết giáo lý Phật Pháp tới chúng sanh, có cứu độ được chúng sanh khỏi cõi luân hồi như mục đích của chuyến đi thỉnh kinh đầy gian khổ? Và liệu kinh có chữ kia có đúng là “chân kinh”? Cái gì còn hiện hữu thì nó còn luân hồi, còn nhìn thấy được thì nó còn tồn tại và cái đó đi ngược với triết lý tu hành Phật pháp. Chỉ có kinh không chữ kia mới thực là chân kinh. Khi đã là chân kinh thì cần gì phải có chữ nữa. Như vậy thầy trò Đường Tăng lấy được kinh nhưng thực ra đó không phải là chân kinh.
Câu nói của vị tôn giả “tay trắng chuyển kinh thì chết đói à” rất thâm thúy, kinh sách là thứ vô cùng quý giá mà chuyển một cách dễ dàng cho kẻ tay trắng thì có ngày hắn cũng đi buôn bán giáo lý. Quả thực từ bấy cho đến giờ, các nhà sư luôn dùng giáo lý của mình để kiếm sống. Hiếm có ai dựa vào đó mà tu hành cho đắc đạo. Dựa vào “cứu vớt chúng sinh” của Phật giáo đại thừa đã là cái cớ để kiếm sống bởi lẽ nếu không cứu vớt được chính mình thì làm sao cứu vớt được người khác.
Cao Bá Quát có một bài thơ rất hay là “Trào chiết tý Phật”
Thuỳ vị kim cương bất hoại thân ?
Ngã quan hoàn thị chiết quăng nhân.
Thử thân bất độ, hà thân độ ?
Hiến quả tăng chung ngộ nhĩ tần.
Tôi tạm dịch:
Phật là kim cương không nát thân
Sao trước mặt ta Phật gãy chân (tay)
Thân mình chẳng độ, độ ai được
Sư sãi mượn tay hớt bụi trần.

Đỗ Cường