Tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, du khách có thể chiêm ngưỡng ấn vàng Quốc gia tín bảo đúc dưới triều Gia Long (1802-1819).
Kim bảo Quốc gia tín bảo được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ảnh: Ý Yên
Kim bảo Quốc gia tín bảo có mặt đúc nổi. Ấn hình vuông, khắc bốn chữ “Quốc gia tín bảo” theo lối Triện thư, nét ngắn. Viền ấn dày 1,5 cm, không có hoa văn trang trí. Quai ấn hình rồng đứng, quay đầu lại, lưng cong, đuôi cụp.
Tuy không ghi rõ thời gian, Kim bảo Quốc gia tín bảo được xác định đúc vào năm Gia Long thứ nhất (1802) trong Châu bản triều Nguyễn.
Hình dấu sớm nhất đóng trên bản chiếu của Hoàng đế là vào ngày 22 tháng Giêng năm Gia Long thứ 2 (1803), theo Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Kim Bảo này dùng để đóng trên các văn kiện triệu tập các tướng lĩnh, phát động binh sĩ, trưng binh nhập ngũ.
Chứng tích của ấn Quốc gia tín bảo còn lưu trong tờ chiếu đời Gia Long phong cho Nguyễn Du tước Du Đức hầu, ngày 19 tháng 5 năm Gia Long thứ 14 (1814).
Ấn Quốc gia tín bảo hình rồng đứng, quay đầu. Ảnh: Ý Yên
Kim bảo Quốc gia tín bảo là một trong những kim ngọc bảo tỷ tượng trưng cho đế quyền của vua chúa nhà Nguyễn và hoàng đế các triều đại trước.
Kim ngọc bảo tỷ là ấn của vua dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại.
Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ viết rằng: “Ấn báu của nhà nước để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lễ thì cực kỳ to lớn”.
Theo quy định dưới triều Nguyễn, Kim bảo Quốc gia tín bảo được đóng đài lên chữ “niên” trong các văn kiện. Từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822), ấn được đóng giữa mặt niên hiệu phụng làm quy thức, đóng trên chữ “mỗ niên“. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Thực tế, từ Châu bản triều Nguyễn, các học giả nhận thấy Kim bảo Quốc gia tín bảo được đóng trên một số văn bản hành chính khác nhau, không chỉ riêng văn kiện về “việc trưng binh, nhập ngũ, tuyên triệu tướng súy” như lời dụ của nhà vua vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828).
Từ sau hàng loạt cải cách dưới đời Vua Minh Mạng, đất nước tương đối ổn định, Kim bảo Quốc gia tín bảo ít được sử dụng hơn, nhưng vẫn được gìn giữ đến hết đời Vua Bảo Đại theo quy định chặt chẽ.
Để chiêm ngưỡng Kim bảo Quốc gia tín bảo, du khách có thể tham quan khu Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn trên tầng 2, tòa nhà tại số 1 Tràng Tiền của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Nguồn: Báo Lao động