Kỹ nghệ bảo quản và đánh bóng đồ gỗ (thuộc nhóm gỗ tự nhiên) 24/02/2020

Theo thời gian các sản phẩm và hiện vật từ gỗ tự nhiên bị tác động bởi thời tiết, sự va chạm của con người trong quá trình sử dụng dẫn đến làm giảm đi vẻ đẹp, giảm tuổi thọ, do đó từ xa xưa con người đã ý thức tìm ra các phương pháp để bảo quản và gia tăng vẻ đẹp cũng như gia tăng tuổi thọ cho sản phẩm.

Quá trình tạo tác một tác phẩm để đời ngoài việc lựa chọn ra những vật liệu gỗ thượng hạng, lựa chọn những người thợ tay nghề giỏi, nội dung truyền tải lên tác phẩm cần phải hội tụ nhiều yếu tố, bên cạnh đó cần ý thức hoàn thiện và bảo quản thật tốt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đảm bảo tôn vẻ đẹp của gỗ (phần này hiện nay bị xem nhẹ hoặc làm qua loa), góp phần gia tăng giá trị của tác phẩm đã dầy công tạo tác.

Kỹ nghệ đánh sáp được người xưa thực hiện trên đồ Đồng, với kĩ thuật này đã góp phần bảo vệ đồ đồng không bị hiện tượng oxi hóa góp phần bảo vệ hiện vật đồng không bị ăn mòn trong hàng nghìn năm…trải qua quá trình đúc rút kinh nghiệm kĩ nghệ đánh sáp được áp dụng sang cho phần hoàn thiện cuối cùng của đồ gỗ tự nhiên.

Kỹ nghệ đánh sáp không quá phức tạp, Sáp thường sử dụng trong đánh bóng đồ gỗ là Sáp ong và sáp trắng. Sáp ong do tuyến sáp của Ong tiết ra, có mùi thơm đặc biệt, sáp ong có khả năng chống ẩm mốc và cách nhiệt tốt, sáp trắng là loại sáp động vật do trùng sáp trắng tiết ra, tính sáp ổn định, có khả năng che phủ bảo vệ, chống ẩm mốc, chống rỉ sét, chống mối mọt, chống nắng, chịu nước tốt…Trước khi sử dụng Sáp được hơ nóng làm tan chảy, bôi hoặc nhỏ sáp lên bề mặt gỗ tạo thành một lớp Sáp mỏng, sau đó sử dụng một vật liệu (thường là các bản sắt, thanh sắt, que sắt nhọn) được hơ nóng rồi hơ lên bề mặt, sức nóng giúp cho dịch sáp từ từ loang và thấm vào từng thớ gỗ, sáp sau khi ngấm vào gỗ góp phần hạn chế sự co ngót của gỗ, tăng thêm độ cứng cho đồ gỗ, ngăn ngừa tính trạng biến dạng, cong vênh, tăng khả năng chịu bào mòn, sau đó sử dụng khăn thô lau đi lớp sáp còn dính lại trên bề mặt gỗ, sau đó sử dụng khăn chà mạnh nhiều lần, càng chà, càng lau đồ gỗ càng bóng, sáng, ngăn ngừa sự xâm hại của côn trùng, bảo vệ gỗ tốt hơn. Giá trị của việc đánh Sáp còn được khẳng định đây là giải pháp NỔI BẬT & GIÁ TRỊ hơn cả đó là thể hiện được vẻ đẹp tự nhiên của các thớ gỗ, vân gỗ, màu sắc của gỗ giữ được nguyên vẹn (gỗ Đinh Hương, gỗ Sưa, gỗ Trắc, gỗ Mun… là món quà thiên nhiên ban tặng với vẻ đẹp hút hồn mà bài trước từng nói qua). Đồ gỗ quý sau khi được đánh Sáp sẽ sáng bóng như gương, do được bảo vệ bằng sáp nên không bị tác động bởi yếu tố oxy hóa, thường xuyên được lau chùi cận thận lâu ngày sẽ xuất hiện một màu sáng bóng tự nhiên, mượt mà như ngọc, theo thời gian các vân gỗ, thớ gỗ dung hòa tạo ra vẻ đẹp có sức hút mãnh liệt đối với người xem.

Gỗ quý hiếm như Giáng hương, gỗ Sưa hay nhóm gỗ cứng màu đậm nếu công đoạn cuối cùng được đánh sáp sẽ có một màu bóng mượt mịn màng như lụa, nếu là gỗ Sưa lại ánh lên vẻ đẹp trong suốt như hổ phách rất cuốn hút…

Ngoài đánh Sáp, còn có kĩ thuật sử dụng lá chuối khô để chà lên bề mặt gỗ (sau khi đã được mài nhẵn) kĩ thuật đánh lá chuối khô cũng đem lại nhiều hiệu quả thú vị bởi trong lá chuối cũng có một phần nhựa được tiết ra từ lá có chức năng làm mịn bề mặt gỗ và góp phần làm bóng gỗ nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên gốc của chủng loại gỗ…

Ngoài ra còn có nhiều giải pháp cho việc bảo quản đồ gỗ như đánh bóng và bảo quản gỗ tự nhiên bằng nước trà xanh, bằng xi…

Đối với những tác phẩm tạo tác bằng gỗ tự nhiên (thuộc nhóm gỗ quý) theo quan điểm của Hội tuyệt đối không nên sử dụng sơn phủ Công nghiệp – hay còn gọi là sơn PU(sử dụng máy bơm hơi tạo ra áp lực và súng phun sơn chuyên dụng) đây là giải pháp được phổ cập trên mọi dòng sản phẩm (từ gỗ tự nhiên đến gỗ công nghiệp) hiệu quả đem lại NHANH, năng xuất cao, trong một số trường hợp sẽ che giấu được nhiều khuyến khuyết từ gỗ, màu sắc đa dạng…Sơn PU còn có khả năng hạn chế quá trình nứt rạn của gỗ (tự nhiên) nên được sử dụng rất nhiều trong quá trình hoàn thiện các sản phẩm, chính những ưu điểm vượt trội trên và do ý thức ngày càng kém của một số bộ phận không nhỏ trong các làng nghề truyền thống dẫn đến việc quá lạm dụng việc sơn PU dẫn đến sản phẩm mất đi màu sắc tự nhiên của gỗ, (bối cảnh không gian nội thất các trung tâm tín ngưỡng hay tư gia ngày nay ánh sáng nhân tạo SÁNG hơn xưa rất nhiều, nhiều bộ tượng Phật lại sử dụng sơn phủ Bóng với tỉ lệ pha trộn lớn dẫn đến hỏng diện tượng…)

“Tốt GỖ hơn tốt nước SƠN” liệu giờ còn mấy ai quan tâm?

Tại Circlegroup, quá trình chọn gỗ, xử lý gỗ, tạo tác được áp dụng và tuân thủ những yêu cầu khắt khe nhằm mong muốn tìm lại những giá trị của tiền nhân, hơn 4 năm không phải là dài nhưng cũng đủ hiểu được phần nào những giá trị của người xưa và tin rằng những hiện vật này sẽ tồn tại trong nhân gian hàng vài trăm năm thậm trí hàng ngàn năm (nếu được chăm sóc cẩn trọng)