Những nét đẹp còn vương lại trong cái tết truyền thống người Nùng ở Thái Nguyên 05/02/2018

 

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, khi những cành hoa đào đang bung nở rộ, tôi về quê ngoại của mình ở xóm Đồng Nghè, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên nơi đồng bào dân tộc Nùng chiếm đa số và đón tết cùng bà con nơi đây. Những phong tục, tập quán của người Nùng giờ đây đã được thay đổi và đơn giản hơn nhiều, tuy nhiên nét đẹp truyền thống trong đón Tết với nhiều tập tục đặc sắc vẫn được người dân nơi đây lưu giữ vẹn nguyên. Cũng giống như bao gia đình người Nùng ở đây, năm nào họ cũng chuẩn bị một cái Tết thật ấm cúng theo đúng phong tục tập quán của dân tộc mình.

Cây nêu là một loại cây không thể thiếu trong dịp Tết của người Nùng được làm bằng cây tre non. Trước khi cây nêu được đem ra dựng trước nhà, chủ nhà sẽ dùng cây nêu quét khắp các vị trí trong nhà, tức là quét đi những gì không tốt đẹp, những điềm gở của năm cũ. Họ tin rằng cây nêu có thể trừ tà ma, dựng cây nêu gia đình sẽ không bị ma quỷ quấy rối. Cây nêu được dựng trước cửa gia đình người Nùng tới Rằm tháng giêng, sau đó gia chủ sẽ làm lễ hạ nêu.

Cùng với dựng cây nêu, vào ngày 30 Tết, người Nùng cắm cờ Tổ quốc và dùng giấy đỏ trang trí khắp nhà như trước cửa, bàn thờ, cây cối trong vườn… bởi họ quan niệm giấy đỏ tượng trưng cho sự may mắn, sang năm mới mọi việc trong gia đình sẽ gặp nhiều thuận lợi, suôn sẻ.

Trong ngày Tết, mỗi gia đình người Nùng đều làm ba mâm cỗ, mỗi mâm có một con gà luộc, năm chén rượu, bánh khẩu xà và hương hỏa để cúng tổ tiên, cúng Táo quân và một mâm cúng người bảo vệ của gia đình (hay còn gọi là bàn thờ Ké). Người được thờ ở bàn thờ Ké là một người từ xa xưa đã có công bảo vệ cho sự an toàn của dòng họ, vì thế gia đình người Nùng nào ở đây cũng lập một bàn thờ Ké thể hiện sự nhớ ơn tới người có công với dòng họ.

Ngoài mâm cúng tổ tiên, táo quân và người bảo vệ của gia đình, người Nùng còn có tục cúng thổ công. Mỗi bản, làng của người Nùng đều có một miếu cúng thổ công, hoặc nhiều gia đình sống cùng trên một khu đất sẽ lập chung một miếu thổ công. Cứ vào mùng 2 Tết, mỗi gia đình người Nùng đều chuẩn bị một mâm cúng gồm một con gà luộc, hai chén rượu và hương hỏa để mang ra miếu thổ công. Người già tuổi nhất bản sẽ có nhiệm vụ cúng, nội dung bài cúng mong muốn thổ công phù hộ cho tất cả các gia đình được sinh sống bình yên, an lành, hạnh phúc trên mảnh đất của gia đình mình. Sau đó, các gia đình sẽ cùng nhau ăn trưa tại miếu.

Đặc biệt, tết Nguyên đán có bánh chưng, bánh khảo, bánh bỏng, chè lam… người Nùng cũng như người Tày thường gói loại bánh chưng dài gọi là “bẻng li” nhưng khác với người Tày là bánh hai đầu hơi khum, có nét riêng cua người Nùng. Bánh khảo gọi là “sa cao” là món bánh truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, nhất là tết Nguyên đán. Bánh bỏng (gọi là khẩu sli là một loại bánh đặc biệt, được chế biến khá công phu. Người ta lấy cây “dần pất” về vò lấy nước hoặc lấy vỏ cây “mác mjầu” giả nhỏ, lọc lấy nước rồi cho gạo nếp vào ngâm trong vài ba tiếng đồng hồ, sau đó mang đi đồ chín. Khi nếp đã chín thành xôi thì đổ ra nong, nia cho cơm nguội đi, sau đó cho bột sắn vào trộn, đánh tơi cho tách ra từng hạt. Tiếp đó, đổ vào cối giã cho bẹp đều các hạt ròi đem phơi khô và cho vào chảo rang để bỏng nở đều rồi lấy nước mật đun sôi trộn với bỏng, đổ ra mâm nén kỹ, sau đó dùng dao cắt thành từng miếng to, nhỏ tùy ý… Các món bánh của người Nùng trong ngày Tết đều có vị ngọt với mong muốn năm mới những điều ngọt ngào sẽ đến, những điều đắng cay bay đi.

Sau lễ giao thừa, người ta kéo nhau ra sông, suói gay giếng lấy nước đem về đun sôi pha trà dâng cúng tổ tiên; tiếp nhận gia súc – gia cầm mới về chăn nuôi bằng cách nhặt lấy một vài viên đá hay một vài hòn sỏi tượng trưng thả vào chuồng gia súc – gia cầm của gia đình.

Ngày Tết, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nùng ở Thái Nguyên đó là những câu hát lượn, hát sli ngọt ngào, tha thiết.Người Nùng vừa tới nhà nhau chúc Tết, lại vừa tổ chức hát sli, lượn, chủ yếu là hát những bài chúc Tết. Sli và lượn của cư dân Nùng khác với “lượn” của cư dân Tày ở chỗ đôi nam hát đối đáp với đôi nữ, hát bằng hai bè, hai điệu khác nhau, một bè cao, một bè thấp, âm thanh của hai bè hòa hợp với nhau rất hấp dẫn.

Với cư dân Nùng và Tày, không ai là không biết đến nghệ thuật hát Then, một sản phẩm âm nhạc độc đáo của cộng đồng. Hãy ngắm bà then, tay cầm tính tẩu và chùm nhạc xóc hát trong hội xuân, bè then thường bưng mâm hoa quả, cất tiếng ca mở đầu: Năm cũ đã qua, Bước ra năm mới, Năm nay mở hội xuân… Có khi bà then hát về bốn mùa, mười hai tháng trong năm: Tháng giêng, ăn ngon nhiều gia vị, Tháng hai, hoa đào nở đón xuân sang, Tháng ba, Hoa cây càng tỏa nắng, Tháng tư, quạ con – đàn tiếp đàn, Tháng năm, chị ve sầu gọi nắng, tháng sáu, bạn tình vừa nửa năm Tháng bảy, khỉ trên cây ăn quả, Tháng tám, Trung thu trăng sáng tỏ, Tháng chín, cầm liềm đi gặt lúa, Tháng mười, mọi nhà có gạo mới, Tháng mười một, ăn xong đi xem số, Tháng chạp, tìm được ngày lành đi ăn hỏi, Tháng giêng, hai ta cưới nhau, Nàng xuân chẳng thoạt đi đâu được.

Ngày nay, đất nước Việt Nam đang tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đổi mới toàn diện để hội nhập vào khu vực và quốc tế. Trong bối cảnh ấy, cộng đồng tộc người Nùng là một trong những tộc người năng động, cần cù, giàu kinh nghiệm, nhiều phong tục, tập quán của người Nùng ở Thái Nguyên đã được thay đổi để tránh rườm rà, lãng phí. Tuy nhiên những phong tục trong ngày Tết Nguyên đán vẫn được giữ nguyên bởi nó mang đậm bản sắc văn hóa của người Nùng, đồng thời thể hiện nét đẹp, sự đặc sắc, phong phú về văn hóa trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.

Hoàng Pháp

#hoiquandisan