“Ông Sấm” hay sư tử đá chùa Hương Lãng 28/02/2021

Dòng sư tử này chủ yếu xuất hiện thời Lý-Trần và gần như vắng bóng trong các triều đại sau đó. Sư tử thời Lý khác biệt hẳn với sư tử Trung Quốc và các nước lân cận, ở chỗ không tả thực, mà mang đầy tính sáng tạo với nhiều hoa văn uốn lượn, mềm mại, có thể nói đến độ tinh tế hiếm thấy

Dương Xá có chùa Bà Tấm, Minh Hải có chùa Hương Lãng đều cùng thờ Ỷ Lan, đặc biệt cả hai ngôi chùa ngày nay cùng bảo lưu được cặp sư tử đá mà người dân trong vùng thường gọi là “Ông  Sấm”, được tạo tác giống hệt nhau cả về đường nét và nghệ thuật tạo hình.

Đôi sư tử kích thước rất lớn, tạo bằng đá liền khối cao 1,2m, rộng 1,36m trong tư thế phủ phục, đường nét đặc biệt mềm mại. Mỗi sư tử tọa lạc trên một bệ đá hình chữ nhật. Mặt sư tử được diễn tả bằng những nét chạm khắc rất tinh tế: mũi hở, hàm răng đều đặn, răng nanh to, nhọn và khỏe, nhất là chân mập. Răng sư tử nhe, để hở miệng ngậm ngọc. Quanh mép có hoa văn xoắn ốc nhỏ, trông không dữ tợn mà hiền lành. Đôi mắt to không trợn tròn, mà mở to, hình quả trám thuôn dài, lồi hẳn ra ngoài, ẩn dưới đôi lông mày rậm. Mũi tuy to, nhưng được điểm thêm những đường cong nhỏ chạy theo dạng bình độ, trông vừa nổi, vừa thanh tú, không thô. Mày của sư tử dô cao hình gợn sóng.

Bờm được cách điệu thành những đường xoắn ốc chạy từ đuôi mắt xuống trông mượt mà, nhẹ nhõm. Giữa trán là hình tòa sen nhiều tầng và trên đó là hình chữ Hán “Vương”, làm cho trán không trơ, lại vừa biểu thị được ý niệm của hình tượng. Quanh trán và cả trên đùi con vật, có điểm những bông hoa năm cánh nở xòe.

Chân sư tử có những móng cong sắc, quắp chặt, khiến cho người xem thấy rõ linh vật tiềm ẩn sức mạnh phi thường. Đùi sư tử mập mạp, lại có những đường cánh cung chạy vát lên trông vừa tròn rắn, lại vừa như những đường gân đang cuộn lên. Các móng càng tăng vẻ gân guốc với những đường răn lõm ở các đốt như đang bám chặt vào đó.

Một điểm nhấn quan trọng của sư tử Đại Việt nói riêng và tất cả các linh vật quan trọng khác là miệng thường ngậm ngọc. Chính viên ngọc trong miệng sư tử tương phản với những chiếc răng nanh sắc nhọn, như muốn nhấn mạnh sức mạnh kia là để phụng sự cái Thiện, quy hướng Phật pháp.

Đặc trưng khái quát của tạo hình sư tử Việt là hàm răng có số lượng lớn. Răng nanh sư tử Việt thời Lý đa phần đã không những không nhọn sắc mà lại thường thiếu hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên. Sư tử thời Lý-Trần không phô diễn sức mạnh hình thể. Mô-típ sư tử rướn người ra phía trước và lộ rõ một khối ức vạm vỡ đều bị triệt tiêu trong cách thức tạo hình sư tử thời Lý. Chúng ta hầu như không nhìn thấy ức ở các con sư tử ở chùa Bà Tấm hay Hương Lãng. (t/h từ Chu Minh Khôi)