Ra mắt sách ảnh “Người nối mạch gốm Việt – Toán Đầu Ô” 21/04/2021

Vào ngày sách Việt Nam 21/04 vừa qua, cuốn sách ảnh “Người nối mạch gốm Việt – Toán Đầu Ô” đã chính thức ra mắt công chúng tại Café Sách – Số 46 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Gốm là một trong những phát minh quan trọng của tổ tiên người Việt từ ngàn đời nay, đồ gốm đã gắn bó mật thiết với cuộc sống trong sinh hoạt, thưởng ngoạn cũng như trong tín ngưỡng. Với trí sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người thợ gốm, gốm cổ Việt Nam đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang tính dân gian sâu sắc, tạo ra nhiều dấu tích đặc trưng riêng. Gốm cổ truyền Việt Nam đã có cách đây sáu, bảy ngàn năm, xuất hiện trong những di chỉ thuộc văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Hạ Long… Rồi ta thấy trong di chỉ thuộc hậu kỳ đồ đá mới Phùng Nguyên, giai đoạn Đồng Đậu, giai đoạn Gò Mun… Đồ gốm cổ truyền nước ta đã có những bước phát triển cao và hết sức phong phú.

Sau khi giành tự chủ, gốm thời Lý Trần có sự phát triển rực rỡ, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử gốm sứ Việt Nam. Quy mô sản xuất gốm sứ được mở rộng, sản phẩm trở nên phong phú về chủng loại, mẫu mã với các chất liệu men trắng ngà nổi bật cùng với gốm men nâu, men xanh,…

Gốm được coi là loại hình nghệ thuật tiêu biểu bậc nhất của người Việt với những giai đoạn phát triển rực rỡ tạo ra bản sắc riêng được nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới sưu tầm và được nhiều nhà sưu tập quan tâm săn lùng… Ngày nay -Gốm Việt đang dần mất đi vị thể vốn có, may thay vẫn còn những con người dành cả cuộc đời gắn với Đất, tiếp tục thổi hồn vào đất, đó là nghệ sĩ gốm Nguyễn Văn Toán. Ông vẫn coi nghiệp “chơi” với Lửa là một phần của cuộc sống – tiếp tục là NGƯỜI NỐI MẠCH GỐM VIỆT…

Với sứ mệnh ” Tôn vinh bản sắc Việt – Tự hào truyền thống Việt” Hội Quán Di Sản lựa chọn GỐM là chủ đề cho ẤN BẢN đầu tiên được ra mắt vào ngày Sách Việt Nam 21/04, để tôn vinh sự đóng góp của nghệ sĩ gốm Nguyễn Văn Toán trong việc duy trì dòng chảy của loại hình nghệ thuật bậc nhất của người Việt. Cuốn sách ảnh “Người nối mạch gốm Việt – Toán Đầu Ô” đã chính thức ra mắt công chúng tại Café Sách – Số 46 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tại buổi ra mắt, Nhà sử học Dương Trung Quốc, nhân vật chính nghệ sĩ gốm Nguyễn Văn Toán, nhà báo Thái A và đại diện Hội Quán Di Sản và những người tham gia đều có một mối quan tâm chung về gốm Việt. Có nhiều vị khách đã biết nhau từ trước, thông qua sở thích tìm hiểu về gốm, có những vị khách mới lần đầu gặp mặt, nhưng tất cả đều chăm chú lắng nghe và hào hứng với mỗi câu chuyện xoay quanh đề tài gốm. Cuốn sách ảnh “ Người nối mạch gốm Việt – Toán Đầu Ô” dày hơn 100 trang, mang đến cho công chúng những tác phẩm gốm thuộc nhiều chủ đề: gốm phỏng cổ, gốm đương đại, gốm gia dụng, gốm thưởng ngoạn…

Ở mỗi tác phẩm gốm, người xem được tiếp cận với nhiều góc nhìn từ phía người sáng tạo là nhà làm gốm Nguyễn Văn Toán, người sưu tầm như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà sưu tầm Nguyễn Xuân Thanh hay nhà báo Thái A… Cũng trong cuốn sách, lần đầu tiên người đọc được tiếp cận với những thông tin về một nghệ sĩ “ẩn mình” với những tác phẩm gốm có chất “Men làm người ta say”…

Sách bản song ngữ phát hành với số lượng hạn chế, với sứ mệnh trở thành vật phẩm đến bạn bè quốc tế, nội dung chính của cuốn sách giới thiệu một phần các tác phẩm được Nghệ sĩ Nguyễn Văn Toán tạo tác trong vài năm gần đây để cộng đồng hiểu rõ hơn một “di sản” sống trong dòng chảy của gốm Việt và các tác phẩm gốm của ông, NTK Trần Thanh Tùng – chủ biên cuốn sách – đồng thời là một trong những “học trò” của nhà làm gốm Nguyễn Văn Toán – cùng cộng sự đã dành thời gian để thiết kế và hoàn thiện ấn bản tri ân bậc thầy về gốm.

Ấn bản chính thức phát hành nhân ngày sách Việt Nam (21/4) và kỉ niệm 10 năm thành lập, tôn vinh một nghệ sĩ dành cả cuộc đời với đất & lửa, hơn 50 năm qua ông là “người nối mạch gốm Việt” tiếp tục đưa Gốm Việt Nam đến với nhiều nhà sưu tập quốc tế…