Lich sử đã ghi nhận về mối quan hệ của hai quốc gia được hình thành từ rất sớm, vào cuối thế kỷ 16 khi các nhà buôn Nhật Bản đến Hội An (Việt Nam) và sau đó mở ra một thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Khoảng năm 1617, phố Nhật Bản ở Hội An được hình thành và phát triển cực thịnh trong đầu thế kỷ XVII.
Lúc bấy giờ, Ấn Độ và Trung Quốc là hai vựa nguyên liệu lớn nhất thế giới và cũng là hai đầu mối quan trọng của con đường tơ lụa, gốm sứ nổi tiếng trên thế giới, và Hội An lại nằm ở trung tâm của con đường di chuyển giữa hai đầu mối quan trọng này. Cùng với những chính sách mở rộng giao thương của triều Nguyễn, thương cảng Hội An đã thu hút nhiều thuyền buôn của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, Xiêm…tập nấp đến giao thương. Theo các tài liệu lịch sử, số lượng thuyền vào thương cảng đông đến nỗi buồm của chúng được ví “như rừng tên xúm xít” (trích trong Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán), còn hàng hóa thì “không thứ gì không có” và số lượng thì “cả trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được” (trích từ Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn).
Hội An nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại quốc tế bậc nhất cả nước và cả khu vực Đông Nam Á. Đây được xem là trung tâm điều phối cho các thương cảng miền Trung như Thanh Hà (Huế), Thị Nại (Bình Định) và cùng với các cảng Đồng Nai, Sài Gòn, Hà Tiên… trở thành những thương cảng trọng yếu ở Đàng Trong. Không những thế, với vai trò là trung tâm liên vùng, Hội An đã cùng với Goa (Ấn Độ), Ayuthaya (Siam), Malacca (Malaysia), Batavia (Indonesia), Lyzon (Philippin)…nối kết với Formosa (Đài Loan), Macao, Hạ Môn (Trung Quốc), Pusan (Hàn Quốc) tạo nên một hệ thống thương mại hoàn chỉnh của châu Á.
Qua thăng trầm của lịch sử Việt Nam chính thức lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào ngày 21 tháng 9 năm 1973 và theo đó quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực và đã bước sang giai đoạn mới về chất và đi vào chiều sâu. Các mối quan hệ kinh tế chính trị, giao lưu văn hóa không ngừng được mở rộng; đã hình thành khuôn khổ quan hệ ở tầm vĩ mô; sự hiểu biết giữa hai nước không ngừng được tăng lên. Sự kết nối lâu đời trong kinh tế và có nhiều nét tương đồng giữa văn hóa, giáo dục tạo ra một mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia để tiến tới phát triển hợp tác bền vững…
HQDS vinh dự đóng góp một phần nhỏ bé với sứ mệnh ” Thắp sáng cội nguồn – Tôn vinh bản sắc” trong tuần lễ văn hóa với rất nhiều hoạt động thú vị, độc đáo với chủ đề “Hành trình kết nối” giữa Việt Nam – Nhật Bản sẽ diễn ra từ ngày 12/5 đến 19/5 tại khu du lịch Tâm Chúc (Hà Nam)