Đạo thở tổ tiên (theo huyết thống) 10/01/2018

Đặng Nghiêm Vạn

  1. Mỗi một cá nhân có những mối quan hệ với những cộng đồng người cùng cứ trú trên một lãnh thổ quốc gia: tổ quốc, làng xóm, đồng thời lại có những mối quan hệ huyết thống tức là với những thành viên có cùng dòng máu, hoặc được thiết lập qua quan hệ hôn nhân của bản thân với những người cùng huyết thống với mình. Những người cùng huyết thống, ở Hà Nội, nhất là ở nội thành đã không còn cư trú trên cùng một lãnh thổ, trong một đơn vị xã hội cơ sở, nhưng vẫn còn có một liên kết thể hiện bằng dòng họ, bằng đại gia đình. Ý niệm mang tính tôn giáo đó thể hiện ở đạo thờ những người cùng huyết thống đã khuất hay thờ cúng tổ tiên. Đối với người Việt Nam, cái chết chỉ chấm dứt sự có mặt trên trần gian, còn vẫn hiện diện ở thế giới bên kia. Người chết vẫn tiếp tục “sống”, vẫn quấn quýt với con cháu, trở về với con cháu nhằm bảo vệ phù hộ cho con cháu. Con cháu cũng hiểu cha mẹ, ông bà tiếp tục “sống” ở cõi khác, mà trách nhiệm của mình phải cung cấp những thứ cần thiết: xây mồ mả, cung cấp các thứ ăn mặc…; ngược lại cũng thấy tổ tiên là chỗ dựa cho mình trong cuộc sống: cầu xin, hỏi ý kiến. Vong hồn tổ tiên ở ngay nơi trang trọng nhất trong nhà, trên bàn thờ, ngoài bãi tha ma. Niềm tin đó có ảnh hưởng đến hành vi con cháu không muốn làm điều gì trái với những điều khi sống bố mẹ chỉ bảo hay những điều xấu mang tội bất hiếu, bất trung làm cho vong hồn tổ tiên phải tủi hổ.
  2. Một người Việt Nam thường có ba dòng họ: họ nội là họ bên cha, cùng tên họ, là họ gốc; họ ngoại là họ bên mẹ và họ vợ*. Đó là vì người Việt theo chế độ phụ hệ. Cho nên trách nhiệm của một cá nhân là quan hệ đến ba họ kể trên. Vậy xưa, dưới chế độ phong kiến, một người nổi danh, ba họ vinh hạnh; một người phải tội, nếu tội nặng phải chết, có thể bị chu di tam tộc.

Mỗi họ có một nhà thờ họ gọi là từ đường. Có những họ lớn như ở Hà Nội có họ Hoàng (Gia Lâm, Từ Liêm), họ Đặng (Ba Đình), họ Vũ (Hoàn Kiếm), họ Nguyễn (nhiều nơi), họ Trần, họ Lê… Tại nhà thờ họ, có bài vị thủy tổ dòng họ bằng chữ Hán, có cuốn gia phả ghi rõ tên họ, chức vụ và nếu là nhân vật quan trọng còn ghi những sự kiện chính của tiểu sử. Mỗi khi có giỗ, xưa các đại diện các chi phải về dự, rước tế rất linh đình28.

Những họ lớn chia ra từng chi có nhà thờ hay ban thờ riêng cũng gọi là từ đường. Trên bàn thờ có bài vị ông tổ của chi, có gia phả; mỗi chi thường chỉ tính thần chủ đến bốn đời trở lên tức là kỵ, cụ, ông và cha tức là cao, tầng, tổ, khảo. Như vậy, thực chất một chi chỉ gồm có năm thế hệ tức con cháu chung một ông cao tổ phụ mẫu.

Nên vậy, nếu tính từ bốn đời trở xuống, ta lại có con, cháu, chắt, chút, xa hơn nữa không tính. Vậy từ cao tổ phụ (kỵ) cho đến huyền tôn (chút) là chín thế hệ nên mới gọi là cửu tộc.

Mỗi chi họ lại gồm những đại gia đình, thường gồm các thành viên ba thế hệ, cũng có ban thờ chung đặt ở nhà người con cả. Mỗi tiểu gia đình có khi lập bạn thờ riêng cả cha mẹ bên chồng và cha mẹ bên vợ nếu đã khuất.

Đạo tổ tiên nhằm liên kết những người cùng huyết thống, ngoại hôn. Việc hôn nhân được quy định rất nghiêm ngặt tránh hiện tượng loạn luân, theo hệ thống thân tộc mở rộng ra cả với những thành viên bên ngoại và bên vợ. Ở Việt Nam, xưa các dòng họ lớn muốn liên kết với nhau để tạo thế lực, thường lợi dụng tục hôn nhân giữa các cháu cô, cháu cậu để đặt quan hệ. Vậy nên mới có câu: “Cháu cậu mà lấy cháu cô, thóc lúa đầy bồ, giống má nhà ta”. Những họ lớn quanh vùng Hà Nội thường gả con cháu cho nhau tạo nên một quan hệ liên họ. Ba họ đó lại chắp nối với các dòng họ lớn khác trong vùng. Mối liên kết chằng chéo đó tạo nên một thế lực quan trọng đáng vì nể trong vùng.

  1. Tùy theo tầng lớp trong xã hội. có dòng họ to, nhỏ khác nhau, được thể hiện thông qua những hình thức phô trương bên ngoài của nhà thờ họ, gia phả, mồ mả, nghi thức… Hiện nay, đạo tổ tiên được khơi dậy đã cuốn hút không chỉ ông già, bà cả, mà lớp trẻ. Từ đấy có một phong trào sửa sang hay xây lại nhà thờ họ, mồ mả tổ tiên, sao chép lại gia phả và bổ sung thêm cho đến thế hệ đang sống, tổ chức giỗ chạp thăm quê tổ, cúng ngày rằm, ngày một…, tổ chức các cuộc họp mặt các thành viên cùng họ xa gần, thăm viếng quê nội, ngoại, vợ, chồng… Nếu đúng, đó là những việc làm tốt khơi lại đạo lý tình nghĩa con người Việt Nam. Theo cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp, bên cạnh phần tâm thức tôn giáo của nó, đạo tổ tiên lại góp phân xây dựng hay tái tạo lại đạo đức truyền thống, hướng con người tìm về cội nguồn, tưởng nhớ lại công đức của cha ông nối trong bối cảnh thời kỳ mở cửa.

Về khía cạnh tôn giáo, đạo thờ tổ tiên là mối quan hệ giữa người sống và người đã khuất được thể hiện trong toàn bộ các hành vi cụ thể đời sống một con người, từ khu sinh ra đến khi khuất núi. Bất kỳ có một sự việc gì xảy ra trong gia định, chủ nhà đều phải khấn vái, trước là để trình bày sau là để xin tổ tiên phù hộ, giúp đỡ: sinh con, đi xa, thi cử, chọn nghề, tai qua, nạn khỏi, dựng vợ gả chồng, làm ăn, buôn bán, đi xa, được lộc, giải hạn, thăng hoa, lên chức, v.v… Có thể nói, chủ nhà gần như bàn bạc với ông bà, cha mẹ đã khuất như lúc còn sống. Ngược lại, những người đã khuất gặp điều gì cần nhờ vả con cháu hay có điều gì mách bảo cũng lại báo mộng về, đôi khi phạt làm ốm đau, mất lộc…

Quan hệ đó thể hiện qua việc cầu cùng lễ bái. Nếu như nhà vua là người đại diện cả nước làm lễ tế Trời Đất, nếu như ông tiên chỉ là người đại diện cả làng tế thành hoàng, thì người gia trưởng hay tộc trường phải là người đại diện gia đình cúng tổ tiên. Nghi thức cúng tổ tiên có bài bản rõ ràng thể hiện ở nhiều bậc khác nhau được truyền từ đời này sang đời khác. Nếu làm không đúng lệ, dân làng sẽ chê cười. Điều đáng trách là chủ nhân đã không biết làm đúng quy cách, lại phô trương hình thức tốn tiền. Tất nhiên, sau một thời gian dài qua hai cuộc chiến tranh, nhà cửa lại chật chột, nghi thức thờ cúng tổ tiên nay chỉ thể hiện ở tấm lòng thành; mó khó chú ý đến hình thức, nội dung, cách xếp đặt ban thờ, nghi lễ…

Có người không cho thờ cúng tổ tiên là một hình thức tôn giáo vì không có giáo chủ, có giáo điều không có tổ chức. Đó là sai lầm vì một tôn giáo chỉ gôm ba yếu tố niềm tin. Nội dung và hành vi29. Vậy đạo thờ tổ tiên có đầy đủ ba yếu tố đó. Nghi thức của đạo tổ tiên nay đơn giản đi, nhưng nếu trở lại những trang sách cổ xưa, những hành vi thờ cúng, việc xây mộ, bày biện nhà thờ đâu không có khuôn phép. Vả lại phải nói hầu hết người Việt Nam đã theo đạo tổ tiên, kể cả đa số những người theo đạo Công giáo.

Theo kết quả điều tra ở Hà Nội, năm 1995 số tín đồ đạo Phật có thờ cúng tổ tiên là 98%. Số theo đạo Công giáo trả lời câu hỏi: Ông (bà) theo đạo nào, 94,7% trả lời có theo đạo tổ tiên. Đó là hỏi có tính lý thuyết. Với câu hỏi có tính thực hành như khi hỏi ông (bà) thờ cúng tổ tiên như thế nào? Trả lời: xin lễ ở nhà thờ: 79,33%; làm lễ kính ở nhà: 18,99%, làm lễ có cỗ bàn: 9,8%; có lập bàn thờ tạm: 7,26%; có lập ban thờ thường xuyên: 24,58%; không cúng: 5,03%. Kết quả đó là do việc rút phép thông công những người Công giáo còn thờ ông bà ông vải đã được bãi bỏ theo tinh thần của Huấn thị Plane compertum est (8-12-1939) của Giáo hoàng Piô XIII của Công đồng Vantican II. Nhiều người trước đây vì lo sợ phải đưa ra bát hương tổ tiên sang những người thân không theo đạo hay dấu trong kho thóc, nay được công khai thờ theo ý muốn. Vậy nên, ở thàn phố Hồ Chí Minh nơi tinh thần Công đồng Vantican II đã thấm sâu, tỷ lệ giáo dân làm lễ đạo ông bà (tức tổ tiên) cao hơn Hà Nội.

  1. Đạo tổ tiên lại gần như là cốt lõi của các tôn giáo mới sáng lập ở Việt Nam như đạo Hòa Hảo, đạo Cao Đài và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của Phật giáo với việc đưa bát hương vào chùa, việc lễ Vu Lan, việc ma chay, cúng giỗ, việc tu tại gia, việc coi Phật chỉ như một người mang lại điều phúc, điều thiện, chống lại điều ác, một thứ thần hộ mệnh, không khác mấy những người có công sinh dưỡng và có công giữ và dựng nước. Việc thu hút đạo thờ tổ tiên và đạo Phật lại đương phát triển, khi ảnh hưởng của đạo Nho với tư cách một tôn giáo bị giảm và khi đình làng mất vai trò, nay đương lấy lại. Hai tôn giáo kể trên, đạo Nho và đạo Phật, nhờ đạo tổ tiên mà thêm gần gũi với con người Việt Nam, và ngược lại, đạo thờ cúng tổ tiên lại quyện vào hai tôn giáo ngoại sinh nói trên. Vì thế, người dân thường coi đạo tổ tiên như một bổ sung của đạo Phật. Người dân đã thờ phật thì dĩ nhiên có thờ ông bà. Người theo đạo tổ tiên cũng có khi được xem là quần chúng đạo Phật, dù có hay không có ban thờ Phật trong nhà. Ở Nam Bộ, dân chúng lẫn lộn đạo Ông và với đạo Phật

 

 

* Họ vợ cũng gọi là họ ngoại vì tục theo con. Họ ngườioại là của con là họ vợ của mình

28 Khác với Việt Nam. Ở Trung Quốc, người dân chỉ thờ tổ tiên các dòng họ hay các chi họ ở các từ đường

29 Dẫn ý của G.Y.Plekhanov trong “Điển qua tình hình tôn giáo hiện nay” của Đặng Nghiêm Vạn trong cuốn Những vấn đề trông giáo hiện nay. Nxb KHXH. Hà Nội, 1994

 

 

Trích Đặng Nghiêm Vạn “Hệ Thống Tôn giáo dân tộc: Đạo thờ tổ tiên”. In trong: “Làng Đồng Bằng Sông Hồng Vấn đề còn bỏ ngỏ” trang 374 đến 377