Bảo tồn di sản trong đời sống đương đại 15/03/2018

HNP – Thời gian gần đây, một loạt các vụ việc xung quanh nhiều di sản văn hóa quốc gia bị xâm hại, xuống cấp và bị bỏ rơi như: vụ việc chùa Trăm Gian, chùa Một Cột, di tích Làng cổ Đường Lâm… đã gây lên dư luận trái chiều. Tìm một hướng đi nhằm chung tay góp phần bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những giá trị di sản của cha ông để lại không chỉ là nhiệm vụ của các cấp, ngành liên quan mà là của từng tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Một trong số đó phải kể đến Hội quán Di sản (trụ sở tại phố Núi Trúc, quận Ba Đình, Hà Nội), nơi tập hợp các tổ chức, cá nhân, những người trẻ có đam mê và tâm huyết với di sản truyền thống. 

Nếu ai đã từng tham dự sự kiện Xẩm tàu điện – Văn hóa đường phố Hà Thành, Đêm huyền diệu – Tiếng đàn bầu, Sen Việt Nam, Tò he và các trò chơi dân gian hay lễ ra mắt bộ tặng phẩm “Thông điệp ngàn năm”… thì chắc hẳn không hề xa lạ với Hội quán này. Ra đời được hơn một năm, hoạt động của Hội quán liên quan đến nhiều mảng, nhiều đề tài, nhưng mục tiêu của Hội quán là xoay quanh Bốn cốt lõi: Rồng Việt Nam, Sen Việt Nam, Đàn Bầu và mỹ thuật ứng dụng. Anh Trần Thanh Tùng, Giám đốc điều hành của Hội quán Di sản giải thích: “Chúng ta là con Rồng – cháu Tiên, hình tượng rồng – phượng trong văn hoá Việt cũng khác xa so với trong văn hoá Trung Hoa – điều mà rất nhiều người không biết. Hình tượng hoa sen thân thuộc với mỗi người Việt Nam, sen là biểu tượng đạo Phật, mà đạo Phật là tôn giáo gắn bó với lịch sử dân tộc, sen cũng là một mô-típ xuyên suốt qua các thời kỳ khác nhau của mỹ thuật Việt Nam. Chúng tôi chọn đàn bầu, bởi đây là cây đàn độc đáo, chỉ một dây mà có thể nói lên được mọi cung bậc. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã đề nghị được nghe tiếng đàn bầu. Còn về mỹ thuật ứng dụng, Hội quán Di sản được thành lập bởi Circle Group, một tổ chức gồm các thành viên hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Vì thế, mỹ thuật là thế mạnh của chúng tôi. Khi nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống, chúng tôi nhận thấy các thế hệ đi trước đã để lại một kho tàng vô giá mà ngày nay chúng ta có thể khai thác, ứng dụng vào trong cuộc sống”.
Hội quán Di sản là một trong số ít nơi thu hút được sự tham gia của không những giới chuyên môn mà còn tập hợp được rất nhiều trí thức trẻ tuổi có niềm đam mê và tâm huyết với di sản văn hóa, đồng thời cũng khá thành công với việc quảng bá giá trị văn hóa đến với công chúng. Anh Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Việc “kéo” công chúng, đặc biệt là giới trẻ đến với di sản cần có thời gian. Qua các hoạt động của mình, chúng tôi muốn tạo hiệu ứng xã hội theo phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Chẳng hạn, đàn Bầu là cây đàn đặc trưng của dân tộc Việt, có thể bạn không thích hoặc chưa được nghe, nhưng người Việt trong chúng ta ai cũng biết và nếu có thời gian sẽ tự tìm hiểu đôi chút về nó, xã hội phát triển, sự giao thoa văn hóa, ai đó trong chúng ta sẽ có lúc tự hỏi dân tộc ta có nhạc cụ nào tiêu biểu? Khi nhận thức điều này thì người ta sẽ có cách nhìn khác về di sản”.
Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt, thành viên Hội quán Di sản còn nghiên cứu, đưa những sản phẩm đó vào đời sống. Song, để làm được việc này không phải điều dễ dàng và có thể làm trong một sớm một chiều. Tại lễ ra mắt bộ tặng phẩm “Thông điệp ngàn năm” vào tháng 12/2012 vừa qua, Hội quán đã chính thức công bố và cho ra mắt 5 tặng vật điêu khắc bao gồm: lá đề chạm khắc hình Rồng, đôi đầu Rồng – đầu Phượng, đầu mái Rồng – Phượng, với đường nét tạo hình được khai thác theo nguyên mẫu của di vật khảo cổ tìm thấy tại Hoàng Thành Thăng Long. Bộ vật phẩm này có thể dùng như một món đồ trang trí trong nhà, một món quà lưu niệm quảng bá văn hóa Việt đến với khách du lịch. Tuy nhiên, kể từ sau khi ra mắt đến nay, bộ vật phẩm “Thông điệp ngàn năm” vẫn chưa đưa ra thị trường vì muốn có thêm nhiều sự chia sẻ, đóng góp của cộng đồng. Ngoài ra, khi giới thiệu về tranh Đông Hồ, Hội quán có ý tưởng đưa những hình ảnh trên tranh Đông Hồ vào những chất liệu mới có tính ứng dụng cao, thích nghi với đời sống đương đại. Như: có thể khai thác những hình ảnh, ý nghĩa của tranh Đông Hồ vào những trò chơi ghép hình, hoặc in vào bìa bọc sách của học sinh…
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản có thể bằng hình thức này hay hình thức khác nhưng thực hiện theo cách mà Hội quán Di sản đã và đang làm được xem là cách làm mới mẻ và sáng tạo. “Để khẳng định sự thành công vẫn còn là một con đường khá dài. Hội quán Di sản đã có một vài sự kiện khởi đầu được công chúng biết đến và chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa đến cho công chúng những dự án thực tế nhằm chung tay, góp sức bảo tồn, phát huy di sản của dân tộc trong đời sống đương đại”, anh Trần Thanh Tùng khẳng định.

 

Dương Bình

Nguồn: http://hanoi.gov.vn/dsdoanhnghiep/-/hn/xDketMxZ5CEc/1201/107370/bao-ton-di-san-trong-oi-song-uong-ai.html;jsessionid=UmzAOgexbG0a0JPUaKmPi+BF.app2