Chợ tết miền quê là bức tranh nhiều màu sắc trong thơ Đoàn Văn Cừ, với “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon”, với những nét duyên thầm dễ chạm đến “góc nông thôn” sâu thẳm sẵn có trong mỗi người…
Chợ tết ngày xưa không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu tình cảm, thăm hỏi bạn bè, thân quyến, kể chuyện gia cảnh của những người thân lâu lâu mới có dịp gặp nhau. Điều này thể hiện rõ rệt ở những chợ miền núi, với những điệu “sli”, “lượn” của người Tày, Nùng vùng núi phía Bắc vẫn lưu giữ những nghệ thuật truyền thống này. Chợ tết ngày xưa ở nông thôn thường họp nơi bến sông, đầu hay cuối làng, trên bãi rộng, dưới những tàn cây đầy bóng mát. “Trên bến dưới thuyền. Chợ vì thế mà gọi là chợ búa”[1]. Lý giải rằng, “búa” là tiếng cổ của “bến”, thật khó thuyết phục. Bình Nguyên Lộc, trong Lột trần Việt ngữ có cách giải thích hợp lý hơn, khi cho rằng, “búa” là từ có gốc ngôn ngữ Nam Ấn, có nghĩa là mua hớ, mua đắt một món hàng nào đó.
Chợ tết ở quê có sức hấp dẫn đặc biệt với mọi người. Hàng quán những ngày cuối năm, cửa hàng nào cũng đầy ắp sản phẩm sắc màu rực rỡ. Màu xanh của lá dong xen lẫn sắc đỏ của bánh mứt kẹo, lại chen vào một chút sắc màu tươi mới của các loài hoa ngày tết.
Tết ở vùng nông thôn thường đến sớm hơn và dễ cảm nhận hơn ở thành thị nhờ có chợ tết. Thường cứ sau ngày 20 tháng Chạp, chuẩn bị cho cái lễ đầu tiên là cúng ông Táo (ngày 23 tháng Chạp) đi khắp chốn vùng quê, ta đã có thể cảm nhận rất rõ không khí tết qua khắp mọi chợ lớn, chợ nhỏ.
Những ngày giáp tết, mọi người ai cũng tất bật chuẩn bị để đón tết, mong ước một năm mới dồi dào tài lộc. Và trong những ngày này, các chợ lúc nào cũng tấp nập, đông vui. Người mua, kẻ bán, chợ trở thành trung tâm giao dịch, trao đổi hàng hóa. Người ta đi chợ, không chỉ để mua bán, mà đi chợ còn là để chơi, để ngắm.Nhưng điều đặc biệt ở chợ quê ngày tết là ngoài việc đi chợ mua sắm các loại thực phẩm đón tết, nhiều người đi chợ còn tranh thủ mua các nông cụ chuẩn bị cho mùa vụ sau tết. Ngày thường, hàng mây tre, đồ đan lát chỉ bán được lai rai. Mấy ngày giáp tết, lượng hàng hóa tiêu thụ nhiều hơn bởi người dân quan niệm phải đầy đủ vật chất chuẩn bị cho nông vụ, mùa vụ thì cả năm mới không thất bát.
Những cụ già lưng đã còng vì tuổi tác, lại còng thêm vì gánh hàng nặng trên lưng. Hàng quán siêu vẹo trong bóng chiều, trong khói rơm rạ đâu đó quanh chợ. Người già đến chợ để tìm lại cái cảm giác xưa cũ, với lòng hoài cổ của mình, còn những người trẻ tuổi lại tìm đến chợ như một nơi chốn để ngắm nghía, hẹn hò. Chỉ có lũ trẻ con là vô tư nhất, chúng khuấy động từng góc chợ, nô đùa và len lỏi khắp nơi, tiếng cười bay theo gió…
Đi chợ ngày tết đã trở thành thói quen, một nét văn hóa độc đáo của người dân quê. Chợ những ngày gần tết thường có thời gian họp dài hơn thường ngày, chợ tấp nập và đông đúc từ sáng sớm đến tận chiều tối.
Cũng chẳng biết tự bao giờ, những khoảnh khắc đẹp về chợ tết, nhất là chợ quê đã trở thành mục tiêu săn đuổi của các tay máy ảnh, máy quay. Một cụ già bỏm bẻm nhai trầu, mái tóc thời gian nhuộm thành cước trắng, một gian hàng ngồn ngộn lá rong xanh mướt, lạt giang được tuốt trắng phau, một góc chợ ồn ã với những âm thanh hỗn tạp của nào những gà, vịt, ngan, ngỗng… Tất cả đã tạo nên những bức tranh màu sống động.
Chợ tết ở quê hiện lên như những thước phim sinh động, gợi cảm và giàu tính nhân văn. Nó nhắc nhở người ta quay về với những điều giản dị, những giá trị rặt quê và thông thường, nó dễ chạm đến “góc nông thôn” sâu thẳm sẵn có trong mỗi người để khơi nên một sự rung động chân thành.
Ở nhiều vùng quê, do ảnh hưởng của nếp sống hiện đại của sự đô thị hoá mà những cảnh xưa, nếp cũ cứ phai dần. Với những người hay hoài cổ thì điều này quả là đáng tiếc và chợ tết có lẽ là thành trì ít ỏi còn xót lại cho những nét quê sau luỹ tre làng. Và có lẽ với rất nhiều người, trong rất nhiều năm nữa, chợ quê vẫn là nơi họ tìm đến để sống lại với những khoảnh khắc tết xưa.
[1]Lê Văn Hảo, Ngày xuân và phong tục Việt Nam, Nxb Văn Hóa, 1976, tr.96.
Hoàng Pháp
#HộiQuánDiSản
#circlegroup.vn
#banthoviet