Kích thước: Chiều cao: 11cm; Dày: 2,5cm; Rộng mặt: 14cm x 14cm; Nặng: 8300 gram
Niên đại: Đúc năm Minh Mệnh thứ 8, thời Nguyễn (1827)
Công nhận: Là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Đại Nam thực lục chính biên, năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), Bộ Lễ cùng Phủ Nội vụ, Ty Vũ khố nhận chỉ dụ đúc 5 ấn vàng, trong đó có ấn Sắc mệnh chi bảo.
Ấn làm bằng chất liệu vàng 10 tuổi, gồm hai phần: quai ấn và ấn. Quai được tạo hình rồng, đầu vươn về phía trước, 2 sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, chân rồng 5 móng. Mặt ấn đúc nổi 4 chữ Hán (kiểu chữ Triện): Sắc mệnh chi bảo – 敕命之寶 (Bảo ấn của các sắc lệnh). Trên lưng khắc 2 dòng lạc khoản, bên trái: Thập tuế kim trọng nhị bách nhị thập tam lượng lục tiền – 拾 歲金 重 弍 百 弍 拾叄 両 陆 錢 (Vàng 10 tuổi, nặng 223 lạng 6 tiền); bên phải: Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo – 明 命 捌 年 拾 月 吉 日 造 (Đúc vào ngày lành, tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 8).
Qua những tư liệu còn lại cho thấy ấn Sắc mệnh chi bảo dùng để ban cấp cáo sắc cho văn võ cũng như phong tặng cho thần và người, được đóng trên các loại văn bản: sắc phong, chiếu văn… Trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có nói đến lời của vua Minh Mệnh (năm 1828) về việc dùng ấn Sắc mệnh chi bảo để phong tặng, ban cấp cho bá quan văn, võ thay cho ấn Phong tặng chi bảo – 封 贈 之 寶 và quy định dùng ấn Sắc mệnh chi bảo cho cả những chiếu văn, thăng chức tước cho những người có quyền chức, tước, hàm nhưng chưa được cấp sắc. Hiện nay, trong hệ thống bảo tàng, di tích, sưu tập tư nhân trên toàn quốc còn lưu giữ được khá nhiều sắc phong thần và sắc phong quan chức thời Nguyễn có đóng triện Sắc mệnh chi bảo.
Ấn Sắc mệnh chi bảo là đỉnh cao của loại hình ấn chương thời Nguyễn, là nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử gắn liền với nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia