Di sản cần được sống trong đời sống đương đại 15/03/2018

NDĐT- Hội quán Di sản (trụ sở tại phố Núi Trúc – quận Ba Đình – Hà Nội) là nơi tập hợp các tổ chức, cá nhân có đam mê và tâm huyết với di sản truyền thống, mong muốn chung tay góp phần bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những giá trị di sản của cha ông để lại. Nhà thiết kế mỹ thuật Trần Thanh Tùng, đại diện Hội quán Di sản (trụ sở tại phố Núi Trúc – quận Ba Đình – Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi về hướng đi, những khát vọng của Hội quán.

Bộ sản phẩm Thông điệp ngàn năm

– Trong thời gian qua Hội quán di sản đã đem đến cho công chúng nhiều buổi giới thiệu, trình diễn về ý nghĩa như hình tượng hoa sen, hình tượng Rồng Việt, đàn bầu… trong đời sống của người Việt xưa và nay. Thú vị hơn là chúng lại miễn phí. Vì đâu anh và đồng nghiệp có ý tưởng này?

– Kinh tế – xã hội Việt Nam trong những năm trở lại đây rất phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Giới trẻ dành nhiều thời gian vào mạng, vào các trang xã hội như facebook, nhưng thực tế công chúng Việt Nam ít quan tâm đến văn hoá truyền thống. Phải chứng kiến những di sản Việt đang bị mai một, bị “lép vế” với văn hóa của các nước phương Tây chúng tôi cảm thấy rất buồn và lo lắng.

Với thực trạng như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn nữa có lẽ sẽ có khá nhiều các giá trị văn hóa Việt sẽ ” biến mất”. Nhiều người sẽ giật mình tự hỏi: Bản sắc Việt là gì? Chúng ta có những di sản gì? Rất nhiều câu hỏi mà không có lời giải

Hội quán Di sản ra đời mong muốn bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hoá Việt đến với cộng đồng, với giới trẻ. Chúng tôi hy vọng thông qua các hoạt động của Hội quán sẽ lan tỏa và kêu gọi được nhiều người tham gia, nhiều tổ chức tương tự khác cũng được hình thành để cùng chung tay gìn giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống.

– Để “kéo” công chúng, đặc biệt là giới trẻ đến với Di sản, hoặc đưa di sản văn hoá vào cuộc sống là một việc không hề dễ dàng. Vậy Hội quán sẽ tìm lời giải nào cho vấn đề này?

– Việc làm của chúng tôi cần có thời gian. Qua các hoạt động của mình, chúng tôi muốn tạo hiệu ứng xã hội theo phương châm “Mưa dầm thấm lâu”. Chẳng hạn, đàn Bầu là cây đàn đặc trưng của dân tộc Việt, có thể bạn không thích hoặc chưa một lần được nghe, nhưng người Việt trong chúng ta ai cũng biết và nếu có thời gian sẽ tự tìm hiểu đôi chút về nó. Xã hội phát triển, sự giao thoa văn hóa, ai đó trong chúng ta sẽ có lúc tự hỏi dân tộc ta có nhạc cụ nào tiêu biểu? Khi nhận thức điều này thì người ta sẽ có cách nhìn khác về di sản.

Trong hơn một năm kể từ ngày ra đời, chúng tôi đã tổ chức được hơn mười buổi giới thiệu các di sản với các chủ đề như: Sen Việt Nam, hình tượng Rồng thời Lý, tranh dân gian Đông Hồ, Xẩm Tàu điện – văn hoá đường phố Hà thành… Những buổi giới thiệu như vậy mới chỉ là khởi đầu. Chúng tôi quan niệm lịch sử, văn hoá, danh nhân Việt không nằm trong sách vở, nằm trong bảo tàng mà phải cho công chúng biết, có thể nghe được, nhìn thấy được. Chẳng hạn, khi khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long, có những cổ vật hết sức tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam như điêu khắc hình đầu rồng, đầu phượng. Những hiện vật này có thể giúp cho công chúng hiểu về văn hóa xưa của người Việt. Nhưng thực tế, mấy ai biết, hiểu hết những giá trị của những hiện vật độc đáo đó? Nhất là khi chúng chỉ nằm trong bảo tàng.

Chúng tôi đã thiết kế và đến cuối năm 2012 cho ra mắt bộ sản phẩm “Thông điệp ngàn năm”, gồm năm sản phẩm điêu khắc: lá đề chạm khắc hình Rồng, đôi đầu rồng – đầu phượng được lấy từ nguyên mẫu của di vật khảo cổ này. Bộ vật phẩm này có thể dùng như một món đồ trang trí trong nhà, một món quà lưu niệm quảng bá văn hóa Việt… Đó là một trong những cách mà chúng tôi mang di sản vào đời sống.

– Hội quán nhận được phản hồi thế nào về những sản phẩm ấy?

– Bước đầu chúng tôi chủ yếu giới thiệu các nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt, còn đưa những sản phẩm đó vào đời sống thì cần phải có thời gian. Ngay cả bộ vật phẩm “Thông điệp ngàn năm” chúng tôi cũng chưa đưa ra thị trường vì muốn có thêm nhiều sự chia sẻ, đóng góp của cộng đồng.

Khi chúng tôi làm các vật phẩm này với kích thước, kiểu dáng, chất liệu, màu sắc khác nhau, đã có ý kiến phản ứng là chúng tôi làm sai nguyên gốc không tuân thủ đúng với di vật cổ…

Tương tự, khi giới thiệu về tranh Đông Hồ, chúng tôi có ý tưởng đưa những hình ảnh trên tranh Đông Hồ vào những chất liệu mới có tính ứng dụng cao, thích nghi với đời sống đương đại, có thể khai thác những hình ảnh, ý nghĩa của tranh Đông Hồ vào những trò chơi ghép hình, hoặc in vào bìa bọc sách của học sinh.. thì có ý kiến phản bác khá gay gắt từ phía các nhà nghiên cứu truyền thống. Nhưng không vì thế mà chúng tôi dừng lại. Chúng tôi tiếp tục tìm đường, bởi chúng tôi thực sự vẫn băn khoăn nhiều bức tranh Đông Hồ rất có ý nghĩa mà không ai treo, trong khi đó lại treo những thứ vay mượn của nước ngoài.

Trong những luồng ý kiến khác nhau ấy, có điều may mắn là bộ vật phẩm “Thông điệp ngàn năm” chúng tôi hiện nhận được khá nhiều đơn đặt hàng của nhiều tổ chức, các doanh nghiệp. Đặc biệt Tết Quý Tỵ vừa rồi bán thử tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long thì đã bán được khá nhiều bộ cỡ nhỏ. Điều thú vị là 70% khách mua là người nước ngoài.

Vấn đề căn bản vẫn phụ thuộc vào nhận thức của các nhà làm văn hóa và quản lý văn hóa. Bên cạnh đó là nhận thức của người dân thì luôn cần có thời gian.

– Những chương trình của Hội quán Di sản trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ âm nhạc, đến mỹ thuật… Liệu điều ấy có quá sức đối với một tổ chức như Hội quán?

– Hoạt động của Hội quán thời gian qua liên quan đến nhiều mảng, nhiều đề tài, nhưng mục tiêu của chúng tôi là xoay quanh bốn cốt lõi: Rồng Việt Nam, sen Việt Nam, đàn bầu và mỹ thuật ứng dụng.

Chúng ta là con Rồng – cháu Tiên, hình tượng rồng – phượng trong văn hoá Việt cũng khác xa so với trong văn hoá Trung Hoa – điều mà rất nhiều người không biết. Hình tượng hoa sen thân thuộc với mỗi người Việt Nam, sen là biểu tượng đạo Phật, mà đạo Phật là tôn giáo gắn bó với lịch sử dân tộc, sen cũng là một mô-típ xuyên suốt qua các thời kỳ khác nhau của mỹ thuật Việt Nam. Chúng tôi chọn đàn bầu, bởi đây là cây đàn độc đáo, chỉ một dây mà có thể nói lên được mọi cung bậc. Rất nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã đề nghị được nghe tiếng đàn bầu.

Còn về mỹ thuật ứng dụng, Hội quán Di sản được thành lập bởi Circle Group, một tổ chức gồm các thành viên hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Vì thế, mỹ thuật là thế mạnh của chúng tôi. Khi nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống, chúng tôi nhận thấy các thế hệ đi trước đã để lại một kho tàng vô giá mà ngày nay chúng ta có thể khai thác, ứng dụng vào trong cuộc sống. Thử đặt câu hỏi thế này: Là người Việt, chúng ta nên sử dụng các giá trị mỹ thuật của chính mình hay là đi “vay mượn” văn hóa của nước khác?

– Được biết, các chương trình của Hội quán Di sản có sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, hay các nghệ sỹ, nghệ nhân… đến từ các lĩnh vực khác nhau. Hội quán Di sản làm thế nào để tập hợp được họ, nhất là khi các chương trình của Hội quán đều tổ chức miễn phí?

– Bước đầu, Hội quán chỉ có hai vị cố vấn. Còn hiện nay, chúng tôi có hơn 70 người. Chúng tôi được các nhà khoa học như Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, Giáo sư Chương Thâu, Phó Giáo sư Hà Đình Đức, nhà phê bình – lý luận Nguyễn Đỗ Bảo, Phó Giáo sư Trịnh Sinh, NSND Phạm Thị Thành, NSƯT Hoàng Anh Tú… ủng hộ nhiệt tình.

– Hội quán Di sản là tổ chức phi lợi nhuận. Các chương trình do Hội quán tổ chức không thu phí. Các bác, các cô, các chú ấy đều là những người hết sức tâm huyết với nghề, với giá trị di sản. Bởi thế, vấn đề kinh phí không còn quan trọng. Điều quan trọng là mình phải làm thế nào để xây dựng được những kịch bản phù hợp, có thể đem lại hiệu quả thiết thực. Khi xây dựng được những kịch bản như thế, hỏi ý kiến của các chuyên gia, tất nhiên, họ sẽ tham gia hết mình. Đây là sự động viên rất lớn với Hội quán Di sản.

Kinh phí không quan trọng, nhưng không có nghĩa là không tốn kém. Hiện tại chúng tôi phải tự túc kinh phí. Nhưng chúng tôi được sự ủng hộ, hỗ trợ của nhiều cá nhân và tập thể, nhiều bạn trẻ cũng tham gia nhiệt tình. Sự khác nhau là ở mục đích. Những người đến với Hội quán đều tự nguyện vì đó là đam mê, là trách nhiệm.

– Vậy còn dự định của Hội quán trong thời gian tới?

– Chúng tôi xác định đây là một con đường rất dài. Trải qua những sự kiện khởi đầu chúng tôi sẽ nghiên cứu và đưa đến cho công chúng những dự án thực tế. Ngoài bốn nội dung cốt lõi, chúng tôi còn những nội dung khác. Chẳng hạn năm nay chúng tôi sẽ có hoạt động kỷ niệm ngày giỗ Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần, hay kỷ niệm 260 năm ngày sinh Hoàng đế Quang Trung. … Dĩ nhiên, theo một cách phù hợp hơn và thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng, nhất là giới trẻ.

– Vâng, cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc Hội quán thành công trong việc đưa di sản đến với cuộc sống.

CHÍ DŨNG

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/20525702-di-s%E1%BA%A3n-c%E1%BA%A7n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-s%E1%BB%91ng-trong-%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng-%C4%91%C6%B0%C6%A1ng-%C4%91%E1%BA%A1i.html