Tết chúng ta ăn gì? Tại sao chúng ta lại gọi là “ăn Tết”?
“Tết” là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam mỗi khi Tết đến Xuân về. Người đi xa mong muốn “về quê ăn Tết”, các ông bà cũng mong muốn được quây quần cùng con cháu “ăn Tết”. Điều đó cho thấy Tết thường gắn với các hoạt động ăn uống, sum vầy? Ở bài viết này tôi sẽ phân tích các hoạt động “ăn” của người Việt trong những ngày Tết.
Các cụ nhà ta có câu ca rằng “đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Quả thực như vậy, người xưa quan niệm cho dù đói mấy thì người ta cũng phải làm cho cha một cái giỗ linh đình để mời bà con hàng xóm thể hiện chút hiếu thảo của bản thân và củng cố các mối quan hệ xã hội “nở mày nở mặt với bà con làng xóm”. Và cũng chỉ có ngày Tết con người mới được no nê thỏa thích cái bụng, đi đến đâu cũng ăn, gặp đâu cũng mời ăn. Ăn là một hành động không thể thiếu trong ngày Tết. Ăn là sự sẻ chia, là sự cộng cảm và kết nối. Mời ăn là phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp giữa con người với con người và văn hóa của chúng ta là “lời chào cao hơn mâm cỗ”. Và chúng ta cũng tự nhận thấy rằng, bất cứ ai đến nhà mình vào dịp Tết, chúng ta cũng đều muốn giữ họ ở lại ăn một bữa cơm “thân mật” chung vui với gia đình, đó là bữa cơm sẻ chia, bữa cơm thể hiện lòng hiếu khách hoặc là bữa cơm “có đi có lại”.
Không phải ngẫu nhiên mà trong những ngày Tết chúng ta mới có thể mời khách ăn bất cứ lúc nào họ đến nhà. Bởi lẽ, chỉ có ngày Tết là những ngày trong nhà lúc nào cũng có sẵn đồ ăn, cũng có sẵn thực phẩm mà chúng ta đã chuẩn bị từ những ngày trước Tết “ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”. Việc dự trữ nhiều thực phẩm cho ngày Tết không chỉ để mời khách mà còn mang ý nghĩa no ấm, sung sướng của một gia đình khá giả. Một sự khởi đầu năm mới phồn vinh, sung túc và đẩy đủ.
Vậy trong bữa ăn ngày Tết của người Việt gồm có những gì? Qua trao đổi của Hội Quán Di Sản với cụ Trịnh Đình Tiến (con trai cụ Trịnh Đình Kính – một nhà tư sản Hà Nội thời Pháp thuộc) chúng tôi khái quát lại một bữa ăn ngày Tết của một gia đình khá giả và theo chúng tôi chỉ có những gia đình khá giả mới có sự đầy đủ nhất về các món ăn trong bữa ăn ngày Tết của gia đình người Việt. Không vì thế mà chúng tôi cho rằng những gia đình khác không có sự đầy đủ như thế mà đó là những món ăn phổ biến trong tập quán Tết của người Việt ở miền Bắc Việt Nam.
Cụ Tiến kể lại rằng “Ngày Tết sướng nhất và vui nhộn nhất là chuẩn bị Tết. Mình con trẻ mình háo hức Tết. Trước Tết khoảng nửa tháng mẹ tôi ra lệnh cho các chị ngày Tết phải như thế nào. Phải muối dưa hành trước, tất cả các đồ măng, miến phải mua. Các ngày ấy rất là nhộn nhịp. Đó là những ngày rất vui. Sau đó là gói bánh chưng. Tết nào chả gói bánh chưng. Tại vì các cụ ngày xưa kể, ngày Tết thổi cơm thổi nước làm gì, có bánh chưng sẵn cứ bỏ ra để mà ăn. Ăn cho no để đi thăm hỏi họ hàng ngày Tết”. Như vậy, ngoài bánh Chưng ra còn có dưa hành, miến, măng đã được chuẩn bị cho các món ăn trong mâm cỗ ngày Tết. Mâm cỗ ngày Tết thường gồm 4 bát và 6 đĩa:
Cụ Tiến giải thích “Cá kho/thịt đông rất quan trọng, vì cá kho khi ăn với bánh chưng, do bánh chưng hơi nhạt thì đã có cá kho nó mặn, ăn nó hợp với nhau và nó ăn rất lành nữa. Đĩa thịt mỡ vì dưa hành làm trung hòa với mỡ ăn nó không ngấy. Cỗ người Việt Nam đều như thế. Gia vị gồm rau thơm rắc lên các bát” đó là lý do vì sao người ta có những cặp món ăn đi với nhau làm cho trung hòa các món ăn tạo nên cảm giác không ngấy trong những ngày Tết. Chân tẩy là món canh (soup) có vị thanh, đẹp mắt làm tăng thêm sức hấp dẫn cho các món ăn “Chuẩn bị su hào, bắp cải nấu chân tẩy với xương lợn ninh lên. Su hào thái thành hoa, nấu với nước dùng, su hào, cà rốt tỉa hoa bắp cải cắt ra vừa đẹp, nấu với nước tôm he, tôm he nó vừa phải, nó bán thành xâu 5-6 con nấu lên ăn nó đỡ ngấy. Các cụ không nấu xá sùng vì xá sùng bị cho là bẩn thỉu, không cúng được”. Đó là cơ bản của một mâm cỗ ngày Tết, đó là sự thể hiện “Mâm cao cỗ đầy” để cúng gia tiên, sau đó con cháu được hưởng lộc của ông bà và còn mời khách thể hiện sự hiếu khách của mỗi gia đình người Việt.
Bên cạnh đó, các bà còn làm bánh quế, làm bánh quế để mừng cho trẻ con, bánh bột lọc, bánh phồng tôm, còn có cả mứt, kẹo. Mứt bí, mứt quất, mứt cà rốt, mứt sấu, mứt mơ. Các loại mứt để trong 1 khay bầy tất cả các loại. Lúc nào cũng được đặt trên bàn tiếp khách để khi khách đến có thể mời họ ăn bất cứ khi nào. Những thứ bánh mứt hoa quả này không phải lúc nào cũng có, về cơ bản đó là các đồ khô được chế biến và đến mùa thu hoạch người ta phơi khô cất đi để làm kẹo bánh ngày Tết thiết đãi khách khứa.
Như vậy, bên cạnh việc quây quần sum họp, thăm hỏi, chúc tụng ngày Tết là việc ăn uống ngày Tết. Ăn uống vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong những ngày Tết. Nó không chỉ là sự ăn uống vật chất mà còn là thể hiện sự giàu có, sung túc khởi đầu cho một năm mới. Ăn uống còn là sự kết nối giữa con người, quây quần trong gia đình, sự thể hiện lòng hiếu khách, hiếu thảo. Ở trong mỗi bữa ăn còn là văn hóa ẩm thực của người Việt.
Hội Quán DI Sản
#circlegroup.vn
#BanThoViet