Tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Các nhà nghiên cứu lịch sử đều khẳng định, đây không phải là cuộc dời đô thông thường mà là một sự kiện vô cùng lớn lao của cả dân tộc.
Hoa Lư gắn liền với sự nghiệp của 2 vua đầu triều đại nhà Lý. Vua Lý Thái Tổ được triều đình Hoa Lư tiến cử lên ngôi thay nhà Tiền Lê. Vì thế mà hệ thống chính trị và cơ sở vật chất của kinh thành Thăng Long sau này đều thừa hưởng từ kinh đô Hoa Lư trước đó. Để tưởng niệm công lao đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước và nhớ đến Cố đô Hoa Lư, nhà Lý đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc giống ở Hoa Lư tại khu vực ở Thăng Long mà chúng vẫn tồn tại đến tận nay như: Ô Cầu Dền, phố Tràng Tiền, phố Cầu Đông, chùa Một Cột, ngã ba Bồ Đề, cống Trẹm, tháp Báo Thiên, phố Đình Ngang…[20][21] Sách Đại Nam nhất thống chí quyển XIV tỉnh Ninh Bình, mục cổ tích chép: “Đô cũ nhà Đinh, nhà Lê ở xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ về phía tây bắc huyện Gia Viễn, có nội thành và ngoại thành, có cửa xây bằng đá, lại có các danh hiệu: cầu Đông, cầu Dền, cầu Muống, Tràng Tiền, chùa Tháp, chùa Nhất Trụ… nền cũ vẫn còn. Về sau Lý Thái Tổ dời đô đến Thăng Long đều dùng theo các danh hiệu ấy…”.
Khác với các kinh đô chính thống khác ở Việt Nam, kinh đô Hoa Lư có một vai trò lịch sử đặc biệt: là nơi đánh dấu sự ra đời kinh thành Thăng Long – Hà Nội, thủ đô hiện tại của đất nước Việt Nam. Mốc son Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long mà bằng chứng là chiếu dời đô được xác định là thời điểm khai sinh lịch sử thủ đô mặc dù với việc mở rộng diện tích phần lớn các vùng đất đế đô của Việt Nam có trước Hoa Lư như Mê Linh (Hai Bà Trưng), Long Biên (nhà Tiền Lý), Cổ Loa (nhà Ngô) nay đều thuộc về Hà Nội.
Ở Việt Nam, 18 đời Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu, An Dương Vương và sau này là Ngô Quyền ở Cổ Loa, Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Lý Nam Đế lấy địa điểm của Hà Nội hôm nay làm thủ đô cho nước Van Xuân ngày trước. Những thủ đô ấy của tổ quốc độc lập là những địa danh mang ý nghĩa thiêng liêng trong lòng mỗi nguời Việt Nam.
Theo phân tích của Giáo sư Vũ Khiêu trong cuốn Tìm hiểu Ngàn năm văn hiến Thăng Long, dưới thời Bắc thuộc, bao nhiêu địa điểm, địa danh đã được kẻ xâm lược chọn làm thủ phủ cho chính quyền đô hộ. Việc này cũng chẳng có ý nghĩa nhiều lắm đối với nhân dân ta. Dù đó là Long Biên, là Luy Lâu, là Đại La, là Tống Bình, hay Đông quan thì nhân dân ta vẫn sống trong cảnh nô dịch và đói rét. Mọi sự thay đổi địa danh và địa điểm nói trên không thể nào đem so sánh được với việc dời đô của Tổ quốc ta từ Hoa Lư về Thăng Long.
Việc chọn Thăng Long làm thủ đô của toàn quốc là sự sáng suốt của vua nhà Lý. Đây là bước ngoặt lớn trong lịch sử đất nước: là sự mở đầu cho thời đại độc lập và phồn vinh, là đỉnh cao của tâm hồn và khí phách con người Việt Nam.
Phiên bản khắc mộc bản “Chiếu dời đô”
Sự lựa chọn ấy được Lý Công Uẩn phân tích rõ trong Chiếu Dời Đô.
Thăng Long thật sự là một trung tâm của đất nước.
Chiếu dời đô nhận định: “Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi…đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”.
Thăng Long là mảnh đất rất thuận lợi cho việc cư trú của nhân dân. “Dân cư khỏi chịu cảnh ngập lụt”. Thăng Long là một môi trường thiên nhiên rất thuận lợi cho sinh hoạt và canh tác của con người. Chiếu Dời Đô nhấn mạnh: “Muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi”.
Thăng Long là một thắng địa đúng là một kinh đô bậc nhất của nước ta.
Chiếu Dời Đô viết: “Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.
Với những nhận định nói trên, Chiếu Dời Đô không chỉ làm một việc giản đơn là công bố ý định của nhà vua để hỏi ý kiến của quần thần. Chiếu Dời Đô còn thể hiện sự suy nghĩ sâu sắc, tính toán lâu dài của một ông vua anh hùng mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu.
Dời đô về Thăng Long là sự lựa chọn, phát huy thuận lợi của cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Về mặt địa lợi, sử gia Ngô Thì Sĩ đã phân tích rất rõ: “Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có, phía tây thông với Sơn Tây, Tuyên Hưng; phía Bắc thấu đến Ninh Sóc, Kinh Bắc. Miền đông nam thì vận chuyển bẳng thuyền, miền Cần Xương thì liên tục bằng trạm, là nơi trung tâm của nước bốn phương chầu về. Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lung là sông, trước mặt là biển. Địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể làm cho nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt thật không nơi nào được như nơi này”.
Về mặt thiên thời, Lý Công Uẩn đã nắm được chính xác và kịp thời yếu tố thiên thời.
Thiên thời thuận lợi cho Lý Công Uẩn chưa phải đã thuận lợi cho các triều đại trước. Nhìn lại 1000 năm nước ta bị nước ngoài chiếm đóng và bị biến thành quận huyện của họ, bao nhiêu cuộc nổi dậy trước sau đều bị dập tắt. Cuộc chiến đấu giành độc lập khi thầm lặng, khi vùng lên đều phải dựa vào sự che chở của nhân dân và sự an toàn của địa điểm. Nền độc lập được giành lại từ Ngô Quyền nhưng chính dân tộc ta còn non yếu. Để tự bảo vệ, nguời lãnh đạo đất nước không thể chỉ dựa vào lòng dũng cảm mà còn phải dựa vào đất đai hiểm trở để tranh thủ thời gian nhanh chóng nâng cao được sức mạnh của binh cường, quốc phú.
Các triều đại Ngô, Đinh, Lê chưa lựa chọn Thăng Long làm thủ đô nhưng thực tế đã chuẩn bị đầy đủ những điều kiện vật chất và tinh thần cho sự lựa chọn của Lý Công Uẩn. Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền đã là tiếng sấm báo hiệu cho thời đại mới của Việt nam, nâng khí thế dân tộc lên một đỉnh cao chưa từng có. Đinh Bộ Lĩnh phá tan sự chia cắt đất nước của 12 sứ quân, giương cao ngọn cờ độc lập và thống nhất, tự khẳng định là vị Hoàng đế đầu tiên của một nước đã trở thành hùng cường, một nước mà người đứng đầu không ở tư thế một Quốc vương mà ở tư thế một Hoàng Đế. Sau đó, với sức mạnh dân tộc được nhận lên ở điều kiện vật chất và tinh thần, Lê Hoàn đã đánh tan quân xâm lược nhà Tống và bắt sống chủ tướng của chúng là Hầu Nhân Bảo.
Những thành tựu rực rỡ của triều đại trước, thực tế đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho Lý Công Uẩn lên làm vua và có đủ thực lực cũng như dũng khí để dời đô.
Việc dời đô vì thế không chỉ là sáng kiến của Lý Công Uẩn mà còn thể hiện một thời cơ đã được chuẩn bị từ trước, một việc làm thuận với lẽ trời và lòng người.
Về mặt nhân hòa và địa lợi:
Chủ trương dời đô đã nhanh chóng được cả triều thần nhanh chóng hưởng ứng: “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế lâu dài, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của , nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không theo”.
Việc dời đô thực sự đã đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.
Bao nhiêu năm nhân dân ta đã chiến đấu gian khổ. Bao nhiêu máu và nước mắt đã từng đổ xuống để giành độc lập thống nhất. Không thể quên được nỗi nhục của ngàn năm mất nước, nhân dân đòi hỏi người lãnh đạo của mình phải nâng cao hơn nữa truyển thống anh hùng, phải nhanh chóng đưa đất nước trở thành hùng mạnh.
Việc dời đô phù hợp với thiên thời, địa lợi, nhân hòa như thế nhất định mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn vươn lên với khí thế hồi sinh của con rồng Việt Nam.
Theo phân tích của Giáo sư Vũ Khiêu, vinh dự là người dân Việt Nam trên đất thủ đô, nhân dân Thăng Long đã lao động sáng tạo, chiến đấu anh hùng, đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc, tạo nên những nét đặc sắc của nền văn hiến mang tên Thăng Long và những đặc trưng đầu tiên của con người Hà nội sau này.
Với sự cố gắng chung của triểu đình và nhân dân, Thăng Long đã sớm xứng đáng là vị trí trung tâm của đất nước, là đầu mối liên hệ thông thương về kinh tế và văn hóa trên toàn lãnh thổ, làm cơ sở cho công cuộc dựng nước và giữ nước.
Mang hoài bão xây dựng một thủ đô vững vàng và giàu đẹp cho con cháu muôn đời, nhân dân ta thời nay đã tiến hành xây dựng Thăng Long với một ý thức tự cường dân tộc rất mạnh mẽ.
Ngay từ đầu, với tư thế một quốc gia trên con đường cường thịnh, triều đình nhà Lý đã cho sửa sang lại thành quách, xây dựng nhiều lâu đài, chùa quán, đến miếu và các công trình văn hóa, hình thành nên một quần thể kiến trúc bề thế và ngoạn mục. Những công trình của Thăng Long thời Lý mang đậm tính bác học và tính dân gian, biểu thị thái độ tự tin của cả một dân tộc.
Cũng ngay từ đầu,triều đình nhà Lý đã cho đào hào khơi sông, mở mang chợ bến, nhắm phát triển giao thông vận tải, mở mang giao lưu hàng hóa. Những việc đó tạo cho Thăng Long có điều kiện thu hút những năng lực sáng tạo và tiếp thu những thành tựu về kinh tế và văn hóa của cả nước. Dó đó, những sản phẩm vật chất và tinh thần được kết đọng và nâng cao ở Thăng Long, và lại từ Thăng Long mà mở rộng ra toàn quốc.
Với tinh thần tự lực tự cường, nhà Lý tạo mọi thuận lợi để thu hút sự nhập cư của nhân dân từ bốn phương, giúp dân xây dựng nhà cửa để dân được an cư, lạc nghiệp. Phố phường ngày càng thêm đông đúc. Kinh tế Thăng Long phát triển về nhiều mặt.
Thăng Long ngày một lớn mạnh, dần trở thành một kinh kì bậc nhất. Tuy phải trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, hoặc có khi không được coi là thủ đô nữa, nhưng đất kinh kì bậc nhất này vẫn là một nơi địa linh nhân kiệt, một trung tâm kinh tế – văn hóa có sức thu hút mạnh mẽ mà không một nơi nào trên đất nước ta có thế sánh được.
Trên nền tảng kinh tế – xã hội đang được củng cố và phát triển, nhà Lý kết sức quan tâm xây dựng theo lối chính qui một bộ máy chính quyền hoàn chỉnh và thông nhất trong toàn quốc, từ trung ương đến các lộ, phủ, huyện và các đơn vị cơ sở. Các hoạt động lập pháp của nhà nước được đẩy mạnh. Bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta là Hình Thư được ban hành năm 1042. Tên nước được đổi thành Đai Việt năm 1054. Đất nước đi vào thế ổn định vững chắc.
Măt khác, nhà Lý tập trung vào xây dựng một nền văn hiến huy hoàng, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của mọi người dân và thể hiện được sức mạnh tinh thần ngày một vươn cao của dân tộc.
Theo hoangthanhthanglong.vn