Đạo diễn Trần Văn Thủy: Chuyện tử tế 15/12/2017

“…Ử, nghề của chúng tôi cũng là một nghề hèn, nghề mọn. Hèn vì nghĩ nhiều mà không dám nói ra, mọn vì cái làm ra cũng chẳng mấy ai cần đến. Ông có cái lò gạch đâu có biết, bấy lâu nay chúng tôi mắc phải một thói quen cố hữu: chỉ mong sao làm vừa lòng bề trên – Một cuốn sách, một vở diễn, một bộ phim ra đời đâu có mấy phụ thuộc vào sự hữu hiệu của nó với cuộc đời, lại chẳng mấy phụ thuộc vào mong muốn của những người lam lũ như ông – mà thường, nhất nhất trông đợi sự xem xét của bề trên chúng tôi. Bề trên chúng tôi bằng lòng thì được, không bằng lòng ắt phải bỏ. Bề trên chúng tôi khen, thì chúng tôi sung sướng. Bề trên chúng tôi chê, chúng tôi buồn rầu”. (Lời thoại phim “Chuyện tử tế”)

Có lẽ chưa có người nghệ sĩ chân chính nào dám nói nên cái nghề cái nghiệp của mình một cách trung thực như vậy. Sự thành công hay thất bại của một tác phẩm nghệ thuật không phụ thuộc vào lượng vé bán ra, lượng khán giả đến dự, lượng bình phẩm của báo giới mà phụ thuộc hoàn toàn vào cái gật đầu hay lắc đầu, cái cảm xúc tức thời và sự suy diễn của một số người ít ỏi được coi là “bề trên”, nói đúng hơn là những người có quyền năng cho phép tác phẩm đó lưu hành hay là nằm trong một xó xỉnh không ai được biết tới. Nó không chỉ phản ánh sự kiện tồn tại của bộ phim mà nó còn phản chiếu một thời kỳ kiểm duyệt vô cùng khắt khe, một thời đại mà con người sống phải lựa theo cảm tính của người khác.

Đó cũng là cách mà hai bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” tồn tại, nó tồn tại trong một xó xỉnh của xưởng phim, trong sự kiểm duyệt và cấm đoán của các bậc “bề trên”. Và đó cũng là quãng thời gian người nghệ sĩ, cha đẻ ra nó – đạo diễn Trần Văn Thủy phải sống trong những ngày khó khăn vật lộn, đôi lúc bạn bè tưởng ông sắp bị bắt giam vì cái ý tưởng luôn luôn là vấn đề đau đầu của con người – Chuyện tử tế.

“Từ xa xưa, cha bác có dạy rằng: Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế trước khi mong muốn chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm…” (Lời thoại phim “Chuyện tử tế”)

Việc tử tế có ở bất kỳ đâu, bất kỳ ai, bất kỳ thời điểm nào từ trong suy nghĩ, hành động, lời nói của con người. Đó là đặc tính cơ bản của con người mà từ xa xưa Đức Khổng tử nói gọn thành điều Nhân – điều đứng đầu trong Ngũ Đức (Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín). Đó là điều mà trong mọi tôn giáo, mọi nghi lễ tín ngưỡng, mọi phong tục tập quán, trong cách nhìn nhận, đánh giá nhân phẩm con người.

“Vậy ra, nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế – nếu không bắt đầu từ tình thương yêu con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của con người”. (Lời thoại phim “Chuyện tử tế”)

Việc tử tế không chỉ được thể hiện ở mỗi con người trong cuộc sống hằng ngày, không chỉ giữa con người với con người mà còn được thể hiện giữa con người với thần linh, giữa người sống với người đã khuất, giữa con cháu với tổ tiên…

Với riêng đạo diễn Trần Văn Thủy: “Sáng nào tôi cũng có phong tục là việc đầu tiên trong ngày tôi thắp hương. Khi mà bạn bè thân đến tôi thường bật đèn trên bàn thờ lên và thắp lên nén hương. Có nghĩa là các cụ chứng giám câu chuyện của chúng ta, các cụ nghe chúng ta nói chuyện với nhau và những chuyện chúng ta nói trước bàn thờ phải là những chuyện thật” (Khoảng trời triêng: gặp gỡ đạo diễn Trần Văn thủy, VTV2)

#Hoiquandisan