Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
(Truyện Kiều-Nguyễn Du)
Chính bằng những câu thơ tuyệt bút này mà nhà thơ bất tử Nguyễn Du đã lột tả được không khí vui xuân của người Việt chốn thôn quê, nơi có những mảnh ruộng, cánh đồng, người nông dân chân chất.
Tết là một ngày trọng đại trong lịch sinh hoạt của người nông dân ở thôn quê. Tết mở ra một cuộc sống mới cho mọi cá nhân ở nông thôn mà ở đấy cuộc sống hoàn toàn được tổ chức theo nhịp điệu “hai mươi bốn thì”. Khi đời sống tâm linh của người nông dân phụ thuộc vào mọi tín ngưỡng dân gian thì các hoạt động trong ngày Tết đều chứa đựng những niềm tin ma thuật, cho dù đấy là du xuân của người nông dân.
Ở thôn quê, đêm giao thừa được đánh dấu bằng những cuộc đi lễ đền chùa trong vùng. Để chờ đợi khoảnh khắc thiêng liêng ấy, ai cũng lấy làm vui thích và tự thấy mình có bổn phận phải ra đình và đến các đền chùa. Mọi người đều muốn đi lễ đền chùa trước khi cử hành lễ đón giao thừa trong gia đình. Trong những cuộc viếng thăm này, thanh niên nam nữ cố gắng lấy cho được những chồi lộc của các cây ở khuôn viên đền chùa như một tín hiệu cho sự may mắn. Những cành lộc này được họ gói gém cẩn thận để gài vào cửa của gia đình trong năm mới. Sau khi đi thăm các đền chùa trở về, và coi là đã thấm nhuần ân huệ của các thần, người ta vững tâm xông đất nhà mình.
Trong buổi sáng đầu tiên của năm mới, mọi người đều có vẻ bảnh bao. Người nông dân chọn giờ xuất hành và hướng phải đi đầu tiên để có thể gặp trên đường các thần tài thần lộc. Ở một số làng vạn chài, người ta còn cân một ít nước của năm cũ và so sánh với lượng nước bằng thế của năm mới để dự đoán hướng đi cũng như kết quả mùa màng. Những cuộc xuất hành được bắt đầu bằng các hướng đi mà người ta tin rằng sẽ gặp may mắn. Họ đến viếng thăm và chúc tết gia đình cha mẹ, ông bà, những người họ hàng của mình và chúc tụng những điều tốt đẹp nhất.
Cũng trong buổi sáng đầu tiên này, học trò đến nhà thầy giáo chúc thầy sống lâu. Thầy cho học trò những mảnh giấy hoa tiêu màu hồng và bút lông đẹp để họ viết những điềm báo trước cho cả năm. Bên cạnh đó, có những người già, người trung niên khai bút và học sinh cũng khai bút đầu xuân để mong “học hành tấn tới, thi đỗ có phần”.
Trong những ngày tiếp theo, đàn ông và đàn bà, trai cũng như gái ai cũng cố gắng thu xếp một lát giữa những cuộc thăm viếng bắt buộc để đến những đền chùa nổi tiếng nhất cầu cúng cho hạnh phúc gia đình mình và để xin “thẻ”, nói cho họ biết điều họ phải chờ đợi trong năm mới. Những cuộc viếng thăm và những cuộc hành hương này đến các đền chùa kéo dài suốt ngày cho đến tối. Chúng còn tiếp tục trong hai ngày tiếp theo. Ai cũng chè chén vui chơi thỏa thích. Người thì dạo chơi, đi xem hát hay xem chiếu bóng tìm kiếm cảnh đẹp cả năm, người thì chơi cờ bạc và cố tìm thấy, trong lúc được cuộc, điềm tốt lành. Trẻ con vụng về trong quần áo đẹp mới mà chúng chỉ mặc một thời gian, chạy khắp các xóm, bỏ tiền mua kẹo bánh và bóng bay. Chính trong nhưng ngày vui lớn này mà thanh niên nam nữ các làng tụ hội và làm quen nhau giữa cuộc hát đối đáp, những cuộc thi tài và các trò vui đủ loại. Những cuộc gặp gỡ này rất hiếm có ở những dịp khác, sau đó là những cuộc dạm hỏi và cưới xin.
Những cuộc du xuân của người nông dân vẫn chưa dừng lại ở đó, mà nó còn được tiếp nối hết tháng Giêng, sang tháng hai, và chỉ hoàn toàn kết thúc sau những lễ hội vào cuối tháng 3 âm lịch. Ở vùng Kinh Bắc, bắt đầu từ mồng 4 tết đã có những lễ hội của làng Chân Lạc, Đồng Kỵ, hội chùa Phật Tích được mở ra, thu hút sự chú ý của mọi người. Ở đây, nam thanh nữ tú dập dìu đi trẩy hội đền, chùa và cùng hòa nhập với những cuộc hát quan họ. Những cuộc hát này được bùng nổ đến đỉnh điểm vào lễ hội Lim diễn ra ở trung tâm ở Tổng Nội Duệ, huyện Tiên Du.
Khắp các vùng quê khác ở Bắc Bộ cũng tràn ngập trong không khí chơi xuân. Trong khi một số nông dân khác đã bắt đầu vụ mùa mới bằng nghi lễ xuống đồng thì thanh niên nam nữ vẫn đắm chìm trong những lễ hội đền, chùa. Từ sáng sớm mùng 5, ở các địa phương lân cận của đền Sóc Sơn như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, mọi người đã rủ nhau đi hội để tưởng nhớ về một anh hùng trong truyền thuyết. Những lễ hội chùa ở vùng Quốc Oai, Hoài Đức… cũng thu hút rất đông người dân đến tham dự.
Ở nhiều vùng quê, trong ba tháng mùa xuân, mọi người đang dần lấy lại tinh thần lao động bên cạnh những thửa ruộng mới cấy, những mảnh đất mới gieo trồng hoa màu. Thế nhưng, không khí vui xuân vẫn tồn đọng trong mỗi con người. Thi thoảng người ta lại tranh thủ làm đổi công cho nhau để có thể tập hợp mọi người đi vãn cảnh chùa Hương, chùa Thầy, đền Hùng… Họ tận dụng thời gian đẹp đẽ ấy để hưởng thụ nốt không khí của mùa xuân trước khi thực sự bước vào một chu kỳ nông nghiệp mới thực sự.
Hội Quán Di Sản
#circlegroup.vn
#banthoviet