Hoạt động triều cống, lễ sính Việt Trung nửa đầu thế kỷ XIX 12/04/2018

Không chỉ riêng triều Nguyễn mà tất cả các vương triều trước khi thành lập đều quan tâm tới việc xây dựng, củng cố quan hệ triều cống, lễ sính, quan hệ hòa hiếu với nước láng giềng Trung Quốc. Mặc dù luôn ý thức về tự chủ rất cao, nhưng lại không nhận thấy sự bất bình đẳng của hình thức bang giao này, tất cả các vương triều đều có sự lựa chọn giống nhau là chấp nhận triều cống và lễ sính để giữ mối quan hệ hòa hiếu. Đây là cơ sở quan trọng cho sự tồn tại bền vững của quan hệ sách phong, triều cống giữa triều Nguyễn với vương triều Trung Hoa.

Suy nghĩ và lý giải nguyên nhân vì sao các triều đại ở Việt Nam phải thường xuyên triều cống và lễ sính Trung Quốc, Phan Huy Chú viết: “Nước Việt ta có cõi đất ở phương Nam mà thông hiếu với Trung Quốc, tuy nuôi dân dựng nước có quy mô riêng, nhưng ở trong thì xưng đế mà đối ngoại thì xưng vương vẫn chịu phong hiệu, xét lý thế thực phải như thế. Cho nên, lễ sách phong, lễ cống sính, việc bang giao các đời đều xem là quan trọng” (1). Mặc dù luôn cố gắng khẳng định tính độc lập trong quan hệ bang giao với Trung Quốc, song nhà nước Việt Nam dưới vương triều Nguyễn vẫn luôn có nhu cầu duy trì mối quan hệ chư hầu định danh với thượng quốc thông qua hoạt động triều cống và lễ sính. Có thể lý giải sự lựa chọn này xuất phát từ những lý do khách quan và chủ quan sau:

Thứ nhất, thông qua hoạt động triều cống, lễ sính nhà Thanh là cách để giữ gìn độc lập, hòa bình, bảo đảm an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ. Một thách thức lớn đối với dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ là việc ở cạnh Trung Quốc, một nước lớn về diện tích đất đai, dân số, có tiềm lực về kinh tế, quân sự hùng mạnh và luôn có tham vọng bành trướng. Do vị trí địa lý liền kề cả trên bộ và trên biển, lại nằm chắn ngang con đường xuống phương Nam của Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam luôn là đối tượng tấn công xâm lược đầu tiên của các vương triều phong kiến Trung Hoa. Có thể nói, với vị thế địa – chính trị này đã chi phối nhiều trong quan hệ Việt – Trung từ xưa đến nay. Lịch sử Việt Nam đã trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, thời kỳ Âu Lạc bị các triều đại Triệu, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường kế tiếp nhau xâm chiếm, đô hộ phương Bắc, thực hiện chính sách đồng hóa dân tộc và bóc lột người dân. Sau khi nhân dân ta giành được độc lập, các vương triều phong kiến Trung Quốc vẫn luôn tìm mọi cơ hội để tấn công xâm lược, uy hiếp chủ quyền lãnh thổ gây mất ổn định biên giới nước Việt dưới nhiều mức độ khác nhau. Đó cũng là nhân tố địa – chính trị quan trọng khiến cho vấn đề biên giới, lãnh thổ Việt Nam thời Nguyễn luôn tiềm tàng những nguy cơ bất ổn định, buộc nhà Nguyễn phải thường xuyên đề cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó nhằm bảo vệ chủ quyền biên giới và toàn vẹn lãnh thổ. Từ những kinh nghiệm lịch sử cũng như thực tiễn bang giao đã giúp cho vương triều Nguyễn luôn lựa chọn cách ứng xử hòa bình, mềm dẻo với nhà Thanh. Biểu hiện rõ nhất cho thái độ ứng xử này là việc thừa nhận địa vị của thiên triều, chấp nhận sách phong và triều cống thiên triều. Việc triều Nguyễn chấp nhận triều cống, lễ sính đối với nhà Thanh là cách để nhà nước phong kiến Việt Nam giữ gìn độc lập, an ninh và chủ quyền lãnh thổ. Hoạt động triều cống, lễ sính là nhằm hướng đến mục tiêu được các hoàng đế Trung Hoa thừa nhận địa vị quốc vương. Quốc vương là tước hiệu cao quý nhất trong hệ thống tước phong. Khi được nhận danh hiệu này, có nghĩa là đã được thiên triều công nhận là quốc gia độc lập và vị vua có toàn quyền cai trị trên lãnh thổ của mình. Đồng nghĩa với đó là các nước được tước phong phải thực hiện việc triều cống hàng năm theo quy định của thiên triều. Bên cạnh đó, thiên triều có trách nhiệm đảm bảo an ninh, chủ quyền lãnh thổ của nước được thụ phong mặc dù điều này chỉ trên lý thuyết. Sự thừa nhận và phong vương cho ông vua đó là một bản cam kết đảm bảo an ninh và không xâm lược quốc gia đã được phong (2). Có thể nói, các vương triều phong kiến Việt Nam cũng như triều Nguyễn đã nhận thức một cách sâu sắc việc giành được vương quyền từ các triều đại phong kiến Trung Quốc là cơ sở quan trọng để giữ vững nền độc lập. Vì thế, việc chủ động triều cống và lễ sính đã trở thành chính sách đối ngoại quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thứ hai, triều cống và lễ sính là phương cách để đảm bảo cho giá trị phong vương mà hoàng đế thiên triều đã ban cho các vị vua Nguyễn. Sự đảm bảo này là cần thiết để hợp thức hóa tính chính thống, độc lập của triều Nguyễn lúc bấy giờ. Lịch sử quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, giữa nhà Nguyễn và nhà Thanh nói riêng cho thấy không có một ông vua nào của Đại Việt phải chờ các hoàng đế Trung Quốc phong vương rồi mới lên làm vua. Tuy nhiên, lịch sử cũng cho thấy hầu hết các vua Đại Việt nói chung và các vị vua Nguyễn nói riêng sau khi lên ngôi đều cử người sang Trung Quốc xin phong vương để đảm bảo tính chính thống cho sự thống trị của mình và dòng họ. Đối với các triều đại phong kiến Việt Nam do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong quan hệ bang giao đã khiến cho các ông vua dưới thời kỳ này coi việc được triều cống, lễ sính là cơ sở để hợp pháp hóa quyền lực của mình. Triều Nguyễn là một trong những triều đại luôn mong muốn nhận được sự công nhận từ phía nhà Thanh. Triều Nguyễn ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, đánh bại quân Tây Sơn, thống nhất đất nước, lên nắm chính quyền nhưng lại không nhận được sự uy tín của nhân dân. Nhà Nguyễn không khẳng định được quyền lực và tính chính thống bằng cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Các vua nhà Nguyễn cũng không xuất hiện như những người cầm đầu quốc gia mà như là hậu duệ của các chúa – quý tộc địa phương. Vì vậy, sau khi giành lại chính quyền, các vua Nguyễn mong muốn được duy trì việc triều cống và lễ sính với vương triều Trung Hoa. Việc cử các sứ bộ sang triều cống, lễ sính nhà Thanh nhằm khẳng định mối quan hệ hòa hiếu, đảm bảo tính chính thống của ngôi vua mà thiên triều đã ban cho vua nước Nam và những người kế vị. Các tầng lớp quan lại, sĩ phu chỉ coi vua là chính thống khi vua được hoàng đế Trung Hoa phong vương. Như vậy bên cạnh những lợi ích chung, sự thừa nhận của hoàng đế Trung Hoa với vương triều Nguyễn cũng là để đem lại quyền lợi cho giai cấp dòng họ Nguyễn (3). Bên cạnh đó, việc triều Nguyễn cần sự phong vương của thiên triều một phần để khẳng định vai trò của Việt Nam với các nước trong khu vực. Tuy chịu xin phong vương và triều cống Trung Hoa nhưng trong thực tế, triều Nguyễn vẫn coi mình ngang hàng. Các vua Nguyễn vẫn tự xưng là hoàng đế, thiên tử, y hệt các hoàng đế Trung Hoa. Trong giao dịch với các nước láng giềng bé hơn như Chân Lạp, Xiêm, Cao Miên… triều Nguyễn cũng tự coi mình như một Trung Quốc ở phía Nam đối với các nước chư hầu nhỏ khác (4).

Thứ ba, các vương triều chấp nhận sự triều cống, lễ sính với hoàng đế Trung Hoa còn một phần do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong mối quan hệ bang giao giữa hai nước. Hơn 1000 năm chịu sự đô hộ của Trung Quốc, lại là nước láng giềng nên Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, văn hóa Hán là một điều không thể tránh khỏi. Nho giáo khi vào Việt Nam mặc dù đã được Việt hóa, nhưng vẫn mang đậm tư tưởng Nho giáo Trung Hoa, với học thuyết Khổng giáo về quan hệ nguyên tắc giữa các nước lân bang với nhau (5). Nội dung tư tưởng Nho giáo rất phong phú, nhưng những tư tưởng chi phối trực tiếp tới hoạt động ngoại giao giữa hai nước phong kiến Việt – Trung thông qua hoạt động triều cống, lễ sính là thuyết thiên mệnh, chính danh, tam cương, ngũ thường. Chính vì chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của Nho giáo và kinh sách thánh hiền mà các vị vua dưới triều Nguyễn cũng thừa nhận trật tự nước lớn, nước nhỏ trong quan hệ với Trung Quốc, thừa nhận địa vị thiên triều của Trung Quốc (6). Vì vậy, khi một triều đại mới được thiết lập hoặc khi ông vua mới lên ngôi, phía nhà Nguyễn đều cử sứ giả sang mong muốn được hoàng đế Trung Hoa chấp nhận và cho thực hiện hoạt động triều cống, lễ sính đầy đủ theo quy định.

Thứ tư, đây cũng là phương thức trao đổi sản vật giữa hai bên do nhu cầu tự nhiên của sự phát triển kinh tế, văn hóa giữa hai nước gần nhau trong một khu vực. Việc triều cống cũng là dịp trao đổi tặng vật. Triều đình Nguyễn nhận được nhiều sản vật quý như hàng tiêu dùng trong triều đình, thuốc bắc, nhân sâm, sách lịch, sách học… Và ngược lại triều đình Trung Hoa nhận được nhiều sản vật quý có giá trị kinh tế cao từ những cống phẩm của Việt Nam. Các sứ thần Việt Nam khi sang triều cống, lễ sính triều đình Trung Hoa bên cạnh việc mang theo những cống phẩm để tiến cống, còn mang theo các sản phẩm hàng hóa khác để trao đổi, mua bán.

Có thể nói, các vương triều phong kiến Việt Nam cũng như triều Nguyễn đã nhận thức một cách sâu sắc việc giành được vương quyền từ các triều đại phong kiến Trung Quốc là cơ sở quan trọng để giữ vững nền độc lập. Vì thế, việc chủ động triều cống và lễ sính đã trở thành chính sách đối ngoại quan trọng trong mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

___________

1, 5, 6. Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc TK XV – đầu TK XVI, Nxb Khoa học Xã hội, 1995, tr.67, 69.

2, 3, 4. Nguyễn Thế Long, Bang giao Đại Việt triều Nguyễn, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2005, tr.26.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 396, tháng 6-2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ KHUYÊN