Những bức tranh dân gian Hàng Trống có nội dung thể hiện các tích truyện quen thuộc trong kho tàng truyện Hán – Nôm lưu truyền trong dân gian, được các nghệ nhân in, tô vẽ một cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, sâu sắc cả về nội dung, hình thức, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian độc đáo của Việt Nam và trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Xem tranh kể truyện
Triển lãm Tranh truyện Hàng Trống đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và những người yêu nghệ thuật truyền thống. 40 bức tranh vẽ những tích truyện quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt xưa. Mỗi bộ tranh gồm 4 bức, thể hiện sinh động các tích truyện quen thuộc trong kho tàng truyện Hán – Nôm lưu truyền trong dân gian từ xưa đến nay. Thông qua sự tinh tế, độc đáo của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu của các nghệ nhân, dòng tranh dân gian Hàng Trống đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian độc đáo của Việt Nam.
Đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận bộ tranh “Chiêu Quân cống Hồ” do nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê trao tặng. Ảnh: Phương Lan – TTXVN
Bày tỏ sự thích thú khi ngắm các tác phẩm tranh tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, chị Nguyễn Mai Phương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, trước đây, chị chỉ biết đến tranh Hàng Trống với một số tác phẩm tranh thờ, tranh Tết, nên khi đến triển lãm tranh truyện Hàng Trống tại Bảo tàng Phụ nữ, chị rất ngạc nhiên khi xem những bộ tranh truyện trưng bày tại đây, trong đó nhiều truyện chị đã từng được đọc, hoặc nghe đến.
Chị Mai Phương ấn tượng với bộ 4 bức tranh truyện Sơn Hậu với những hình ảnh vẽ miêu tả cảnh Tạ Thiên Lăng cướp ngôi, phe trung thần cứu thứ phi và ấu chúa, cứu khốn phò nguy và thắng lợi ở phe trung nghĩa… Trong đó, mỗi bức tranh được tác giả chia làm 2 hoặc 3 phần, ở mỗi một cảnh đều có chú giải về nội dung thể hiện trong tranh, giúp người xem vừa xem tranh, vừa hiểu thêm về nội dung câu chuyện.
Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, bộ tranh Sơn Hậu là bộ tranh truyện có nhiều thành công về nghệ thuật. Nội dung bộ tranh được lấy từ vở tuồng cổ Sơn Hậu. Tác giả Đào Duy Từ (1572 – 1634) là người khởi thảo tuồng Sơn Hậu. Đến năm 1871, Đào Tấn (1845-1907) khi ấy làm chức Hiện thư trong nội các triều Nguyễn, đã hiệu đính văn bản vở tuồng này. Nội dung vở tuồng đồng thời là nội dung của bộ tranh truyện Sơn Hậu đều có dụng ý đề cao những tấm gương đạo đức trung, hiếu, tiết, nghĩa của những bậc nam nhi anh hùng có dũng – lược, như: Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá, Lê Tử Trình và các bậc nữ nhi anh kiệt, như: Đổng Mẫu (mẹ Đổng Kim Lân), bà Nguyệt Hạo Tam Cung… là những người phụ nữ mưu lược, sẵn sàng hy sinh thân mình để cứu khốn, phò nguy.
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”. Ảnh: Phương Lan – TTXVN
Chị Mai Phương cũng đặc biệt ấn tượng với bộ tranh truyện Nhị độ mai, bởi chị đã từng biết đến tác phẩm truyện thơ Nôm Nhị độ mai và ấn tướng với câu chuyện đó. Nay lại nhìn thấy câu chuyện đó trong các tác phẩm tranh truyện dân gian Hàng Trống, chị biết thêm được một cách kể chuyện tranh rất thú vị của các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống.
Ngoài Sơn Hậu, Nhị độ mai, những bộ tranh truyện khác được trưng bày tại triển lãm cũng đều là những tích truyện Hán – Nôm quen thuộc với người dân Việt như: Tam quốc, Chiến quốc, Hán Sở tranh hùng, Chiêu Quân cống Hồ, hay bộ tranh Tứ dân, khắc họa về các nghề trong xã hội như: Ngư phủ – người làm nghề đánh cá trên sông; tiều phu – người làm nghề đốn củi trong rừng; nông phu – người làm nghề cấy cày, làm ruộng; thi nhân – nhà thơ…
Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, đây là những bộ tranh truyện do bà chủ hiệu tranh Thanh An – một hiệu tranh danh tiếng ở Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ XX – trao tặng cho ông, được ông gìn giữ cho đến ngày nay. Căn cứ trên các bản ván khắc tranh này, ông cho rằng, bộ tranh này có lẽ đã được sáng tạo từ thế kỷ XIX cho tới trước năm 1945, đến nay đã có số tuổi hơn 100 năm.
Di sản quý của dân tộc
Là người từng nhiều năm công tác trong Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho biết, tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hiến của Thăng Long – Hà Nội, là vốn di sản quý báu của dân tộc Việt Nam đã có từ cách đây hàng trăm năm. Là một trong số các dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, tranh dân gian Hàng Trống kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần, và tín ngưỡng của người Kinh Kỳ xưa.
Ảnh: Phương Lan – TTXVN
Theo các nhà nghiên cứu, tranh Hàng Trống có kỹ thuật in trên ván khắc có khuôn khổ dài, cao từ 1,45m trở lên và rộng từ 0,45m trở lên. Tranh Hàng Trống được các nghệ nhân sáng tạo thông qua nghệ thuật thể hiện màu sắc, đường nét, kỹ thuật gia công hậu kỳ như bồi trúc tranh, vào trục để treo tranh… đều phải có tay nghề vững vàng và đều là những quy trình kỹ thuật có tính chuyên nghiệp cao. Với sự đa dạng trong thể loại, tinh tế ở kỹ thuật tạo hình, tranh dân gian Hàng Trống đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa truyền thống, tạo nên cốt cách riêng trong thị hiếu của người Kinh Kỳ và là bộ phận không thể tách rời của tranh dân gian Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê cho biết, cùng với các bộ tranh thờ, tranh treo Tết, các nghệ nhân tranh Hàng Trống còn sáng tạo nhiều bộ tranh truyện, dựa trên các tích truyện Hán Nôm được phổ biến, lưu truyền trong dân gian xưa. Tuy nhiên, do những biến động của lịch sử, từ những năm 1945, các nghệ nhân đã không còn in dòng tranh truyện, nếu có cũng chỉ là các dòng tranh nhỏ, tranh đơn.
Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, tranh truyện là dòng tranh cần có sự đầu tư lớn, từ việc chọn mua ván gỗ để khắc in tranh, đến việc ghép từ 2 đến 3 tấm ván gỗ lại với nhau, sau đó những người thợ mộc phải gia công các ván gỗ này cho bằng phẳng, rồi mới đến công đoạn gia công về vẽ và khắc gỗ.
Công đoạn từ vẽ đến khắc gỗ là một quá trình hết sức kỳ công, tốn rất nhiều chi phí, thời gian, hơn thế nữa, không phải người thợ nào cũng có thể khắc được bản in của tranh truyện Hàng Trống, những người thợ phải có kỹ thuật, tay nghề rất cao mới có thể hoàn thiện được những bản in đẹp nhất, tinh xảo nhất… Có lẽ vì vậy, về sau, các nghệ nhân làm tranh Hàng Trống không còn sáng tạo các bộ tranh truyện nữa và ngày càng có ít người biết đến dòng tranh truyện độc đáo này.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho rằng, những bộ tranh truyện dân gian Hàng Trống là những kiệt tác của các nghệ nhân xưa. Trước sự mai một, nguy cơ thất truyền và những thách thức, khó khăn của các dòng tranh dân gian trong đời sống hiện nay, các tác phẩm tranh truyện Hàng Trống trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là cơ hội tuyệt vời để công chúng chiêm ngưỡng và cảm nhận rõ hơn những vẻ đẹp và giá trị của một dòng tranh nổi tiếng đất Hà Thành.
Theo Phương Hà/TTXVN