Ý nghĩa nghi thức “Bông hồng cài áo” trong lễ Vu Lan 15/08/2023

Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, lễ Vu Lan (nhằm ngày 15/7 âm lịch) từ lâu đã trở thành một ngày trọng đại, không thể thiếu được trong hệ thống các hoạt động văn hoá tâm linh nói chung, văn hoá Phật giáo nói riêng.

Nghi thức “Bông hồng cài áo” trong lễ Vu Lan do Thiền sư Thích Nhất Hạnh đưa vào Việt Nam gần 60 năm trước nhằm tưởng nhớ công ơn sinh thành của cha mẹ.

Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ và tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời, giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”…

Trong dịp Lễ Vu Lan, người dân và bà con Phật tử ngoài việc lên chùa cài hoa hồng, tụng kinh cầu siêu, cúng dường trai tăng… còn thiết mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát (còn gọi là lễ xá tội vong nhân).

Nghi thức “Bông hồng cài áo” thường được tổ chức trong ngày lễ Vu Lan tại các ngôi chùa Việt Nam để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các phật tử với 3 giỏ hoa hồng (màu đỏ và màu trắng và màu vàng) sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.

Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo với ý nghĩa tự hào vì đang còn mẹ. Các con sẽ cố gắng để mẹ luôn được an vui… Ai không còn mẹ sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng với ý nghĩa tưởng nhớ khôn nguôi về công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ, dù mẹ đã khuất. Riêng hoa hồng màu vàng được phật tử cài lên ngực cho chư tăng khi tham dự lễ Vu Lan, tượng trưng cho sự tiếp nối, mừng ngày hoan hỷ sau ba tháng an cư.

Trong ngày lễ Vu Lan, những người con có thể tặng món quà nhỏ cho cha mẹ mình. Những người đã mất cha mẹ thì hãy làm điều lành để có năng lượng chia sẻ đến cha mẹ hoặc lên chùa tụng kinh, niệm Phật cầu siêu cho cha mẹ. Ngay tại gia đình, người dân cũng nên trang hoàng, sửa soạn bàn thờ tổ tiên sao cho ấm cúng với hương hoa, nên ăn chay, niệm Phật.

Không chỉ cúng dường cho đức Phật, chư tăng, người dân cũng nên bố thí cho người nghèo để tạo công đức, chia sẻ năng lượng cho cha mẹ mình nơi chín suối. Khi mình bố thí, cúng dường coi như đã xóa bỏ bản ngã tham sân si. Làm từ thiện không phải cho người khác mà cũng cho chính mình.

Sưu tầm