Ông bà ở đâu trong cái Tết thành thị? 25/01/2018

 

Tết nay đã khác tết xưa, nhưng khác bởi vì suy nghĩ và cách nhìn nhận của mọi người về tết đang có phần trở nên hiện đại và đổi mới hơn. Tết là thời gian để những người con phương xa quay về đoàn viên cùng gia đình sau một năm dài đằng đẵng. Nhưng, câu chuyện “trở về” lại là câu chuyện lạ lẫm với các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở thành thị – cũng chính là quê hương của các bạn.

Vậy là có người xách ba lô, đặt vé tàu, vé máy bay và tặng cho chính mình một chuyến du lịch xa để thỏa lòng khám phá trong dịp nghỉ “dài hơi” này. Người thì bảo tết quê mới vui còn ở những thành phố lớn cũng chỉ loanh quanh trong nhà ngoài ngõ. Vậy, Tết này người già ở đâu nơi thành thị?

Cà phê tâm sự cùng lũ bạn đầu năm không chỉ là trò chuyện, bạn còn có thể diện những bộ cánh lung linh để nhờ bạn bè chụp ngay một bộ ảnh thật đẹp để chào mừng năm mới.

Đi vui chơi ở công viên, bởi bạn có thể hét thả ga khi tham gia những trò chơi cảm giác mạnh, vẫy vùng trong làn nước mát ở những công viên nước hay chụp ảnh để lưu lại khoảnh khắc cùng gia đình, bạn bè.

Mỗi dịp Tết đến là khoảng thời gian nhiều gia đình tất bật chuẩn bị cho kế hoạch du xuân của mình. Lựa chọn hàng đầu được nhiều gia đình trẻ háo hức là cùng nhau đi du lịch nghỉ dưỡng, tiếp đến là dành ra vài ngày đi viếng chùa, xin lộc đầu năm. Các bạn trẻ hơn vui thú với việc tụ họp ngắm đường hoa, chợ xuân hoặc các sân khấu ca nhạc rộn ràng thanh âm, màu sắc. Với những gia đình quanh năm bận rộn, Tết lại được họ tận dụng…đóng cửa để nghỉ ngơi, lấy lại sức hoặc trang hoàng lại nhà cửa. Thế là đủ đầy cho ba ngày Tết.

Nhưng bất giác nhìn lại mới giật mình khi hầu như tất cả các hoạt động ấy, họ chỉ tận hưởng cùng nhau. Ngay cả những khoảnh khắc được lưu lại bằng hình, mới hay ông bà dường như bị “mất hút” trong niềm vui của người trẻ. Một cách vô tình hay cố ý, người già bị đẩy ra một góc riêng và tự đón Tết của riêng mình…

Có mấy đứa trẻ muốn chụp những tấm ảnh “tự sướng” với ông bà và “chịu” hoặc “dám” đăng lên facebook, có bao nhiêu tấm ảnh gia đình chụp hình Tết có bóng dáng người già. Những chuyện vui người trẻ chia sẻ về ngày Tết sẽ là đi chơi những đâu, ăn uống gì ngon, hay trải nghiệm điều gì mới mẻ; chứ không còn là khoảnh khắc cả nhà về quê cùng ông bà dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh chưng, bánh tét, canh bếp lửa, ăn bữa cơm giao thừa, con cháu đùa giỡn chạy quanh sân… Đừng nói đến người già ở thôn quê, có nhiều ông bà sống cùng con cháu ngay lòng thành phố nhưng dường như vẫn bị “ra rìa” trong những cuộc vui, trong đó có Tết.

Ở phố thị, Tết muốn gì có nấy, đủ đầy vật chất, ăn chơi chẳng thiếu thứ gì, thế mà có nhiều người cho rằng cứ bảo là thiếu: “Thiếu mùi mồ hôi cả nhà chung tay quét dọn sân vườn, cùng nhau quây quần gói bánh, thức đêm canh lửa. Thiếu mùi thuốc rê ông nội hút, tiếng cười giòn tan của ngoại khi mấy đứa cháu giành ăn. Tết thành phố lấy đâu những yêu thương ngọt lịm đến thế. Mỗi mùa Tết trôi qua, món quà dễ nhận thấy nhất của nhiều đứa con thành phố gửi cho bố mẹ dưới quê là xấp vải may áo, là dăm hộp bánh ngoại, mấy gói trà, thậm chí là cả xấp tiền dày mừng tuổi. Thu vén hơn, một vài người gắng chạy về chiều ba mươi ăn vội bữa cơm để ông bà vui lòng rồi rảo bước nhanh về thành phố để kịp chuyến chơi xa.Thế nhưng, sự mong chờ và niềm vui đón xuân về của ông bà, cha mẹ, thật sự đơn giản và ấm áp. Món quà quý nhất ông bà cần là tiếng nói cười rộn ràng ấm áp gian nhà ba ngày Tết, là mâm cơm đủ mặt gia đình, gắp cho nhau từng chút đồ ăn và biết nhau luôn khỏe mạnh.

Tết của người thành thị đủ hết vật chất, chỉ thiếu vị ngọt của tình yêu thương, của sự sẻ chia, sum họp, của tấm lòng thơm thảo con cháu không quên ông bà, cha mẹ. Người thành thị đâu hay, trong những ngày cận tết mình còn mãi mưu sinh, ở những vùng quê xa, ông bố bà mẹ chiều chiều luôn đứng trước bàn thiên khấn vái, mong những đứa con xa bình an, khỏe mạnh, có đi đâu cũng nhớ giao thừa quay về ăn cùng nhau chén cơm đoàn viên.

Vẫn còn kịp để điều chỉnh những kế hoạch của mình. Vẫn đủ để sắp xếp lại thời gian của Tết và trở về cùng gia đình. Cả nhà thực chất chẳng cần chuẩn bị gì nhiều cả, vì Xuân sẽ đến trong tiếng cười khi ông bà thấy con cháu về đông đủ. Bạn có bao giờ nghĩ Tết này mình lần đầu tiên thử gói bánh, thức đêm cúng giao thừa rồi sáng mùng Một dậy sớm chúc Tết ông bà rồi nhận lì xì chưa? Tết này nhé.

Vì mùa xuân của người già chính là con cháu trở về ăn Tết.

Hoàng Pháp