Cảm thức về thời gian và Tết Nguyên Đán 20/01/2018

GS.Trần Quốc Vượng

 

01 – Tuổi “đôi tám, đôi mươi”, tôi được các nhà triết học gọi là Mácxít – Lênin nít DẠY BẢO rằng:

– Thời gian, cũng như không gian là HAI hình thức tồn tại KHÁCH QUAN của VẬT CHẤT.

02 – Tuổi ba mươi, “tam thập nhi lập”, sau khi đọc thêm các sách khác, ngoài những kinh điển Mác – Lê, tôi hiểu được ( qua loa) về Tương đối luận của Albert Einstein và lý thuyết Không gian 04 chiều hay còn gọi là lý thuyết:

THỜI – KHÔNG GIAN LIÊN TỤC

(Tempo – Spatial, Continuum)

Người ta muốn cắm thêm vào không gian 3 chiều Euclide một chiều nữa, gọi là chiều THỜI GIAN hay là chiều LỊCH SỬ.

Là một nhà SỬ HỌC, lại có đôi chút hiểu biết về “Tam tài” Thiên – Địa – Nhân (03 thế lực vũ trụ: TRỜI – ĐẤT – NGƯỜI) tôi lấy làm thú vị lắm lắm về học thuyết mới của A.Einstein, tuy đến lúc ấy (1962) Thầy tôi, nhà mác xít Trần Văn Giàu vẫn coi A.Einstein là “phản động” (vì ông cãi và phê nhiều triết gia, học giả Xô Viết) (xem Giáo trình triết học Mác xít của GS. Trần, Nxb. Xây Dựng, Hà Nội, 1955, tái bản 1962).

03 – Tuổi bốn mươi “Tứ thập nhi bất hoặc” ( của Khổng Tử) sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng và “Bắc Nam xum họp, Xuân nào vui hơn” (1975 – 1976) tôi nhận thức rằng:

Thời gian, ngoài tính chất khách quan, còn có tính chất chủ quan.

Lúc đó, ông Chủ tịch Hội Văn hóa – Văn nghệ dân gian Việt Nam (được bầu từ 1966 – 1977) là nhà phê bình văn – mỹ học HOÀI THANH.

Ông đã từng là tác giả cuốn Nói chuyện Thơ kháng chiến cuối thập kỷ 40 đầu thập kỷ 50,

Tôi còn nhớ chương đầu cuốn sách này, với đầu đề “Những cái RỚT trong THƠ KHÁNG CHIẾN”. ông đã cực lực phê cái xu hướng LÃNG MẠN còn rơi rớt của THƠ KHÁNG CHIẾN (chống xâm lược – thực dân Pháp) trong đó ông cho rằng: Nhiều nhà thơ Việt Nam đã “lãng mạn hoá” Cách mạng tháng Tám 1945, gọi Nó là “Cách mạng Mùa Thu”. ông bảo: Tháng Tám, Cách mạng nổ ra giữa mùa Hè nóng nực, sao lại gọi là Cách mạng Mùa Thu? (Khi về già, chắc là “nghĩ lại”, ông cũng gọi “Cách mạng Mùa Thu”). Lúc đó, là một Hội viên trợn tôi đã dám cãi lại ông ( tôi cùng tuổi con trai đầu của ông).

– Thưa Bác, anh em cháu tham gia kháng chiến TRƯỜNG KỲ VÀ GIAN KHỔ mà vẫn vui vẻ “theo tới cùng”, ngoài việc nhờ tin tưởng tuyệt đối vào “Bác Hồ và Đoàn thể”, còn là nhờ các bài hát/thơ “lãng mạn cách mạng” như các bài hát/thơ về Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Huy Du… thơ ca “lãng mạn” về Sông Lô của Hoàng Cầm, Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Đình Phúc, Tô Vũ, Hoàng Bắc… về Làng Tôi, về “mùa Thu nắng cỏ Ba Đình, với tiếng người, còn rộn ràng như tiếng ĐẤT TRỜI” với “tiếng hát trong như tiếng suối xa, gió thổi mùa Thu hương CỐM MỚI, cỏ mòn thơm mãi dấu chân Em…”, với “sông Lô, sông Ngàn Việt Bắc chảy bờ lau thưa núi rừng âm u, Thu du, bến sóng ngàn từng làn mờ biếc chìm một màu KHÓI THU…”, với “sông Lô chảy tới sông Hồng, sông Hồng chảy tới biển Đông xa vời, biển Đông cuộn sóng lưng trời, đem đi bốn biển những lời sông Lô”, “à ơi… em là em bé sông Lô, em đi theo Chị bến bờ là đâu?, với ” quê em miền Trung Du”, với “ai về thủ đô, tôi gửi vài lời, Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó”…, “rồi đây sẽ về thủ đô đắp xây chốn xưa…”v.v… và v.v…

Mà thưa Bác, dân gian có nói:

Một năm là mấy tháng xuân

Một ngày là mấy giờ Dần hỡi ai?

Song dân gian cũng “chủ quan hoá” mùa Xuân.

Có Nam có Nữ mới nên Xuân

Có Xôi có Oản mới nên phần

để đến mức có phải là bí vần đâu, thế mà dân gian đã “chủ quan hoá” thời gian tới mức nói/hát rằng:

Tháng Tám, anh đi chợ Xuân

Đồn đây có hội Trống quân, anh vào…

Bác Hoài Thanh là người rộng lượng, biết tính tôi là đứa HAY CÃI và NGẠNH TRỰC nên chỉ cười vui, không “nói đi nói lại” mắng mỏ tôi câu gì…

04 – Tuổi Năm mươi “Tri Thiên mênh”, trong cuốn Mùa xuân và phong tục Việt Nam tái bản đi, tái bản lại cuối thập kỷ 70 đầu thập kỷ 80 (lúc đó Liên Xô và các nước Đông âu xã hội chủ nghĩa chưa hề sụp đổ) tôi đã “cả gan” nói với các “quý ông” triết gia ở Khoa Triết, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ở Viện Triết… rằng: Theo tôi, có nhiều loại THỜI GIAN.

– Thời gian khách quan, CƠ HỌC, như các loại đồng hồ chỉ thời gian, mà lắm lúc chúng cũng có “trục trặc kỹ thuật” khi nhanh, lúc chậm…

– Cái thời gian đo đạc bằng dụng cụ cơ học đó lại cũng bị quy định theo kinh tuyến trái đất, thành những “múi giờ”. Ngày sinh nhật tôi 12 – 12 con trai tôi gọi điện chúc mừng tôi từ Munich, lúc ấy là 5 giờ sáng Việt Nam, tôi chưa ngủ dậy. Chuông điện thoại kêu mãi, tôi nhấc máy lên, nghe tiếng con trai chúc thọ, tôi vừa mừng vừa bực, bảo:

– Bây giờ là mấy giờ bên con? (bên Đức)

– Lúc này là nửa đêm Bố ạ!

– ở Việt Nam lúc này là 5 giờ sáng, Bố già rồi còn đang thèm NGỦ!

– Con xin lỗi, Bố ngủ tiếp đi!.

– Thời gian sinh học/sinh lý. Đã có phần chủ quan. Tôi rất thích cuốn ĐỒNG HỒ SINH LÝ (Lemontre biologique) của một viện sĩ Xô Viết được dịch ra nhiều thứ tiếng. ông nói đại ý: Chúng ta phải tuân thủ một loại chung đồng hồ cơ học, chỉ THỜI GIAN KHÁCH QUAN.

– Nhưng mỗi chúng ta lại là một ĐỒNG HỒ SINH HỌC, CÁ NHÂN: Có người TRẺ “tuổi ăn, tuổi ngủ”, có người GIÀ “ít ngủ”, thức khuya, dậy sớm, người trẻ gãy xương, sớm được phục hồi, người già loãng xương, khi gãy thời gian phục hồi muộn hơn…

Có người như Đại nguyên xoái J,IXtalin, như Hítle,Churchill… thích ngủ ngày, thức đêm và cơ quan Tổng tham mưu quân đội phải thích ứng với cái “thói trái khoáy” của những nhân vật lịch sử này.

Từ lâu, tôi quen làm việc từ 2 – 3 giờ sáng, 6g – 6g30 “ngủ lại chút xíu”, rồi dậy, đi họp, đi dạy, đi làm… đến khoảng 4g – 5giờ chiều thì không thể viết lách, làm ăn được gì nữa, chỉ có thể đi buông xả, nhâm nhi, bia bọt…”thói xấu” đó làm không ít bạn bè, học trò khó chịu, ví như khoảng 6g – 6g30 sáng tôi hay “càu nhàu” khi họ gọi điện thoại tới tôi. Hoặc tôi “ghếch máy”, không nghe, để “ngủ cho yên”.

– Thời gian tâm lý: Lại thêm một bước “chủ quan” hơn. Khi vui, thì cảm thấy thời gian quá mau, như “bóng câu qua cửa sổ”, khi buồn, thì lại thấy

Mưa… có rơi dầm dề

Ngày… có buồn lê thê…

Tôi “hay ĐI, hay NÓI, hay VIẾT” thì lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian.

Bạn tôi, ít tham vọng, thanh thản, thong dong hơn tôi nên “quỹ thời gian” của ông/bà ấy lúc nào cũng ung dung, thung dung tự tại.

Tố sự thung dung nhật nguyệt trường

(Làm việc ung dung dài ngày tháng)

(Bác Hồ)

Trong khi đó, có người cả đời tất tả, tất bật mà chưa chắc đã “được việc” gì!

– Thời gian NGẮN – DÀI còn tuỳ NƠI CHỐN và sự “nội tâm hóa” của con người.

Thí dụ như Thuý Kiều của Nguyễn Du, 15 năm là một chuỗi ngày dằng dặc ê chề tủi nhục, “dài đằng đẵng”!.

Lại thí dụ:

Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại

(Một ngày ở tù bằng muôn thu tự do)

Lại thí dụ, người tình chờ HẸN sai xảy 5 – 10 phút đã “sốt ruột” lắm rồi, đâu có phải ai cũng là người cách mạng.

Em ơi em cứ đợi

Dù dãi nắng em ơi

Dù tuyết rơi gió thổi…

và quả thật rất ít người:

Biết như Em chờ đợi

Những tháng ngày trôi đi trong thư thả đợi chờ của người chinh phụ của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm:

Nay hoàng hôn… đã lại Mai hôn hoàng”

Như các tứ thơ Simonov – Tố Hữu đã dẫn ở trên… đến cuộc sống trong cảm thức dân gian Việt Nam ngày trước:

Đêm tháng Năm, chưa nằm đã sáng

Ngày tháng Mười, chưa cuời đã tối.

Và THỜI GIAN còn tuỳ THỜI ĐẠI, tuỳ LỐI SỐNG. Người Pháp thời KHÁT VỌNG Tự DO cách mạng tư sản dân quyền:

Mau bước gấp gáp thời gian, khao khát tự do như cách mạng Việt Nam qua thơ Tố Hữu, qua khẩu hiệu “muôn năm”, “vạn tuế”.

– Có những phút làm nên lịch sử

Có cái Chết hoá thành Bất tử

– Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta

– Mao Chủ tịch vạn tuế, vạn vạn tuế

như xưa kia ca tụng đức vua “Vạn Thọ vô cương” (kính đức Vua sống muôn tuổi, không có giới hạn nào…).

– Thời gian triết lý lại khác xa nhau tuỳ quan điểm Triết học.

Với Hi La cổ đại, thần thời gian Chronos được tượng trưng bằng thần cầm lưỡi liềm ngắt đoạn thời gian, thời gian “một đi không trở lại” để đến đầu thế kỷ XX nhà văn lớn Marcel Proust có khát vọng tìm lại “thời gian đã mất” và những tưởng “thời gian đã tìm lại được”.

Thời gian của triết lý ấn Độ cổ truyền – cũng như thời gian của các nền văn minh nông nghiệp – là thời gian chu kỳ (Le Temps cyclique) được tượng trưng bằng Con rắn cắn Đuôi hay như triết lý Trung Hoa – Đông á:

“Thiên địa tuần hoàn

Chung nhi phục Thuỷ”

(Trời đất xoay vần, đến HẾT rồi lại quay về cái MỎ ĐẦU).

Đó là Triết lý Tết, 23 – 30 tháng Chạp, cái CHẾT tạm thời khi “ông Táo chầu Trời”, đêm Giao thừa, ông Táo mới lại về, mở đầu Nguyên Đán, sáng mới ngày đầu năm mới, tháng Đầu, năm mới…

Và lịch pháp – công nghệ – kỹ thuật bố cục, kết cấu thời gian… rất khác nhau qua từng miềntừng dân tộc ai về nhắn họ Hi, Hoà nhuận năm sao chẳng nhuận và trống canh.

Nói vui thôi mà vẫn là khát vọng thực.

Ví như lối nhìn Kinh Việt về lối sống và thời gian Mường:

Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới.

(Ngày 12 theo lịch Kinh là ngày 11 theo lịch Mường, tháng Chạp Kinh là tháng Giêng Mường)

Và mở rộng hơn, là “Dương lịch”, là “âm lịch”, là “âm dương hợp lịch”. Đến nay đã có một lịch pháp nào là hoàn hảo đâu. Buồn cuời nhất, người Việt học tiếng Pháp – tiếng Anh.

– Septembre – September: Tháng 9 (kỳ thực Sept – Seven là 7)

– Octobre – October là tháng 10 (kỳ thực Octo – Octave là 8)

– Novembere – November là tháng 11 (kỳ thực Neuf – Nine là 9)

– Decembre – December là tháng 12 (kỳ thực De là 10) v.v…

Tôi chưa từng thấy ai là người Việt chân chính – cổ truyền lại gọi sau tháng Mười là tháng Mười Một – mà phải gọi là tháng Một, tháng Chạp là tháng đi “chạp mả” thăm sửa mộ phần, làm cỗ cúng tập thể tổ tiên (giỗ cho từng cụ, chạp cho mọi thế thứ tổ tiên).

Tháng Một, tháng Chạp nên cộng hoàn toàn rồi ra Giêng, Hai ngày RỘNG, tháng DÀI (Tháng Mười theo lịch Ta – Tầu, là tháng Hợi, hết năm (như 22/12 Dương là ngày Đông chí, hết chu kỳ lịch thiên văn), tháng Mười Một (11) là tháng Tý, khởi đầu thập nhị chi, tháng Chạp là tháng Sửu, tháng Giêng năm mới đã là tháng Kiến Dần, bảo là theo lịch đời Hạ. Đời Thương tháng đầu năm mới là “Kiến Sửu”, đời Thương “Kiến Tý”, đời Tần “Kiến Hợi” v.v…

05 – Thế cho nên Thời gian và Lịch Pháp là những khái niệm KHÁCH CHỦ THẾ (Objection – subjectivity) hay CHỦ KHÁCH THỂ (subjeclitive objeclivity).

II

01.1 – Tôi chắc chắn rằng ở thời đại mà ngôn ngữ học gọi là thời gian Việt Mường chung, mà khảo cổ học gọi là thời đại Đông Sơn, tức quãng dăm bảy thế kỷ trước Công nguyên, chưa hề có cái Tết Nguyên Đán như ta hiểu về sau.

Bằng TRỐNG ĐỒNG, hiện vật hữu thể, hội tụ đủ nét TÂM – MỸ – TRÍ, ta biết Lễ hội Tết trống đồng thường diễn ra vào MÙA THU, hay chính xác hơn, lúc kết thúc về cơ bản mùa mưa, và đó là mùa HOA LAU nở rộ.

Bằng THƯ TỊCH, đến cuối thời Bắc thuộc, Thái Bình hoàn vũ ký vẫn chép người Việt chọn một ngày Thu tháng Tám là ngày lễ hội lớn nhất trong năm, và sách Lĩnh Ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi đời Tống – người đã từng sang Lĩnh Ngoại (phía Nam Ngũ Lĩnh cho đến Bắc Việt Nam) làm việc, ở lại khá lâu về viết sách cho người Bắc đọc để khỏi phải kể chuyện miệng quá nhiều lần và ngay cả AN NAM chí lược của Lê Trắc đời Trần (1333) cũng còn ghi nhớ, việc Tết Cả (Tết lớn hơn cả) là Tết Cơm mới, sau vụ mùa, thường là tháng Mười.

Với NÔNG HỌC, theo GS.VS. anh hùng lao động Đào Thế Tuấn chẳng hạn, nền VĂN MINH LÚA NƯỚC nước đặc sắc nảy sinh từ Đông Nam á lục địa (trong đó có Bắc Việt Nam – cái “nôi” của người Việt cổ – bắt đầu từ Vụ MÙA rồi sau mới đến Vụ CHIÊM (và gần đây nữa, nào là vụ Hè – Thu, nào là vụ Đông – Xuân…).

Folklore cổ truyền vẫn có câu ca:

Bao giờ cho đến tháng Mười

Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta

Gặt hái ta đem về nhà

Phơi khô quạt sạch ắt là xong công

Sau vụ mùa tháng Mười ngày trước, đã là vụ nông nhàn:

Tháng Một tháng Chạp nên công hoàn toàn

(chẳng có “nội dung công việc” gì cụ thể cả).

Người Việt ta bao giờ cũng tổ chức Tết (nhiều tứ, nhiều ngày Tết như ta đã biết) vào dịp NÔNG NHÀN.

01.2 – Lịch Tàu – Lịch Ta (âm dương hợp lịch) bây giờ chắc chắn xuất hiện muộn, khoảng nửa sau thế kỷ II trước Công nguyên. Thì trước đây có bao xa, người Mường, vốn là Một (anh em sinh đôi) với người Việt, có dùng hàng ngày cái “lịch dưới” như bây giờ đâu:

“Cơm đồ nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”.

Các bác “họ Bùi” người Mông đều bảo: Cái Tết Nguyên Đán như bây giờ ta ăn (“ăn tết” là cả một câu chuyện văn hóa ẩm thực cần nói năng – viết lách dài dài), theo lịch Mường đã là tháng Tư.

Tôi chưa từng thấy một người nói sõi tiếng Việt nào mà lại gọi theo lịch Ta là tháng 11, tháng 12 mà phải gọi là tháng MỘT (tháng mở đầu, tức là tháng Tý, của lịch Tàu), tháng CHẠP (trên đã giải thích từ “CHẠP” tức là tháng Sửu, theo lịch Tàu).

Thế tức là cái lịch “tháng Giêng” (chính nguyệt, Kiến Dần) như bây giờ “lịch dưới” vẫn dùng với câu đối liễn viết mừng ngày Tết.

“Tam Dương khai thái, Ngũ Phúc lâm môn”

(Theo trùng quái, tháng Tý “nhất dương sinh” ở dưới cùng (với thực tế, ở giếng chẳng hạn, bao giờ nước đáy giếng cũng ấm trước – Đông y cũng căn cứ vào đó mà đoán bệnh, trị bệnh – xin xem, chẳng hạn Hải Thượng Lãn ông Y tông Tâm lĩnh); tháng Sửu là “nhị dương”, và tháng Dần với ngày Mồng Một “tháng Giêng” Nguyên Đán thì đã là tháng “Tam Dương”), Nguyên Đán (theo nguyên nghĩa là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên), tháng đầu tiên Giêng (chính Nguyệt) của năm mới (Tân niên), Tam Dương (dưới), Tam âm trên theo Trùng quái là thuộc quẻ Thái của Dịch học, để đến tháng Tư đầu mùa Hè là tháng (toàn dương) Lục Dương và tháng Năm lại “Nhất âm sinh” rồi đến tháng Mười sẽ là tháng “toàn âm” Lục âm đầu mùa Đông. Không nên nói tí nào là Kinh Dịch là “của ta,”của Việt”, của “Việt Nho”; đó là một kiểu tư duy rất “Sô vanh” (chauvin), một thứ “phản ứng” (réaction), “mặc cảm” (Complex) thái quá trước ứng xử “chủ nghĩa Hoa Hạ trung tâm” (sino – centrisme) của người Tầu.

Theo tôi, Kinh Dịch là của Trung Hoa, giản dị vậy thôi, rồi người Việt áp dụng, ứng dụng theo cách của mình, có sáng tạo đôi chút. Thế thôi!

“Bĩ cực Thái lai” (hết cơn bĩ cực, đến tuần thái lai), hết quẻ Bĩ (Việt sẽ gọi là Bí, Bí quá rồi) sẽ đến quẻ Thái (thận lợi, hanh thông), đó là phép biện chứng phương Đông.

Tết Nguyên Đán, mở đầu quẻ Thái, người ta mong mọi sự, mọi khó khăn, cuối năm bí quá, chưa giải quyết được, đợi đầu năm “hẵng hay”.

Ra Giêng ngày Rộng tháng Dài

(Lại là một tư duy “chủ – khách quan” về thời gian).

01.3 – Như trên tôi đã nói, lịch pháp (phép làm lịch) là một sự xắp xếp thời gian không khỏi có phần chủ quan của những sự quan sát cái “vận động” (dù là “vận động biểu kiến” (do mắt người nhìn, kiểu “mặt trời mọc đàng Đông, lặn ở đàng Tây”), chiều hôm tôi tối “mặt trời đã gác non Đoài” (Đoài cũng là một quẻ trong “Bát quái” của Dịch học. Người Hoa coi Đoài là “Tượng” của “Trạch” (đầm lầy), người Việt lại coi “Đoài” phương Tây là “Tượng” của Núi. Tỉnh Sơn Tây cũ của Việt Nam, dân gian bao giờ cũng gọi là “Xứ Đoài”:

Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm

(Quang Dũng)

(viết đến đây, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ viếng/khóc bạn (Phan Kế Hoành người Sơn Tây) của Việt Hoài – Hội viên Hội ta (Văn nghệ dân gian) nay cũng đã “ra người thiên cổ”:

Rượu rót ra rồi, ai uống đây

Đường về xa lắm, xứ Sơn Tây

Bây giờ bước lẻ chông chênh lắm

Trắng cũ non Đoài, mây cứ bay…

Sao mà “chữ” của “Dịch kinh linh thể” rất bác học lại có thể “chui sâu” xuống tâm thức và lời nói “dân gian” đến như thế nhỉ? Tôi càng khẳng định một “lý thuyết Flklore học” của tôi là:

Cái “bác học” và cái “dân gian” ở Việt Nam là rất gần nhau và rất dễ chuyển hoá qua nhau (xin chớ nên “ăn cắp” lý thuyết này của tôi nhé vì tôi “nghèo” lắm, ăn cắp làm gì, xin ăn trộm ở các nhà giàu “mácxít”).

Quay trở lại vấn đề lịch pháp. Theo G.Coedes – thì phải nhưng nhất là theo Tôi: “Lịch 12 con vật” không phải hay không hoàn toàn xuất phát từ Hoa Bắc, từ Trung Hoa mà vốn có từ nhiều vùng ở Đông á, Đông Nam á, Nam á rồi mới dần dần “hội nhập” với nhau, hoà vào nhau mà cho đến nay vẫn có “độ chênh” (Dần – tháng Giêng – là thuộc “Hổ” theo quan niệm Hoa – Việt thì lại thuộc Voi của nhiều tộc ở Bắc ấn và Tạng Miến. Mão là thuộc Mèo của Việt nhưng lại thuộc Thỏ của Hoa, Mùi là thuộc Dê của Việt nhưng thuộc Cừu của Hoa v.v…)

Còn Lịch pháp đích thực của Trung Hoa là lịch can – chi với chu kỳ 10 (tuần can), 12 (tháng, chi – năm), 60 (kỷ, hội…) (60 là bội số chung của cả 10 và 12), để có thể “nhìn” thấy, “sờ” thấy trên văn “giáp cốt” (mai rùa, xương bả vai bò…) đời Thương – ân. Còn “nhà Hạ” đứng đầu “Tam đại” (Hạ – Thương – Chu) thì – cho đến nay, vẫn còn thuộc lĩnh vực “thần thoại”, “huyền thoại”.

Và ta biết:

Nhà Thương Kiến Sửu

Nhà Chu Kiến Tý

Nhà Tần Kiến Hợi

Lấy đó là tháng đầu năm. Thuở ban đầu nhà Hán cũng vẫn theo lịch Tần và các thể chế kiểu Tần. Các triều đại này đều đóng đô ở Hoa Bắc (Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam), khí hậu, thời tiết rất khác Đất Việt (theo nghĩa rộng, từ phía Nam Trường Giang trở xuống, là miền “văn hóa lúa nước”).

Đến đời Hán Vũ – đế (1147 – 109 trước Công nguyên) – thời đại lớn của bành trướng Trung Hoa, đặc biệt là xuống các vùng “Bách Việt”, “Bách Man”, “Bách Bộc”… ở phía Nam – ta mới có cái Tết Nguyên Đán tháng Giêng, Kiến Dần như hiện nay. Đó đâu?.

Hán Vũ đế giải thích: Ta trở lại theo “lịch nhà Hạ” (Kiến Dần)!.

Nhưng cái “nhà Hạ” quá xa vời, hiện nay còn đang “đoán” rằng thuộc văn hoá này, văn hóa nọ của khảo cổ học Trung Hoa, nhà Hạ chưa để lại vết tích gì về văn tự và ngữ pháp. Lịch pháp cũng vậy.

Tôi đoán rằng: Hán lịch đấy là một lịch mới bắt nguồn từ phương Nam – vùng Nam Trường Giang, Bách Việt (bao gồm cả Tây âu, Lạc Việt). Luận điểm này tôi đã phát biểu từ lâu, từ thời chống Mỹ, chống “bành trướng” cứu nước và giữ gìn bản sắc văn hóa đất Việt trời Nam mà nay Việt Nam là đại diện. Từ lâu, nhiều học giả Trung Hoa học người Mỹ (ví như Hebenhard) đã nêu luận điểm rằng: Có nhiều sắc thái địa phương của văn hoá Trung Hoa (local culture) ví như văn hoá Thục (Tứ Xuyên), văn hoá Điền (Tây Nam Trung Hoa, vùng Vân Nam – Quý Châu), văn hóa Quảng – Việt Đông (miền Duyên Hải từ Phúc Kiến đến Quảng Đông) v.v…

Nếu coi Việt và Hoa là hai xứ “đồng văn” thì nên coi đó là không gian văn hóa rộng lớn từ phía Nam Trường Giang trở xuống các vĩ tuyến phía Nam, nghĩa là “vùng văn hóa Đông Nam á mở rộng hay, nói chính xác hơn, đó là vùng văn hóa lúa nước”.

01.4 – ở vùng này, các lễ hội đầu năm (Tết) đều diễn ra vào đầu mùa mưa – nghĩa là gần đầu mùa sản xuất lúa mùa cổ truyền. Đó là Tết Pi – May (“năm mới”) của người Thái – Lào (Thai speaking people), Tết Chô – chnăm thmay (Tết Năm mới) của người Khơme, Tết Riganưgar của người Chămpa (Sấm động đàng Đông miệt biển được người Chăm Ninh – Bình Thuận hiện nay coi là ngày đầu năm mới)… Tết đều diễn ra khoảng tháng Tư như cách tính Dương lịch hiện nay, khoảng đầu mùa mưa rào, mở đầu thuận lợi cho sản xuất lúa nói riêng. Cái “bóng dáng” của Tết đầu năm cũ của người Việt cổ là “hội Gióng”:

Ai ơi mồng Chín tháng Tư

Không đi hội Gióng cũng hư mất đời

Mà trong cuốn Mùa Xuân và phong tục Việt Nam (Nxb. Văn hóa, 1975) tôi đã mệnh danh là Tết Mưa dông.

Ngành văn hóa học nói chung và văn hóa dân gian (Folkore học) nói riêng của chúng ta rất nên nghiên cứu Lịch Chăm, Lịch Khơme, Lịch Thái và đối chiếu tham khảo với sách Hán Sở tuế thời kỳ của Trung Hoa cổ đại.

III

01 – Gần như mọi người chúng ta đều thống nhất rằng:

01.1 – Có nhiều cái Tết, đánh dấu ngắt đoạn những chu kỳ thời gian nông nghiệp:

– Tết Cả Nguyên Đán: Mồng Một – Rằm tháng Giêng.

– Tết (tiệc) bánh trôi – bánh chay (Hàn thưc) mồng Ba tháng Ba.

– Tết Đoan Ngọ mồng Năm tháng Năm.

– Tết Trung Nguyên Rằm tháng Bảy.

“Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân”

(Đây là lễ hội Ulambava (Vu lan bồn) bắt nguồn từ Phật giáo).

– “Tết trông trăng” Rằm Trung thu:

“Muốn ăn lúa tháng Năm, trông Trăng Rằm tháng Tám”.

Hay là cái Tết đặc biệt của trẻ con với nhiều loại Đèn (Đèn ông sao) và Bánh ngọt.

– Tết Trùng Dương hay Trùng Cửu (Mồng 9 tháng 9) là Hội mùa hoa Cúc với đặc trưng là đi thăm vùng Núi (Dương) và uống rượu Cúc (Dương).

– Tết Cơm mới (mồng mười tháng Mười) kết thúc vụ lúa Mùa – mà thư tịch xưa có nói là Tết Cả.

01.2 – Vì vậy, gần như tất cả chúng ta đều thống nhất rằng:

– Tết là Lễ hội, là dịp “nung”, “hâm nóng” lên tình cảm cộng đồng (sự cộng cảm (Communion) từ gia đình đến mọi làng quê và thành thị (đi lại thăm hỏi họ hàng, “bà con họ mạc” đồng hương, đồng tuế, đồng tình).

Trăm năm chỉ một chữ Đồng

(Kiều – Nguyễn Du)

– Tết là dịp mừng năm mới đại khái là bắt đầu với 23 tháng Chạp (ngày “ông Táo chầu Trời” – “cái chết tạm thời”) và đỉnh điểm là mồng một tháng Giêng – Nguyên Đán – bắt đầu từ đêm Giao Thừa (ông Táo – Thần chủ gia đình – mới lại về) với những phong tục tốt đẹp: Dọn nhà ngăn nắp, với quần áo mới, với tục mừng tuổi (mừng sự trưởng thành, sinh trưởng). Tết Nguyên Đán là sự sắp xếp lịch Ta – lịch Tàu xoay quanh ngày Lập xuân – được cố định theo Dương lịch là ngày 4 tháng Hai.

Tết là lễ hội ẩm thực rất Việt, rất Nam, với Bánh chưng với Dưa hành, với Cây nêu (“cây vũ trụ” (arbre cosmique) phổ biến toàn thế giới gắn với tục thờ mặt trời (bắt đầu từ khi xuất hiện nông nghiệp 5 – 6 ngàn năm trước Công nguyên).

Đỏ (ấm) và Xanh (mát) là hai mảng mầu chính của Tết của Xuân, được tượng trưng bằng câu đối đỏ, bánh trưng xanh, “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ; Cây nêu, tràng pháo, bánh trưng xanh”.

Tết là sự bắt đầu mới, mừng xuân mới, với những phong tục tốt đẹp: Xông nhà, Mừng tuổi, Xuất hành… đầy Hàm lượng văn hóa, Hàm lượng tâm linh mà đã được kết tinh ở phong tục:

Mùng một thì ở nhà cha

Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy.

Đấy là biểu tượng tốt đẹp của một dân tộc hiếu nghĩa và hiếu học.

01.3 – Tôi muốn kết thúc bài Đề dẫn này bằng câu chuyện thay đổi Lịch pháp.

Nhà học giả (đã quá cố) Nguyễn Xiển đã có lúc rất giận tôi. ông là Giám đốc Nha Khí tượng – Thuỷ văn rất nhiều thâm niên. ông muốn bỏ hẳn lịch Ta – mà ta hay gọi là âm lịch – để thay bằng lịch Tây – ta hay gọi là Dương lịch. Báo Nhân dân cũng từng có lúc cổ vũ cho việc bỏ Tết (như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản đã từng bỏ Tết Nguyên Đán) với lý do làm ngưng trệ sản xuất và công việc ngay quý Một bắt đầu từ mồng một tháng đầu Dương lịch.

Tôi (và một số bạn bè “bảo thủ”) đã phản đối kịch liệt việc Nguyễn Xiển (và các đấng bậc tay chân của ông) định “đổi mới” lịch pháp, bỏ hẳn lịch Ta – Tàu (gọi là âm lịch) thay hẳn bằng lịch Tây (gọi là Dương lịch).

Thì học giả Việt Nam Hoàng Xuân Hãn từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước đã định cư ở phương Tây do nhiều lý do khác nhau nhưng vẫn đau đáu về văn hóa phương Đông và Việt Nam đã thuyết trình rồi viết hẳn thành sách (Lịch và Lịch Việt Nam) và nói rằng lịch Ta là “ÂM dương hợp lịch” rất đáng duy trì, nghiên cứu và… cải tiến ít nhiều.

Cụ Hãn viết Sách. Tôi chỉ viết Bài, không được cụ Xiển cho đăng báo, đành nhờ báo khác (“Kinh tế”) đăng.

Về già, bác Nguyễn Xiển càng thân lại với tôi. Và cuối cùng, bác tâm sự: – Tôi có cái Lỗi – Tôi định bỏ lịch Ta. Tôi lên trình Bác Hồ. Bác suy ngẫm hồi lâu rồi bảo tôi.

Nếu Dương lịch, theo chú, lợi cho sản xuất thì cứ dùng. Nhưng… bỏ lịch ta thì không nên. Nhất là vì lúc này, đang vì Hiệp định Genéve mà phải chia cắt Bắc – Nam, miền Nam vẫn dùng cả Dương lịch và âm lịch, nếu miền Bắc Việt Nam dân chủ cộng hoà ta bỏ âm lịch thì e người ta lại nói mình thêm chia rẽ Bắc Nam… Lại suy ngẫm hồi lâu nữa Bác Hồ bảo tôi.

– À mà chú định bỏ âm lịch tức là sẽ bỏ cái Tết à? càng không nên! Tết là một sinh hoạt văn hóa cổ truyền, đã ăn sâu vào đời sống tâm thức của dân gian ta. Bỏ Tết là bỏ mất một nét văn hoá đặc sắc của dân ta chú ạ.

Và Bác Hồ đã không ký Sắc lệnh bỏ lịch như ông Nguyễn Xiển đề nghị.

Và lịch Ta có nét đặc sắc là dùng cả “lịch Trên” (Dương lịch) và “lịch Dưới” (âm Dương hợp lịch hay lịch “cổ truyền”).

Và thế là sau cái “Tết Tây” chúng ta vẫn giữ được “Tết Ta”.

Cái “Tết Ta” là một bản sắc văn hóa Việt Nam vậy…

 Nguồn: Tạp chí Di sản văn hóa số 1 (14)- 2006)