Thành ngữ Việt Nam có câu: “Trứng rồng lại nở ra rồng – Liu điu lại nở ra dòng liu điu.”
Sấu, giao long, thuồng luồng là những cái tên phổ biến nhất khi đề cập đến nguồn gốc con rồng ở Việt Nam. Nhiều tác giả đi trước như Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Tài Cẩn, Ngô Thành Khôi, Trần Quang Trân,… đã căn cứ vào các di vật văn hóa bản địa trong văn hóa Đông Sơn, Giao Chỉ để tìm hiểu nguồn gốc con rồng Việt Nam. Chẳng hạn hình giao long trên thạp đồng Đào Thịnh, mũi giáo núi Voi, hay những con “sấu đá” ở đền bà Tấm hoặc chùa Dâu,… Những di vết đó được các nhà nghiên cứu sưu tầm coi như những chứng cứ đầu tiên về con rồng Việt Nam. Một con vật hư cấu nổi tiếng không kém là thuồng luồng, thậm chí còn được đưa vào chính sử (như Việt Sử lược, Đại Việt Sử ký Toàn thư,…). Ngoài ra, còn có các truyền thuyết về thuồng luồng đầu thai làm hoàng tử nhà Lê hay học trò Chu Văn An hóa thuồng luồng,… Đây đều là những huyền thoại về các loài vật hư cấu ít nhiều có liên quan đến đặc tính của con rồng nên chúng tôi chọn đưa vào tập hợp những linh vật họ rồng trong văn hóa Việt Nam.
Về mặt từ nguyên, sấu/giao long/thuồng luồng là các linh vật được đề cập đến trong nhiều tư liệu và hiện vật có liên quan đến rồng. Tuy nhiên, trong các từ điển sinh học thì không thấy giao long và thuồng luồng, còn sấu thì có thể là cách gọi tắt tên của cá sấu (crocodile/aligator). Giao long là tên gọi Hán – Việt về các hình khắc của một loài vật tương tự cá sấu trên các hiện vật khảo cổ hoặc các di tích cổ.
Về mặt tạo hình, sấu và giao long có thể xếp vào làm một, còn thuồng luồng thì gắn với truyền thuyết hơn là đời thực. Tuy nhiên, khi tìm hiểu văn hóa các tộc người thiểu số thuộc nhóm Tày – Thái, chúng ta lại thấy nhiều biểu hiện của thuồng luồng trong đời sống các tộc nguời thiểu số này. Chẳng hạn, trong một số lễ hội, chúng ta có thể nhìn thấy biểu tượng trọng tâm của nghi lễ là một con t’luông/thuồng luồng mà một học giả người Thái đã giải thích như sau: “Thuồng luồng là tổ tiên, có công chăm lo đến con người, trước hết là đem nước về cho vùng cày cấy hay phù hộ giúp đỡ con người. Nhân dân đều biết ơn thuồng luồng, coi thuồng luồng là thần linh hay tổ tiên của họ” (Hoàng Lương 2007, tr.49-55). Con vật được gọi là thuồng luồng này được tạo tác khá giống với xà long (rồng có hình thức rắn – xem phụ lục) có thân rắn, đầu rồng. Điều này cho thấy cách giải thích của nhà ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn về nguồn gốc tên gọi của rồng có liên quan đến t’luông/thuồng luồng/rồng/long là rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Như vậy, sấu/giao long/thuồng luồng là những linh vật mang nhiều đặc tính bản địa và có có nhiều ảnh hưởng đến biểu hiện của con rồng Việt Nam sau này….
(Trích đoạn từ bài viết TS.KTS Đinh Hồng Hải (bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07 -2015 và Tạp chí kiến trúc số 09/2015)