Lễ động thổ (góp phần nghiên cứu tục thờ Thổ công ở Bắc Bộ) 24/01/2018

M.J.PRZYLUSKI

Khi nghiên cứu các thiết chế tôn giáo ở Bắc Bộ, thế nào người ta cũng phải trở lại nghiên cứu về Thổ Công (Thần Đất). Thổ Công có thể là nhân cách hóa mảnh đất nơi một gia đình sinh sống, cũng có thể tượng trưng cho lãnh thổ của một làng. Vị thần này gắn bó thân thiết với những gì sống động nhất trong xã hội Việt Nam.

Ở bài viết trước (1) chúng tôi đã lưu ý răng Thổ Công thường hóa thân trong một cây thiêng. Còn ở bài này, chúng tôi dự định nghiên cứu một khía cạnh khác của cùng vấn đề, đó là lễ động thổ, được tổ chức vào đầu mỗi năm mới ở các làng quê người Việt.

Để diễn giải cuộc lễ đó, có lẽ chúng tôi sẽ phải so sánh các nghi lễ của nó với các nghi lễ của Trung Hoa cổ đại và với các nghi lễ mà hiện nay người ta còn thấy được ở cư dân người Mường vùng Bắc Bộ. Về phần Trung Hoa, công việc của chúng tôi trở nên đặc biệt dễ dàng nhờ có bài nghiên cứu mới đây của Chavannes về “Thổ Công thời Trung Hoa cổ đại”(2). Còn về phần người Mường, chúng ta biết rằng các cư dân bản địa này có quan hệ bà con khăng khít với người Việt về mặt hình thể và ngôn ngữ. Như vậy, so sánh các tập tục của hai tộc người này với nhau là điều rất chính đáng, đồng thời, việc so sánh đó là rất hữu ích, bởi vì người Mường ở miền núi ít chịu ảnh hưởng ngoại lai, trong khi đó, các ảnh hưởng ngoại lai làm biến đổi sâu sắc các thiết chế của người Việt vùng châu thổ.

I. Tết Cả được tổ chức trong bảy ngày đầu năm mới của người Việt. Nó được đánh dấu bằng một lô những điều cấm kỵ phức tạp mang tính chất nghi lễ. Một trong những điều cấm kỵ quan trọng nhất đó là cấm đi làm đồng. Người ta chỉ được đi làm sau khi làm lễ động thổ, thường lễ đó diễn ra trong năm ngày đầu tiên của năm mới. Để quyết định ngày thích hợp làm lễ, các vị kỳ mục mỗi làng phải tra lịch chính thức do Triều đình Huế ấn hành(3).

Sau đây là miêu tả lễ động thổ đúng như tôi đã thấy vào tháng Hai vừa qua ở một làng thuộc tỉnh Hưng Yên.

Trước đình làng đó có một khoảng sân rộng, giữa sân mọc lên một cây đa rất to. Người địa phương kể rằng ở chỗ đó ngày xưa có một cây đa to kỳ lạ. Một vị chức sắc rất có thế lực đã ra lệnh chặt cây, những người chặt liên bị chết tại chỗ, còn người xúi giục xúc phạm cây thiêng thì bị đuổi khỏi đình. Người ta bảo cái cây hiện nay chắc chắn cũng thiêng như cây trước.

Năm nay, các vị kỳ mục làm lễ cúng tế Thành Hoàng tại đình làng vào sáng ngày mùng 2 tháng giêng. Lễ tế này phải diễn ra đều đặn vào mỗi sáng trong những ngày Tết, thế nên buổi tế ngày hôm đó không có gì là bất thường. Sau khi dâng lễ cho Thành Hoàng theo nghi thức xong, các vị kỳ mục vừa ngồi bàn bạc vừa uống rượu, nhai trầu. Vấn đề là phải chỉ định một người đàn ông có năng lực để tiến hành lễ động thổ. Theo tập quán, người ta chọn một ông già ngoài bảy mươi tuổi, giàu có và đông con. Ngoài ra, người ta chỉ định thêm một người đàn ông trẻ hơn làm trợ tế, tuy nhiên, người này cũng phải ngoài năm mươi, giàu có và đông con.

Trong lúc các vị kỳ mục bàn bạc thì có hai người đàn ông khiêng chiếc bàn nhỏ dùng làm bàn thờ ra khỏi đình, đặt dưới bóng cây đa cổ thụ. Trên bàn thờ bày đồ cúng gồm các nén vàng mã, một chai rượu, hai buồng cau và một cái mũ bằng các-tông màu đen trông giống mũ của các quan đội khi dự lễ. Nhiều người dân được hỏi đã không do dự trả lời tôi rằng các đồ tế lễ đó là giành cho “ông thần đất”.

Khoảng mười giờ sáng, công việc chuẩn bị đã xong, ông chủ tế bước ra khỏi đình, tiến lại gần bàn thờ đã đặt sẵn, đi bên cạnh là ông trợ tế. Cụ già mặc áo dài màu đỏ giống như các bậc lão nông thường mặc. Người trợ tế mặc áo dài màu đen, trang phục không có gì đặc biệt.

Động tác đầu tiên của cuộc lễ là lạy ba lạy trước bàn thờ Thổ Công. Cụ già và người trợ tế cùng quỳ trên chiếu trải trước bàn thờ, sau đó cúi đầu xuống tận đất. Rồi họ đứng dậy và bắt đầu lại.

Sau nghi thức vào lễ đó, mới đến động tác quan trọng nhất khiến buổi lễ có ý nghĩa thực sự và khiến nó mang tên là lễ động thổ. Cụ già rời xa bàn thờ một chút về hướng Nam; cụ cầm một cái mai và quay về hướng Đông (5), xắn bốn nhát xuống đất, lật lên một miếng đất hình vuông. Người trợ tế lấy tay bê miếng đất đó mang tới đặt dưới gốc cây đa cổ thụ. Sau đó, người ta lại bắt đầu lại theo cách thức như vậy và ba miếng đất lần lượt được mang đặt dưới gốc cây: miếng đầu tiên đặt bên phải cụ già, miếng thứ hai đặt bên trái và miếng thứ ba đặt giữa hai miếng đầu.

Sau đó, hai người làm lễ cùng lại bàn thờ Thổ Công và lạy ba lạy như lúc đầu. Sau nghi thức ra lễ đó, chai rượu và cau được mang vào đình cho các vị kỳ mục dùng, còn vàng mã và mũ lễ thì được đốt tại chỗ.

Trong suốt buổi lễ, có hai người thổi tù và và một người thứ ba gõ trống. Ba nhạc công đó phải luôn quay mặt về hướng Đông.

Lễ động thổ lại thấy có ở người Mường vùng Bắc Bộ với cái tên gần giống thế: đồng thổ, nhưng với nghi lễ hơi khác một chút. Lễ diễn ra sau Tết ít ngày và nó chấm dứt việc cấm kỵ đi làm đồng, giống như ở người Việt.

Và đây là lễ động thổ diễn ra ở người Mường thuộc phủ Mỹ Đức, tình Hà Đông.

Để chọn được ngày tốt, dân ở đây phải tra lịch của người Việt hoặc là tính ngón tay theo cách thức riêng(6). Buổi sáng ngày đã định trước, trưởng bản (cai xã, cai khung, cai giáp) dậy từ lúc bình minh vừa hé, ở dưới cầu thang nhà (người Mường đều ở nhà sàn) có một cối xay lúa trong đó đặt sẵn vài hạt thóc. Trường bản bước xuống thang, cầm một cái chày gõ ba tiếng vào cối xay. Sau đó ông ta đợi mặt trời lên. Khoảng bảy giờ sáng, ông cùng một trong các con trai của mình, hoặc cùng một gia nhân đi đến con suối hàng năm vẫn dùng nước để tưới ruộng. Dòng nước chảy đó đã bị đóng lại bằng một đập ngăn nhỏ mà người Mường gọi đó là pài. Đến nơi đó rồi, trưởng bản và người đi cùng liền dừng lại. Người đi cùng đào đất bằng mai và bê một miếng đất ném lên pài. Người đó làm lại động tác lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Nghi lễ này trong tiếng Mường được gọi là tắp pài (tức là đắp phai, đắp đập).

II. Trước khi tìm cách lý giải các sự việc trên, cần phải xác định rõ một điều: các loại công việc nào thì bị cấm trước khi làm lễ động thổ? Câu trả lời sẽ là: tất cả những gì có thế khuấy động đến Thổ Công. Không những người ta phải kiêng đào đất, mà còn phải tránh nhổ cỏ và cắt cành cây. Đất đai và những gì sinh ra từ đất, tức là toàn bộ cỏ cây, nhất thời trở nên bất khả xâm phạm. Các quy ước này được tuân thủ nghiêm ngặt. Chính vì vậy, trước lễ động thổ, thậm chí người ta không được phép chẻ củi hoặc xay lúa. Người Mường và người Việt hoàn toàn nhất trí với nhau về điểm này.

Tìm kiếm nguyên nhân của một điều cấm kỵ lan rộng tới nhiều loại đồ vật là điều rất lý thú. Vậy vấn đề đặt ra là phải biết được tại sao thần đất lại trở nên bất khả xâm phạm vào đầu mỗi năm mới? Tại sao các công việc nhà nông vốn vẫn được phép trong suốt năm ngoái, nay bỗng nhiên lại bị cấm khi bước sang năm mới? Điều này hẳn bắt nguồn từ bước chuyển thời gian từ thời kỳ này sang thời kỳ khác, nhằm đổi mới các loại năng lượng tiềm ẩn đang ngủ trong lòng đất. Ở người Việt cũng như ở phần lớn các dân tộc khác, ngày đầu tiên của năm là một ngày quyết định. Nó làm gián đoạn sự liên tục của thời gian và nó điều tiết đời sống con người và sự vật(7). Khi một năm cũ mất đi, điều đó cũng như thể đời sống sinh linh đang ở điểm dừng. Và khi năm mới hé mở, dường như thiên nhiên cũng bắt đầu hồi sinh. Lúc đó, cỏ cây lại bước vào một chu kỳ biến đổi mới. Chính vì vậy có thể nói sức mạnh trong lòng đất lại trở nên tươi mới.

Những quan niệm này được tìm thấy trong phần lớn các huyền thoại. Một số dân tộc tin rằng thần Cỏ cây chết đi theo chu kỳ, để rồi sau đó lại hồi sinh.

Ở Trung Quốc và Việt Nam, huyền thoại có hơi khác một chút: thần đất không chết, nhưng ngài rời khỏi đất. Hàng năm, cứ đến đêm 23 tháng chạp, Thổ Công của mỗi gia đình mà người ta hay gọi một cách dân dã là vua Bếp-lại bay lên trời. Ngài ở đó bảy ngày để tâu với Ngọc Hoàng về những việc làm của con người trong suốt năm qua, sau đó ngài lại xuống mặt đất vào đêm 30 tháng chạp. Có thể câu truyện huyền thoại đang lưu truyền hiện nay không phải là thật cổ. Ít ra thì ý tưởng có bản về sự vắng mặt theo chu kỳ của Thổ Công dường như cũng là một dư âm của tín ngưỡng cổ đại về sự đổi mới hàng năm các năng lượng của đất và của cỏ cây hoa lá.

Thật vậy, Thổ Công nhân cách hóa các năng lượng sống động của đất. Sự vắng mặt của ngài trong bảy ngày tượng trưng cho cái chết của thiên nhiên trong mùa đông. Và sự quay về của ngài có thể nói là đánh dấu sự đổi mới. Chúng tôi tìm thấy ở vùng Viễn Đông huyền thoại tương tự như huyền thoại về nữ thần Proserpine (Nữ thần nông nghiệp của La Mã – ND). Sự khác biệt duy nhất là đáng lẽ phải đi xuống địa ngục giống như vị thần La Mã, thì ở đây Thổ Công lại đi lên trời.

Trong dịp Tết, do đất đai tươi tốt trở lại và tràn đầy sức mạnh mới, thế nên nó mang tính chất thiêng liêng và chính sự thiêng liêng này lại làm cho đất trở thành nguy hiểm. Những người trồng trọt phải dè chừng không dám báng bổ đất. Năng lượng thần thánh trong lòng đất sẽ gây nguy hiểm cho người đầu tiên đụng tới đất đai. Điều này giải thích tại sao có sự cấm kỵ làm nông nghiệp trong những ngày đầu của năm, cũng như tại sao lại phải tổ chức nghi lễ mang tính chất tôn giáo để giải điều cấm kỵ đó. Thực vậy, chừng nào đất đai còn bị cấm kỵ thì không một ai dám đụng tới nó. Nhưng tình hình đó không thể kéo dài mãi mà không gây ra những điều bất lợi nghiêm trọng. Vậy nên phải tìm một người có sức mạnh pháp thuật đủ để có thể đương đầu mà không sợ hãi với các nắng lượng hùng mạnh ẩn chứa trong lòng đất. Ở các dân tộc đã đạt tới trình độ văn minh cao thì nói chung, giáo sĩ là người duy nhất được coi có khả năng giao tiếp được với các thế lực thần thánh vì ông ta là người tổ chức tế lễ. Nhưng ở phần đông các xã hội khác, vai trò đó cũng được gán cho vị thủ lĩnh. Điều này giải thích tại sao phong tục tập quán người Mường đòi hỏi người trưởng bản phải là người đầu tiên khuấy động đất đai. Một hôm tôi hỏi một người Mường, ông ta trả lời bằng tiếng Việt: “Vào đầu năm, đất đai thiêng lắm. Một người bình thường chẳng dám quấy rầy đất. Chỉ có người cao số mới chịu được”.

Như vậy là, vì có sức mạnh pháp thuật nên người thủ lĩnh Mường có thể thách thức thần đất mà không bị thiệt hại, ông ta là người đầu tiên giã gạo. Mình ông ta đảm lãnh trách nhiệm về hành động đó và sau đó những người dân khác có thể bắt chước ông mà không phải sợ gì nữa. Mặt khác, khi hoàn thành nghi lễ tắp pài, ông cũng giải xong điều cấm kỵ  liên quan tới việc làm đồng. Ở chỗ này nữa, mặc dù các nhát mai có thể không phải do ông thủ lĩnh xắn, nhưng chỉ có ông ta là người duy nhất chịu trách nhiệm, bởi lẽ hành động được thực hiện theo lệnh của ông ta và do người nhà ông ta làm.

Ở nhiều làng người Việt, lễ động thổ do vị tiên chỉ tiến hành. Ở một số làng khác, việc chọn người hành lễ tuân theo tiêu chuẩn tương tự như chúng tôi phân tích ở trên. Người ta bầu ra một vị kỳ mục cao tuổi, giàu có và nhiều con bởi vì đó là ba dấu hiệu khiến ta nhận biết ra người đàn ông có khả năng có sức mạnh ma thuật cao siêu. Khi một người Việt có nhiều con trai, người ta bảo rằng người đó có nhiều phúc. Trong trường hợp này, phúc không hoàn toàn có nghĩa là hạnh phúc, mà hơn thế, nó còn có nghĩa là số phận may mắn, là có luồng sinh khí thần thánh dẫn dắt cho làm nên. Còn khi một người giàu có, ông ta được coi là có những phẩm chất ưu tú, ở đa phần các xã hội đều như vậy. Ở người vùng Bắc Bộ, nói chung người giàu có chân trong Hội đồng kỳ mục. Cuối cùng, mặc dù trong các lãng xã người Việt, quyền thế của các bậc bô lão dường như đang suy giảm, nhưng họ vẫn luôn giữ một vị thế cao xét về mặt luân lý và tôn giáo. Trong bữa cỗ chung của những người cùng giáp, các bậc bô lão chiếm vị trí danh dự trên cả các kỳ mục giàu có và các vị chức sắc. Cái ưu thế tôn giáo đó có lẽ có nguồn gốc từ rất xa xưa. Điều này giải thích tại sao ở một số làng, một trong những điều kiện cơ bản của người tiến hành lễ động thổ là người ít nhất phải bảy mươi tuổi.

Tóm lại, ở người Mường cũng như ở nông dân vùng châu thổ Bắc Bộ, người đầu tiên quấy quả thần đất là người hứng chịu mối hiểm nguy nào đó mà một người bt không thể đương đầu. Chỉ một người duy nhất có sức mạnh ma thuật sao siêu mới có thể mở đầu các công việc đồng áng. Chính vì vậy, xã trưởng hoặc ít ra là một vị kỳ mục cao tuổi phải thực hiện hành vi giã gạo hoặc đào đất vào đầu năm. Chúng ta còn phải giải thích tại sao ở các làng người Việt, trong lễ động thổ, ba miếng đất đào lên lại phải đem đặt ở gốc cây thiêng.

III. Chúng ta vừa thấy rằng thần đất mỗi năm lại tái sinh giống như chính cỏ cây thực vật. Do chỗ vị thần này trẻ lại theo chu kỳ như vậy nên việc người ta tin phải thờ cúng thần vào đầu mỗi chu kỳ của năm là điều tất nhiên. Thổ Công cai quản đất đai ở một làng có thể được so sánh với một lãnh chúa phong kiến mà người ta muốn trao lại cho một lãnh địa nhỏ trong thời gian mười hai tháng. Hết thời hạn đó, Thổ Công cần phải nhận được sự trao quyền mới. Chúng tôi muốn chứng minh lễ động thổ đúng là nhằm mục đích trao quyền cho Thổ Công.

Chúng ta biết rằng ở Bắc Bộ, các cây thiêng không bao giờ đứng cạnh các công trình xây dựng, mà chúng thường được trồng ở đỉnh một gò đất. Chúng tôi đã từng đề xuất quan điểm là ban đầu, nơi trú ngụ của Thổ Công luôn luôn được thể hiện như vậy. Giả thuyết này càng được củng cố hơn vì ở Trung Hoa cổ đại, bàn thờ Thổ Công cũng là một nấm mộ trên đó trồng một cái cây.

Theo lôgíc đó, cách tốt nhất để khôi phục lại tín ngưỡng thờ Thổ Công và trao lại cho thần chủ quyền cai quản đất làng, đó là hàng năm dựng một nấm mộ mới và trồng lên đó một cái cây. Người Việt không làm hết như vậy, nhưng họ đã làm một cái gì đó tương tự. Đáng lẽ phải đắp một nấm đất thật thì họ chỉ đắp tượng trưng thôi. Ba miếng đất mà người ta mang đặt ở một gốc cây trong lễ động thổ chính là để thay thế cho một nấm mộ mới. Cây thiêng được tăng thêm sức mạnh một cách thần bí nhờ có đất mới đó. Điều đó giống như thể người ta trồng lại cái cây làm nơi trú ngụ cho vị thần đất vừa sống lại.

Sự giải thích này hoàn toàn trùng hợp với những gì chúng ta biết được về tục thờ Thổ Công ở thời Trung Hoa cổ đại. Chử Toại Lương – người đã sống ở thế kỷ I trước công nguyên – đã viết ở một trong những đoạn bổ sung cho cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên: “Khi các vua chư hầu lần đầu tiên được ban thái ấp, họ cần nhận được một miếng đất lấy từ nơi thờ Thổ Công của Thiên tử. Họ mang đất đó về và tôn thờ làm Thổ Công của xứ mình, thờ quanh năm”. Ở thời Hán và có thể xa xưa trước nữa, người ta dùng miếng đất để mà phong tặng, trao quyền và cái mẩu đất đó đủ cho các lãnh chúa khi về đến điền trang thái ấp có thể dựng lên điện thờ Thổ Công được lập nên bằng ba miếng đất.

Đúng là trong văn bản của Chử Toại Lương, đất do Thiên tử tặng, còn trong lễ động thổ, ba miếng đất do một kỳ mục đào lên trên lãnh thổ của làng. Nhưng sự khác biệt này cũng dễ giải thích. Một đoạn trong Tou-touan cho ta biết rằng từ đời Hán đã có các Thổ Công của các tổng, hạt do nhân dân lập nên. Thổ Công hiện đang cai quản đất đai làng xã người Việt chính là tương đương với Thổ Công của tổng, hạt ngày xưa. Đó là lý do tại sao trong lễ động thổ, một đại diện của dân phải tiến hành lễ cúng này để phong chức cho Thổ Công.

Tóm lại, các nghi lễ phong chức có từ thời Hán đã để lại những dấu tích đáng kinh ngạc trong các phong tục tập quán của người Việt. Trước kia, người ta trao cho lãnh chúa một miếng đất “để thờ làm Thổ Công”. Ngày nay, những người đại diện của dân đặt ba miếng đất vào gốc cây của thần thổ địa. Hai quá trình tiến hành là như nhau: chỉ có điều là ở trường hợp đầu, vị lãnh chúa phong chức cho miếng đất thành Thổ Công ở lãnh địa vùng đó, còn ở trường hợp sau, trong ngày làm lễ động thổ, chính nhân dân là người phong chức cho vị Thổ Công mới của làng xã mình.

Phan Ngọc Hà

(Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp trong BEFEO số 2, tập X, 1910, tr.399-347)

 

 

(1) Xem tờ Bản tin của Trường Viễn Đông bác cổ (B.E.F.E.O), IX (19109), tr.758.

(2)Biên niên cảu bảo tàng Guinet, phần phụ lục, bài của Chavannes.

 (3) Lịch xuất bản năm có tên là: “Đại Nam Duy Tân tứ niên tuế thứ cảnh tuất hiệp kỷ lịch”.

 (4) Đó là Thôn Thượng, xã Thọ Nhân, tổng Phú Khê, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên

 (5) Hướng tốt đối với từng năm, được ghi ở đầu cuốn lịch Tàu.

 (6) Người Mường tránh không giải thích cách tính ngón tay như thế nào. Họ chỉ bảo là cách tính đó do một con hổ đã dậy cho tổ tiên của họ. Không ai được tiết lộ bí mật đó vì sợ hổ ăn thịt. Khi một người Mường muốn truyền cho người khác cách tính ngón tay để tìm ngày tốt thì trước hết người đó phải uống rượu say cho hết sợ rồi mới dám nói. Bởi vì lúc đó, nếu hổ đến, thấy người say thì nó sẽ tha không ăn thịt.

 (7) Chẳng hạn, người Việt quan niệm cứ Tết đến là người ta thêm một tuổi, là sang một tuổi khác.