Một biểu tượng của đạo hiếu 06/03/2018

Ban thờ tổ tiên là biểu tượng cho vẻ đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc, chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về đạo hiếu của người Việt nghìn đời nay. Tuy nhiên, những biến đổi của đời sống xã hội đã dần khiến nhiều người quên đi giá trị cốt lõi của ban thờ Việt trong mối quan hệ với đạo hiếu.

Một biểu tượng của đạo hiếu

Thượng tọa Thích Tâm Hiệp chia sẻ về đạo hiếu tại Đình Kim Ngân (Hà Nội). Ảnh: Phạm Quý.

Từ xa xưa trong mỗi gia đình người Việt đều có một ban thờ được bài trí trang trọng. Ban thờ gia tiên được cấu thành trong ngôi nhà ngay gian giữa mang văn hóa, chiều sâu của tâm linh người Việt.

Trên ban thờ thờ phụng tổ tiên, người Việt lấy việc đó làm thước đo về lòng hiếu. Theo cách hiểu của người Việt, tổ tiên là cách gọi khác của hai chữ nguồn cội. Tổ tiên không chỉ hiểu đơn thuần là một người. Tổ tiên được hiểu là cội nguồn đang tạo ra, dòng chảy tương tục các thế hệ con cháu nối dõi.

Bàn thờ tổ tiên vì thế mà cũng phải tuân thủ theo những nguyên tắc riêng của cha ông ta truyền lại. Buổi đầu, người Việt tiếp nhận đạo hiếu rất sâu sắc qua việc bốc bát hương, sắp xếp các vật dụng trên ban thờ như hộp sắc phong, gia phả cho đến bài vị cân đối theo đúng trục chính của ban thờ. Bát hương phải cân đối tuyệt đối để thể hiện lối sống, hành xử có nội, có ngoại, có trên có dưới… Rồi sau này nhiều gia đình làm đẹp bàn thờ bằng những họa tiết chạm trổ, lối kiến trúc mà họ được ảnh hưởng từ nhỏ khi nhìn lên ban thờ của gia đình. Điều này khiến ban thờ mang đến những giá trị tâm linh sâu sắc.

Trong buổi tọa đàm “Ngày Tết nói về đạo hiếu” diễn ra mới đây, Thượng tọa Thích Tâm Hiệp đã chia sẻ rằng: Ban thờ không đơn thuần chỉ hiểu là thờ người chết. Vì ông cha ta quan niệm chết là trở về nguồn cội. Nên từ lúc một người nhắm mắt, cho đến hai năm ba tháng sau là cả một hành trình người đó nhập vào nguồn cội, hòa vào tổ tiên.

Khi có một người mất, bát hương trong gia đình Việt thờ người vừa mất đó phải đợi đến sau hai năm ba tháng mới được nhập chung vào bát hương chính trên ban thờ tổ tiên. Chính lúc đó, linh hồn người đã khuất hoàn toàn nhập vào thực thể nguồn cội. Nên người Việt quan niệm, chết là trở về.

“Người Việt sợ nhất là không xứng đáng khi trở về với tổ tiên, với nguồn cội. Trước ban thờ tổ tiên, thắp hương là thắp lên lòng thương kính của mình với nguồn cội. Đối trước ban thờ tổ tiên là đối diện trước giống nòi. Vì thế mà người Việt làm gì cũng có nhu yếu muốn báo cáo, muốn thưa trình lên tổ tiên, muốn thừa hưởng sự chứng giám của tổ tiên” – Thượng tọa Thích Tâm Hiệp nhấn mạnh.

Hàng ngàn năm trước, người Việt đã cho rằng “ly hương bất ly tổ”. Yếu tố “tổ” chính là ở ban thờ. Ban thờ Việt tuy có nhiều thay đổi theo thời gian, tuy nhiên ở đâu có gia đình Việt thì ở đó hiện hữu ban thờ tổ tiên. Đây chính là biểu tượng cho con cháu quy ngưỡng, tự hào và có trách nhiệm bồi đắp vào gia tài cội nguồn dân tộc mình.

Người Việt thường quan niệm “có thờ có thiêng”, con cháu có lòng hiếu, tưởng nhớ, có niềm thương kính tổ tiên (nguồn cội) thì phải nhận thức rằng tổ tiên vẫn “hiện hữu” ở đó. Vì vậy, thờ là xác định tính nguồn cội của mình. Trong tinh túy văn hóa người Việt, điều đó biểu lộ qua việc thờ cúng tổ tiên.

Tuy nhiên, sự thay đổi của đời sống xã hội đã dẫn đến sự mất mát không nhỏ trong giá trị về đạo hiếu của ban thờ Việt. Theo ông Trần Thanh Tùng – thành viên của Hội quán Di sản, nhiều gia đình hiện nay đưa ban thờ lên vị trí cao nhất của ngôi nhà thay vì gian chính phòng khách và coi đó là sự tôn trọng tổ tiên. Nhưng cả năm chỉ lên đó thắp hương được vài lần vào dịp giỗ chạp, lễ Tết. Điều đó thể hiện tầm nhận biết, đánh giá vai trò của thờ cúng tổ tiên đang phát triển không đúng theo truyền thống xưa.

Thêm vào đó, lòng ham muốn ích kỉ đang chi phối tính giáo dục cũng như cái tâm của của mỗi cá nhân đối với việc thờ cúng tổ tiên. Những mong muốn về công danh, sự nghiệp, tiền tài khiến mất tính giáo dục của ban thờ.

Còn họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng, sự thay đổi này bắt nguồn từ chính yếu tố giáo dục của gia đình. Nếu tư tưởng giáo dục của người làm chủ trong gia đình vững chắc thì sẽ cho ra thành phẩm là “đạo hiếu”. Đạo hiếu ấy chính là lòng tôn kính, chí nguyện tiếp nối cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Tuy nhiên, đạo hiếu là sự bày tỏ cũng như giải quyết những quan hệ trong gia đình không chỉ đơn thuần một chiều. Nếu coi chữ hiếu chỉ là con cái với tổ tiên thì sẽ mất đi sự giáo dục, nhắc nhở cho chính người làm cha, làm mẹ.

“Bàn thờ không chỉ là nơi con cháu thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên mà chính những người làm cha, làm mẹ khi đứng trước bàn thờ phải tự xem lại chính mình, những nghĩa vụ của mình trong sự giáo dục, định hướng con cái”- ông Đức nói.

Đồng tình với quan điểm này, Thượng tọa Thích Tâm Hiệp cũng chỉ rõ, người Việt đang nhắc đến chữ hiếu theo cách hiểu máy móc. “Sự giáo dục về chữ hiếu của bậc làm cha mẹ trong gia đình cho con cái là vô cùng cần thiết. Người cha có thể tự hào đã cho con được tiếp nối nhưng đó cũng là sự thể hiện và chứng tỏ bản thân cũng là sự tiếp nối xứng đáng với kì vọng của tổ tiên, nguồn cội.

Từ chuyện thắp một cây hương lên ban thờ, người con có thể thừa hưởng tư tưởng của người cha, tư tưởng dân tộc, niềm tự hào dân tộc. Từ hiếu nghĩa, hiếu thảo với cha mẹ, mà chúng ta hiếu nghĩa với anh em, xóm làng, hiếu trung với quốc gia. Gìn giữ cho bằng được giáo dục gia đình mà trong đó dòng chảy được khơi trong từ giá trị truyền thống biểu tượng bằng ban thờ đã nói rõ, nói trọn và nói hết ý nghĩa của chữ hiếu”.

Mặc Khải

Nguồn: http://daidoanket.vn/van-hoa/mot-bieu-tuong-cua-dao-hieu-tintuc396588