Những kỷ niệm giữ tranh Hàng Trống 14/04/2024

Nhân dịp họa sĩ Phan Ngọc Khuê giới thiệu tới công chúng bộ tranh truyện Hàng Trống gần trăm năm tuổi. Thời Nay có dịp nghe những chia sẻ về sự nghiệp sưu tầm tranh dân gian của ông cũng như về dòng tranh độc đáo mà ít người biết đến này.

Những kỷ niệm giữ tranh Hàng Trống

Phóng viên (PV): Niềm đam mê sưu tầm tranh dân gian của ông bắt nguồn từ đâu?

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê: Tôi may mắn được học trường mỹ thuật, công việc sau này tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gắn với các công trình nghệ thuật và nhất là các loại hình tranh, điêu khắc của dân tộc. Niềm đam mê mỹ thuật dân gian cũng từ đó và từ những người thầy đã dìu dắt, truyền cảm hứng cho tôi. Trong số những người “thầy” khiến tôi cảm phục, có các phụ nữ dân tộc H’Mông. Các bà, các chị với kỹ năng điêu luyện đã dạy cho tôi cách vẽ sáp ong trên vải. Họ không những dạy cho tôi vẽ mà họ dạy tôi về một nền nghệ thuật dân tộc đặc sắc, di sản văn hóa rất quý báu.

Nếu ngoài dân gian có những người thầy không bằng cấp là các nghệ nhân, thì trong môi trường văn hóa nghệ thuật có những người thầy có học thức, trình độ uyên thâm. Và tự thân chúng ta muốn tiến bộ thì phải cố gắng tiếp cận với những bậc thầy như vậy.

PV: Đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về dòng tranh truyện Hàng Trống. Xin ông chia sẻ rõ hơn về dòng tranh này!

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê: Trước năm 1945, Hà Nội có nhiều hiệu tranh, phường tranh khắc ván, in, vẽ tranh ở các phố hàng, rồi ở tận Thường Tín, Canh, Diễn. Vào các phiên chợ giáp Tết, người ta đưa tranh về bán tập trung tại đình Hàng Trống, nên có tên gọi chung là tranh Hàng Trống. Tuy có tên gọi chung là tranh Hàng Trống, nhưng mỗi phường mỗi hiệu đều có bản sắc, dấu ấn riêng. Tranh có nhiều thể loại như tranh thờ, tranh truyện, tranh sinh hoạt, tranh Tết… Trong đó, tranh truyện được vẽ theo các tích truyện cổ. Với thể loại tranh này, các chủ hiệu xưa phải đầu tư lớn, từ khâu chọn mua ván khắc tranh, tuyển chọn thợ khắc lành nghề đến gia công vẽ, khắc. Từ vẽ đến khắc là cả một công trình cần đầu tư công sức tiền bạc. Sau đó đến công đoạn in tranh. Tuy nhiên, sau năm 1954 hầu như không còn in thể loại tranh truyện này nữa chỉ còn các loại tranh lẻ như tranh thờ, tranh tín ngưỡng.

PV: Cơ duyên nào mà ông lại có được bộ tranh truyện Hàng Trống quý báu này?

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê: Mỗi khi đi đến vùng đất nào, tôi tìm hỏi người dân xem có nguồn tranh hay còn lưu giữ được tranh dân gian nào không. Bởi tranh dân gian thì phổ biến trong nhân dân. Thực trạng nhiều tranh dân gian bằng giấy với khí hậu miền bắc nước ta thì không thể gìn giữ lâu dài được. Nên việc sưu tầm từng bức tranh một là điều hết sức quan trọng. Trong mấy chục năm công tác, tôi đã sưu tầm được khá nhiều tranh dân gian. Trong đó có 10 bộ tranh truyện Hàng Trống được bà chủ hiệu làm tranh Thanh An tặng lại năm 1980. Bộ tranh được in từ các bản khắc tinh xảo của các nghệ nhân ở Liễu Tràng (Hải Dương) nhưng lúc đó đang được buộc thành bó to và để trên gác xép đã lâu. Mỗi bộ gồm 4 bức, thể hiện sinh động những câu chuyện trong kho tàng truyện Nôm Việt Nam.

Những kỷ niệm giữ tranh Hàng Trống ảnh 1

Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” từ bộ sưu tập của họa sĩ Phan Ngọc Khuê gồm 40 bức tranh thuộc 10 bộ tranh truyện là những tích truyện cổ trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Niên đại của các bộ tranh trưng bày tại triển lãm được cho là sáng tạo từ thế kỷ XIX tới trước năm 1945 được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

PV: Ông bảo quản các bộ tranh truyện trăm năm tuổi này như thế nào để đến ngày nay hầu như vẫn còn nguyên vẹn?

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê: Căn nhà mấy chục m2 thời đó của gia đình tôi vừa là nơi sinh hoạt, vừa là xưởng vẽ và bảo tồn tranh. Tôi luôn dặn dò vợ con rằng, bộ tranh này rất quý, hiếm và cần phải được giữ gìn, bảo quản cẩn thận. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều phải chú ý để không làm ảnh hưởng đến nó.

Hiện trạng các bộ tranh truyện lúc tôi sưu tầm về bị cũ, bẩn, nhiều bức bị rách… nên tôi phải dụng công bảo tồn để cho đến ngày nay được ra mắt công chúng. Mất gần một năm để hoàn thành việc bảo tồn bộ tranh. Đầu tiên phải làm sạch, là phẳng, xử lý những chỗ bị rách của tranh rồi mới đến các bước làm hồ, bồi, bo tranh và cuối cùng là khung bằng trục gỗ.

Hồ là nguyên liệu cũng vô cùng quan trọng phải quánh, sệt không có không khí bên trong để khi dán tranh vào giấy dó không bị mục. Muốn vậy, trước hết là phải mua được gạo mới, việc này khá khó khăn bởi thời đó gạo mậu dịch để kho hầu hết là gạo cũ, không còn nhựa, phải đi về các vùng quê mới mua được. Quá trình xay gạo thành bột cũng phải bảo đảm được nguyên chất. Cầu kỳ nhất là khâu quấy hồ. Bếp dầu để lửa liu riu, lượng bột, nước, hàn the, phèn chua… phải đong đúng tỷ lệ và quấy đều tay. Mất cả ngày để từ nồi nước lõng bõng trở thành hỗn hợp keo sánh, dính. Những chất như phèn, hàn the… sẽ làm cho hồ khi phết lên không bị mốc bởi khí hậu hay thời gian.

Khâu thứ hai là bồi tranh. Ở khâu này, giấy bồi cũng là loại giấy dó như tranh nhưng phải là loại giấy mịn và có độ dài gấp đôi tranh. Tiếp đó là phết hồ phải rất cầu kỳ, cẩn thận. Phết lớp hồ phải thật mỏng, đều từ dưới lên, từ bên trong ra, đẩy hết bọt khí ra ngoài để giãn hết bức tranh. Bồi lớp đầu rồi đợi cho se lại rồi bồi tiếp lớp thứ hai. Phải mất hàng tuần mới xong được một công đoạn bồi tranh. Công đoạn bo và làm khung bằng trục vừa giúp treo, kéo được thẳng bức tranh và dễ dàng cuộn lại để bảo quản, di chuyển. Qua nhiều lần chuyển nhà, thứ đầu tiên tôi cẩn thận mang đi là các bộ tranh này. Sau 40 năm những bức tranh tôi bảo quản vẫn không bị đứt, nhàu và hầu như không có đốm mốc nào cả.

PV: Xin ông chia sẻ về cuốn sách “Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội” từng giành giải thưởng “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội”.

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê: Cuốn sách “Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội” do tôi chủ biên hoàn thành năm 2016, khi đã 79 tuổi, in hơn 400 đầu tranh của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Con số này chưa chắc đã nói hết được quá trình mấy thế kỷ về dòng tranh của kinh đô Thăng Long xưa. Nhưng để chúng ta thấy rằng nghệ thuật của dân tộc Việt, nhất là nghệ thuật in tranh, vẽ tranh của dân gian là truyền thống bền vững.

Chỉ tiếc dòng tranh này chỉ còn một gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên là vẫn theo nghề, nhưng chủ yếu là vẽ theo các bản in. Còn việc sáng tác các bản khắc gỗ thì giờ không còn ai làm nữa. Chỉ mong, nếu có điều kiện chúng ta sẽ cùng nhau nghĩ cách khôi phục, phổ biến nghệ thuật làm tranh truyện này để thế hệ ngày nay được biết, hiểu và thêm yêu văn hóa truyền thống dân tộc.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của họa sĩ!

 

Theo báo Nhân dân