Phố phường đón Tết 26/01/2018

Tết được coi là một sự kiện quan trọng trong lịch trình sinh hoạt của người nông dân, ở đó Tết gắn với các kiêng kị, nghi lễ nông nghiệp và gắn bó với đời sống nông thôn từ ngàn đời. Nói thế, không có nghĩa là Tết kém phần quan trọng đối với người thành thị không làm nông nghiệp, mà chỉ để thấy rằng mỗi không gian/khu vực văn hóa ở người Việt đều có những cách thực hành và cảm thụ không khí theo những cách riêng của mình.

Vào những ngày giáp tết, phố phường có dáng vẻ nhộn nhịp và đẹp mắt. Những người hưu trí hay những người đang làm việc trong các cơ quan công sở tranh thủ ra các phố để ngắm hoa tết, cây cảnh… Ở Hà Nội, khu vực bãi đá sông Hồng, làng hoa Tiền Phong (Mê Linh), làng Nhật Tân đầy ắp những bạn trẻ đến thưởng ngoạn. Họ chụp ảnh với nhau bên những bộ áo dài truyền thống màu xanh, đỏ, vàng rực rỡ để lưu lại thời tuổi trẻ của mình.

Trong đêm giao thừa ở thành phố, các bạn trẻ cùng nhau tụ tập ở một khu trung tâm để cùng nhau đón giao thừa. Ở Hà Nội, đêm giao thừa ở khu vực hồ Hoàn Kiếm mọi người lại có dịp tập trung đi bộ và chờ đợi thời khắc thiêng liêng nhất của một năm, cùng nhau đếm ngược và thưởng ngoạn những loạt pháo hoa tô điểm trên bầu trời tối đen như mực. Sau khoảng khắc này, họ bắt đầu đi ra các khu đền, chùa nổi tiếng để hái lộc đầu năm cũng như thỉnh cầu thần phật trong những giây phút đầu năm này. Những cuộc đi lễ đêm ở các đền chùa nổi tiếng của Hà Nội đã trở thành tuyền thống. Ven bên đền Ngọc Sơn, đền Voi phục… chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc… không khí du xuân được hòa cùng với âm hưởng linh thiêng của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Sau những giờ phút bên đền chùa thơm hương mùi tết, mọi người trở về nhà mình để xông đất, cũng như chuẩn bị cho sáng mồng một. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ lại tụ tập nhau cùng đến từng thành viên trong nhóm để chúc tết. Cuộc vui này diễn ra trong không khí nhộn nhịp và nó chỉ kết thúc cho đến gần sáng.

Như vậy, mọi người đều đợi và thành phố, rất sôi động và ồn ào hôm trước, dường như ngủ trong bộ trang sức nhiều màu sắc của mình. Mọi người đều ẩn sau cửa nhà mình được canh giữ bởi những ông thần nét mặt hiền từ hay dữ dằn của tranh dân gian và được đóng khung trong những câu đối, ngưỡng cửa còn vương đầy xác pháo hồng đốt đêm trước trông như những cánh hoa. Trong những giờ đầu tiên, sự nhộn nhịp biến mất và phố phường vẫn gần như hoang vắng. Người nước ngoài nào liều đi ở đây đều có cảm tưởng ở trong một thành phố cách đây mấy giờ vừa được một ông thần nào đó khoác cho tấm áo diệu kỳ.

Đường sá chỉ bắt đầu đông người vào quãng mười giờ. Mọi người lại mặc những áo quần đẹp nhất, đàn bà con gái thì đeo những đồ trang sức lộng lẫy, mặc hết áo dài nọ chồng lên áo dài kia. Tất cả đều đến nhà họ hàng, bạn bè chúc mừng năm mới.

Ở thành phố, đời sống khấm khá, nên việc ăn ngon, mặc đẹp, gặp gỡ bạn bè, họ hàng… thực hiện quanh năm nên ngày Tết không còn quá ý nghĩa như ngày xưa. Nhiều người đã dần thay đổi quan niệm “ăn” Tết mà chuyển sang “vui” Tết, “chơi” Tết. Không hiếm người thay vì về quê lại đón bố mẹ về nhà mình cùng ăn Tết ít hôm, sau đó cả nhà đi du lịch nghỉ dưỡng, vừa tiết kiệm vừa có trải nghiệm mùa xuân thật mới mẻ, thắt chặt tình cảm gia đình. Những địa điểm du lịch ở miền núi như Mộc Châu (Sơn La), Sapa (Lào Cai) thường được nhiều gia đình lựa chọn. Đối với những gia đình có điều kiện hơn, trong dịp tết họ có thể tổ chức các chuyến đi sang nước ngoài. Trước khi đi du lịch, mọi người vẫn không quên thắp hương, cúng bái, mời tổ tiên ông bà về ăn Tết… tươm tất mọi thứ mới lên đường.

Những cuộc du xuân ngày tết của người thành phố giờ đây đã trở nên phổ biến. Ở đây, Tết vẫn giữ bản chất là một dịp nghỉ ngơi của con người và hướng mọi người về với tổ tiên, nguồn cội. Người nông thôn và thành thị đều có những cách thể hiện sự tôn kính riêng cho mình vào ngày tết, vì thế, không thể nói ý nghĩa tết ở thành thị đã phai nhạt ở nông thôn.

Sau thời gian nghỉ tết khoảng 10 ngày, người thành thị lại tất bật với công việc tại các công sở nhà nước, những cuộc viếng thăm, vui xuân cũng vì thế mà ít dần. Đối với nhiều cơ quan, trong tháng Giêng, vào dịp cuối tuần, họ thường tổ chức du xuân cho mọi người bằng những chuyến đi trong ngày, đến những nơi đền, chùa linh thiêng như Đền Trần (Nam Định), chùa Dâu, đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… Đến đây, họ xin tiền tài và công danh sự nghiệp cho bản thân và gia đình. Đối với cuộc sống cạnh tranh khắc nghiệt, đầy rủi ro ở thành phố, việc cầu xin này như một phương thuốc trị liệu giúp họ vơi bớt những căng thăng đời thường.  Đó dường như là một sự níu kéo cuối cùng chút hương vị ngày tết cho người thành thị, trước khi bắt đầu các công việc làm ăn, buôn bán tất bật của một năm đương tới.

Hội Quán Di Sản

#circlegroup.vn

#banthoviet