Tu Di sơn là ngọn núi hoa sen, một loại núi có hình “chiết yêu” (thót ở giữa), đỉnh nở xòe như hoa sen thiên diệp đang mãn khai. Đỉnh núi Tu Di là cung Đao Lợi, như mô tả trong kinh điển, vốn không phải là nơi Phật ngự, mà nơi trú xứ của Trời Đế Thích (帝釋天) với 33 cõi trời.
Sau khi thành đạo, đức Phật đã lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẫu thân trong vòng 3 tháng. Còn cõi Phật ngự thì tồn tại ở những cảnh giới cao hơn, thuộc cõi Niết Bàn- đó là một cảnh giới của giác ngộ, đó là cảnh giới “siêu việt vật chất”, thuộc phạm trù tâm học.
Chính vì thế, núi Tu Di được coi như là chốn ngự tọa hữu hình bằng vật chất cao diệu nhất mà con người có thể hình dung, để từ đó thể hiện ra bằng các loại hình nghệ thuật khác nhau, từ bích họa, đồ họa, tranh tangka, pháp khí, cho đến tượng pháp, chùa tháp.
Hình dáng của núi Tu Di được dùng làm hình mẫu cho tất cả các loại núi khác trong vũ trụ. Ví như trong một mandala, các đỉnh núi nhỏ trong 8 vòng núi xung quanh Tu Di, đều được khắc họa theo dáng núi “chiết yêu”. Đỉnh núi trở thành nơi ngự tọa thuyết pháp của chư Phật, ví như Linh Sơn hội thượng trong kinh Diệu pháp liên hoa, đều là chốn núi thiêng với hình dáng khuôn mẫu của núi Tu Di (Đinh Phúc Bảo). Người ta đã tạo ra các tòa Tu Di dùng để đặt tượng Phật là vì vậy.
Với lý giải như trên, tòa Tu Di có hình dáng cơ bản là một tòa “chiết yêu” hoặc “thắt cổ bồng”, mô phỏng hình núi Tu Di.
Tu Di tòa thời Lý khác với phần lớn các tòa còn lại vào thời Trần, Lê về sau. Nếu thời Trần thịnh hành các tu di tòa chữ nhật- đồng dạng về loại hình phong cách với thời Tống, thì Tu Di tòa thời Lý gần như mô tả chính xác hình dáng núi Tu Di trong một mandala vũ trụ. Hiện còn 13 tòa Tu Di thời Lý, gồm: bệ Phật Tích (1), bệ Từ Đạo Hạnh chùa Thầy (1), bệ tượng Chương Sơn (1), bệ tượng chùa Hoàng Kim (1), bệ tượng động Liên Hoa núi Cô Phong (1),… Trong số 13 tòa trên thì bệ tượng Phật Tích và Chương Sơn là điển hình hơn cả. Kết cấu gồm 3 phần: phần chân tòa tạc đồ án cửu sơn bát hải, các Tu Di đài thời Lý phổ biến là một dạng thu nhỏ của kiểu Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu, chỉ khác ở một điểm là không có kiến trúc ở trên. Vì các tòa này đã được đặt trong kiến trúc có mái che.
Với hơn 13 Tu Di tòa thời Lý hiện còn, ta thấy Tu Di tòa Phật Tích và Chương Sơn là phong cách hoàng gia nên rất chi tiết, trên đó có khắc họa hình ảnh rồng, biểu tượng của Hoàng đế.
Các tòa Sư tử tại chùa Bà Tấm, chùa Lạng đều chỉ có khắc hình sư tử, hoa, cho thấy các chùa này chỉ của riêng các bà Hoàng hậu- Thái hậu.
Con rồng đã được luật hóa thành vật sở hữu riêng của quyền lực tối cao của gia tộc nam quyền (Trần Trọng Dương 2015).
Các bệ tượng của chùa Kim Hoàng, Sùng Nghiêm Diên Thánh, hay chùa Thầy tuy vẫn có ba giật cấp nhưng hoặc để trơn hoặc chỉ tạc một tầng sơn hải ở phía dưới. Sự tốn kém nhân công, khiến cho các Tu Di tòa được điêu khắc bởi quan lại, sư bản tự, địa phương, chỉ có thể tạc một cách tương đối theo biểu tượng gốc. Không câu chấp một lớp sóng núi hay đôi ba lớp hay tám chín lớp, người thợ khắc theo điều kiện vật chất, và vật liệu, kinh tế, thời gian cho phép.
Là đồ của Hoàng gia – của vua thì cửu sơn bát hải có thể phủ kín cả thân cột, xen kẽ với cả phần thân rồng cuốn, lên tận trên đỉnh với độ dài trên dưới 1m. Đó chính là trường hợp cột Ngọc Hà, mà bản phỏng dựng của SEN Heritage lắp ghép, tái lập (reconstruc) từ các mảnh vỡ lịch sử: chân tu di bát giác tại Phật Tích, cột Ngọc Hà, đỉnh đá hoa sen tại Bảo tàng Bắc Ninh, các ảnh chụp hiện vật này vào đầu thế kỷ XX của EFEO.
Kết quả tái lập từ cứ liệu khảo cổ và phong cách học mĩ thuật, và tư tưởng về vũ trụ quan Phật giáo cho thấy, đây có khả năng cao là một loại hình Tu Di tòa đặc biệt vào thời Lý.
Vẫn cấu trúc:
1/ chân tam cấp, nhưng tạc đặc trưng hoa cúc, có chức năng là bệ đỡ chịu lực của toàn bộ tòa Phật,
2/ phần cửu sơn bát hải tạc cùng đôi rồng leo trên thân cột (cột Ngọc Hà)
3/ đỉnh hoa sen thiên diệp mãn khai.
Với một hiện vật tinh mĩ đến từng centimet tạc đôi rồng hiến châu, đây phải là đồ của Hoàng gia thời Lý (với các vị trí đào được tại Ngọc Hà- Thăng Long, có thể thuộc chùa Diên Hựu, và chùa Phật Tích- chùa hành cung thời Lý). Với sự đăng đối tuyệt đối, và đậm đặc các biểu tượng Phật giáo, đây phải là một hiện vật trung tâm của một không gian thiêng, trong một nghi lễ Phật giáo thiêng liêng của Hoàng gia.
Suy luận này cho phép loại trừ giả thuyết cho đây là một thân cột chịu lực như giả thuyết 2013-2015 như PGS.TS Trần Trọng Dương từng đưa ra.
Từ đó nghiêng về giả thuyết cho rằng, đây chính là một loại Tu Di tòa đặt tượng Thích Ca Sơ Sinh hoặc là một loại hình Tu Di Đăng (đèn) được đặt trong một lễ hội ánh sáng vào thời Lý. Dẫu sao, dù với giả thuyết nào, thì hiện vật này cũng vẫn là một biểu tượng mô phỏng ngọn núi Tu Di. Đó là một trong những hiện vật vô cùng quan trọng cho phép chúng ta, từ những mảnh vỡ từ những tro tàn của lịch sử, có thể có cơ hội phỏng dựng lại quá khứ vàng son, có thể bước đi trong lịch sử, có thể chạm vào lịch sử của văn hiến Đại Việt ngàn năm (theo Sen Herigate).
Căn cứ vào những gì được chứng minh, một tác phẩm mỹ thuật về hình tướng Phật thích ca sơ sinh theo phong cách hoàng gia thời Lý sẽ được HQDS công bố và phát hành trong dịp phật đản năm nay tạo thành một giải pháp đồng bộ đi kèm với các tiêu bản tu di tòa thích ca sơ sinh (bản đồng cao 28cm)