Tượng Quan âm Thiên thủ thiên nhãn chùa Mễ Sở được coi là 1 trong 3 pho tượng được xếp vào hàng đỉnh cao của nghệ thuật tạo tác tượng thiên thủ thiên nhãn cổ ở nước ta. Vì vậy, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1821/QĐ – TTg công nhận pho tượng Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn tại chùa Mễ Sở là bảo vật quốc gia.o,
– Ly kì NHẤT: Tương truyền Ngài ngự trên một bè gỗ trôi dạt từ đâu đến không rõ, đến địa phận của làng Mễ thì Ngài dạt vào, ban đầu dân tình không rõ sự tình nên bảo nhau đẩy Ngài ra giữa sông, một hồi thì Ngài lại quay trở lại lúc ban đầu, sau nhiều lần lặp lại nhân dân nhận thấy đây là điềm lành nên đã rước Ngài về làng Mễ, kì lạ là trên bè ngoài Tượng còn có đủ ván, cột, mái để bà con đủ dựng thành một “lầu các” để Ngài ngự trên đó, và đây cũng chính là pho tượng Quán thế âm nghìn mắt nghìn tay được thờ độc lập duy nhất còn lại ở Việt Nam.
– Pho tượng nhiều tay NHẤT: (với 1014 tay) Phật bà “nghìn mắt nghìn tay” ngoài những bộ tay chính phía trước, phía sau lưng còn có đôi bàn tay (được gọi là tay Phổ Lễ), tạo tác này làm cho pho tượng có thêm chiều không gian đa chiều. Nét đặc biệt đến khác biệt chính là pho tượng không có hình tượng quỷ biển (rồng đội tòa sen) như ở chùa Hội Hạ, chùa Bút Tháp và chùa Đào Xuyên, thay vào đó là đài sen và pho tượng được đặt lên một bệ bốn tầng với hoa văn đặc trưng của nghệ thuật tạo hình TK 19. Một chi tiết hình tượng hóa thể hiện khả năng sáng tạo của người xưa chính là 12 đôi bàn tay phía trên đỉnh tượng kết hợp với hệ thống mây tựa như cánh của con chim Khổng tước đang trong tư thế xà xuống che cho đức Phật. Phía dưới là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, với Phật A Di Đà ngồi giữa tọa thiền trên đài sen, hai bên là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí đứng trên đài sen hộ trì và một đôi bàn tay đang nâng tượng Thích Ca ở tầng mây phía dưới (trên đỉnh của mũ)
– Pho tượng nhiều chất liệu NHẤT: Gỗ là chất liệu chính để tạo tác tượng, nhưng riêng phần Mão (mũ) lại được thúc bằng Đồng tấm tại chính giữa của Mão có một viên đá Quý, bọc viền ngoài của viên đá là một mặt tròn hoa văn vân mây được tạo tác bằng Vàng. Đây cũng được coi là một sự kết hợp hoàn mỹ của các nghệ nhân xưa trong việc phối hợp các chất liệu để lại cho hậu thế một tuyệt tác với sự tham gia của nhiều làng nghề, nhiều tổ thợ…
– Pho tượng với nhiều kì án ly kì NHẤT, khi đã từng bị bị đánh cắp 2 lần (năm 1988 và năm 2016) cả 2 lần đều sau 8 ngày pho tượng lại được tìm lại và dưới sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên pho tượng lại được hoàn về chốn cũ.
Pho tượng rất nhiều điểm độc đáo thể hiện được tư duy thẩm mỹ của người xưa, khả năng tạo tác tinh vi của nghệ nhân, hiện vật có giá trị về lịch sử văn hóa tiêu biểu, minh chứng rõ nét về quá trình tồn tại và phát triển, sự ảnh hưởng lâu dài của Phật giáo ở Việt Nam qua các thời kỳ.