Ra mắt dự án danh tướng Việt Nam 25/08/2013

Với mong muốn giới thiệu đến công chúng những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng hàm chứa giá trị văn hóa và di sản của đất nước, nhằm tôn vinh các vị anh hùng, danh nhân trong lịch sử, đưa người dân đến gần hơn, hiểu rõ hơn và tự hào hơn về những chiến công của cha ông trong quá trình xây dựng đất nước, Hội Quán Di Sản và Circle Group dưới sự phối hợp và bảo trợ của Hội sử học Việt Nam, Liên hiệp Unesco Hà Nội tổ chức lễ ra mắt dự án “Danh tướng Việt Nam“. Đây là những vị tướng tiêu biểu trong hàng nghìn vị danh tướng của dân tộc.

Một khoảnh khắc thú vị khi dự án Danh tướng Việt Nam được diễn ra tại Hội trường bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, những maket đầu tiên về những vị anh hùng tiêu biểu đã được sắp xếp cùng với những phiên bản tượng thu nhỏ. Hình tròn tạo thành trung tâm vừa làm điểm nhấn vừa thuận tiện cho việc khách tham gia tham quan góp ý đánh giá những đề xuất ban đầu. Phía xa là những mảnh vỡ của những chiếc máy bay chiến đấu đã bị bắn hạ trên bầu trời Việt Nam,  những chiến xa “Vua chiến trường” đang nằm bất động im lìm, sự tương phản đó càng làm nhấn lên vị trí trung tâm của sự kiện. Mọi thứ đều rất nhỏ bé và khiêm tốn nhưng toát lên sự trang nghiêm đến lạ thường.

Danh sách đợt đầu tiên của dự án:

 

Việt quốc công Lý Thường Kiệt

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lần đầu tiên những chiếc huy hiệu mang hình vị Tổng tư lệnh đã được các bạn trong BTC hỗ trợ để cài lên ngực áo những khách hàng đến tham dự triển lãm, điều thú vị của buổi hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ 103 của Tổng tư lệnh, do đó những chiếc huy hiệu là một sự bất ngờ đến thú vị của mỗi một vị khách. Trong ảnh là GS, HS Trần Huy Oánh – một cây đại thụ trong hội mỹ thuật Việt Nam đến tham dự từ rất sớm, ông dành thời gian thăm quan kĩ các bản thảo đặt dưới sân rồi sau đó mới tiến vào hội trường.

Cũng như mọi lần của những hoạt động của Hội Quán Di Sản đều được chào đón bằng những cơn mưa, mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhưng dòng người đồ về hội trường càng lúc càng nhiều, đủ các giới từ chính khách, quân đội, các nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ, điêu khắc, công chúng quan tâm đến sự kiện đặc biệt này, BTC bất ngờ với sự tham gia đưa tin của giới truyền thông, chứng tỏ những hành động của những người thực hiện dự án đang đi đúng hướng.

Maket tạo hình vị Tổng tư lệnh được minh họa do HS Đặng Xuân Hùng đảm nhận, Đại tướng có rất nhiều tác phẩm mỹ thuật của nhiều họa sĩ, nhiều tượng của các nhà điêu khắc, nhưng đây là lần đầu có một ekip thực hiện từ khâu tạo hình bằng hội họa, tìm hình, tạo khối để phân tích và tìm ra đặc điểm là tiền đề cho việc thể hiện các kế hoạch trong quá trình triển khai điêu khắc.

Mỗi một người đều được nhận từ BTC một huy hiệu, không chỉ là lần đầu tiên xuất hiện huy hiệu Đại tướng mà sự xuất hiện được diễn ra trong không khí của buổi ra mắt dự án và trong ngày kỉ niệm sinh nhật 103 tuổi của ông, những chiếc huy hiệu càng trở nên ý nghĩa và quan trọng hơn bao giờ hết.

GS, NG, nhà điêu khắc Vương Học Báo – tác giả của bức tượng nổi tiếng về vị anh hùng Áo vải – Hoàng Đế Quan Trung đã đến từ sớm chia sẻ thông tin cho báo chí và hỗ trợ giải thích ý nghĩa và lý do việc tham gia vào dự án, điều thú vị là nhiều vấn đề về quá trình tạo hình hình tượng Vua Quang Trung lần đầu các báo chí được biết rõ hơn, mặc dù pho tượng được đặt tại Gò Đống Đa trong gần 20 năm qua.

Trung tướng Phạm Hồng Cư – vừa là cộng sự của Đại tướng, vừa là người anh em cọc chèo với Đại tướng, khi biết Anh Văn được thực hiện tạo hình điêu khắc trong đợt đầu của dự án rất phấn khởi và ông đã chia sẻ nhiều thông tin cũng như đánh giá vai trò và tính cấp thiết của dự án, đồng thời ông cũng thấy rất vui là buổi khai mạc hôm nay được diễn ra tại Hội trường bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – bởi Đại tướng chính là người góp phần viết lên trang sử cận đại, trong ngày vui kỉ niệm 103 năm ngày sinh vị Anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Trời mưa nặng hạt cũng không ngăn được dòng người đến với sự kiện, hội trường tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam đã kín chỗ, các phóng viên và nhà báo tác nghiệp phải nhường ghế cho khách mời, sức hút của dự án và sự quan tâm của đông đảo mọi người về vị Tổng tư lệnh càng làm ý nghĩa của buổi ra mắt thêm trang trọng.

Cơ quan truyền thông ý thức việc tác nghiệp khi họ dành vị trí tốt nhất và không làm cản trở tầm nhìn của khách mời. Thật sự ấn tượng với hình ảnh này.

Thay mặt BTC nhà sử học Dương Trung Quốc có đôi lời phát biểu và giới thiệu những vị khách đặc biệt đã tham dự ngày hôm nay, trong những vị khách mời có Nguyên UVBC, nhiều chính khách, các tướng lĩnh cao cấp trong quân đội, nhiều nhà văn hóa, đặc biệt rất nhiều các cựu chiến binh từng trực tiếp, gián tiếp được làm việc với Đại tướng cũng đến tham dự, đại diện dòng họ Ngô và ban quản lý di tích đền Cơ Xá (nơi thờ Việt Quốc Công) cũng đến.

VS, NG Phan Huy Lê thay mặt Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá tầm quan trọng của cấp thiết của dự án, ông gửi lời hỏi thăm sức khỏe đến Đại tướng thông qua sự hiện diện của gia đình Đại tướng, lời chúc đến UVBCT Vũ Oanh, đến nhiều tướng lĩnh cao cấp và những khách mời tham gia sự kiện ngày hôm nay.

Hội khoa học lich sử Việt Nam cũng gửi tặng món quà sinh nhật lần thứ 103 đến Đại tướng, đây là phiên bản của bức tranh nổi tiếng được vẽ từ thời nhà Trần với tên gọi “Trúc lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ” một món quà rất ý nghĩa đã tạo nên một sự trầm trồ của cả hội trường.

“Tôi đến đây với tư cách là tác giả bức tượng Quốc công tiết chế – Hưng Đại Đại Vương Trần Quốc Tuấn” bởi thế xin được sử dụng với đúng tên gọi của mình là nhà điêu khắc, đó là một sự chia sẻ rất khiêm nhường của thứ trưởng Bộ văn hóa thể thao và du lịch. Đứng ở cương vị của một nhà điêu khắc ông mong muốn việc thực hiện những phiên bản thu nhỏ góp phần vào việc quảng bá và phát huy những giá trị mà tiền nhân đã để lại.

GS, NG, nhà điêu khắc Vương Học Báo – tác giả của bức tượng nổi tiếng về vị anh hùng Áo vải – Hoàng Đế Quan Trung đã chính thức công bố việc tham gia với tư cách là cố vấn chuyên môn về điêu khắc cho dự án, đồng thời với tư cách là tác giả pho tượng về Vua Quang Trung ông cũng nhấn mạnh những giá trị và ý nghĩa của pho tượng, trải qua gân 20 năm pho tượng là một phần của địa danh lịch sử rất ý nghĩa – Gò Đống Đa và ông cũng nêu những tiềm năng và hướng đi bền vững cho dự án.

Sự trầm tư của Trung tướng Phạm Hồng Cư, lắng nghe của nguyên UVBCT Vũ Oanh.

PGS, nhà phê bình lý luận Nguyễn Đỗ Bảo phát biểu với tư cách là người phản biện cho dự án, ông thẳn thắn chia sẻ những mặt tích cực của bước đầu dự án và đồng thời cũng mong muốn nhận được sự phản hồi của đông đảo mọi người để giúp cho BTC có được những nhận xét có tính thiết thực nhất.

Hs Nguyễn Doãn Sơn – người thực hiện bức tranh sơn dầu khổ lớn – Trường Ca đã dành nhiều thời gian để tổng kết và đưa ra những đồ án để xây dựng một tác phẩm hội họa tái hiện cả cuộc đời và những đóng góp của Tổng tư lệnh và qua những lời tâm sự trên anh cũng khằng định với BTC sự đúng hẹn của tác phẩm

Trung tướng Phạm Hồng Cư Nguyên là phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, với tuổi đã cao, sức khỏe kém (do bệnh tim) nhưng ông vẫn đến tham dự, khi được mời phát biểu ông nói trong niềm cảm xúc dâng trào bởi ông và nhiều cộng sự – những người trực tiếp, gián tiếp làm việc với Đại tướng cảm thấy vinh dự khi biết Đại tướng sẽ được làm tượng trong đợt đầu. Qua đó ông cũng nhấn mạnh vai trò và tính giáo dục phải đi đối với thực tiễn, hãy đưa những việc làm gần và đi vào với đời sống nhân dân chính là thể hiện lòng yên nước. Cảm xúc ruột gan của vị tướng trải qua trận mạc, thăng trầm của cuộc đời đã làm cho hội trường lặng đi.

Nguyên Giám đốc bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, AHLLVT thiếu tướng Lê Mã Lương chia sẻ rất thẳng thắn (thể hiện đúng với tính cách của ông) về việc làm hết sức ý nghĩa và cụ thể, ông mong rằng dự án sớm đi vào đời sống.

Nguyên phó chủ tịch tp Hà Nội ông Kim Trung rất hồ hởi và chia sẻ những kinh nghiệm về quá trình xây dựng tượng đài Lý Công Uẩn tại Hồ Gươm, qua đó ông mong muốn BTC có được kinh nghiệm để hoàn thiện dự án sớm và đảm bảo chất lượng chuyên môn cao.

Đại diện ban quản lý Đền Cơ Xá (nơi thờ Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt) xúc động đọc cảm tưởng khi được xem những bản thảo xây dựng hình tượng đệ nhất Danh tướng Hà Thành, hàng nghìn năm qua hình tượng và những đóng góp to lớn của Việt Quốc Công là động lực thúc đẩy sự trưởng thành của thế hệ kế cận.

Nhà báo, bà Laydy Bonton thể hiện một phong thái tuyệt vời, khi chia sẻ những kỉ niệm bà từng làm việc với Đại tướng, hơn 40 năm làm việc tại Việt Nam dự án Danh tướng Việt Nam đã tạo cho bà ấn tượng mạnh bởi tính cấp thiết của dự án và là nơi để bà chia sẻ đến với công chúng Việt Nam về những gì bà và thế giới đã biết, viết về Đại tướng. Đánh giá khách quan để thấy vai trò và tầm vóc của vị anh Cả của quân đội nhân dân Việt Nam thật là to lớn.

Thay mặt gia đình Đai tướng Võ Nguyên Giáp chị Võ Hòa Bình lên nhận kỉ vật là món quà BTC gửi đến chúc 103 tuổi của Đại tướng. Đó là bản thảo và tiêu bản thu nhỏ Hưng Đạo Đại Vương- Trần Quốc Tuấn.

Chị Võ Hòa Bình thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn và rât xúc động và bất ngờ vì được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tổ chức sinh nhật cho Ba mình bằng một việc làm hết sức thiết thực.

Trao đổi bên lề của hai nhà văn hóa

Hướng về cội nguồn, tự hào đi lên từ những nền tảng của cha ông là xu hướng, là mong muốn của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Có hình ảnh đặc trưng làm vật phẩm cho mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là vật phẩm về tiên tổ, về những vị anh hùng là mong muốn hết sức chính đáng của công chúng Việt trong thời đại ngày nay.

Dự án “Danh tướng Việt Nam” với tạo hình về bốn nhân vật lịch sử. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn dựa trên nguyên mẫu bức tượng của NSUT, Họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Duy Biên; Hoàng Đế Quang Trung dựa trên nguyên mẫu bức tượng của PGS, nhà giáo, nhà điêu khắc Vương Học Báo.

Hình ảnh về Việt quốc công Lý Thường Kiệt do họa sĩ Hà Dũng Hiệp thiết kế; và tạo hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp do họa sĩ Đặng Xuân Hùng thiết kế, đặc biệt trong sự kiện lần này sẽ ra mắt bản thảo bức tranh hoành tráng với tiêu đề “Trường Ca” dự tính dài trên 16m do họa sỹ Nguyễn Doãn Sơn thực hiện về cuộc đời thân thế và sự nghiệp của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả sẽ được thể hiện sắc sảo, tinh tế trên bản vẽ khổ lớn được trưng bày, giới thiệu để tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn cũng như của đông đảo người tham dự.

Buổi lễ ra mắt được tổ chức vào hồi 8h30 tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A – Điện Biên Phủ – Ba Đình – Hà Nội.

Sự kiện có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử; các tướng lĩnh, cùng các chuyên gia, họa sĩ, nhà điêu khắc trong lĩnh vực nghệ thuật.

Sau buổi ra mắt, các mẫu tặng vật trong dự án sẽ tiếp tục được trưng bày tại không gian của Bảo tàng Lịch sử và Quân sự Việt Nam cho đến hết ngày 10 tháng 9 năm 2013 để đón  nhận sự đóng góp ý kiến của đông đảo công chúng.