Hiếu đễ: đạo lý căn bản trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Việt 03/03/2018

Hiếu là một khái niệm thuộc phạm trù luân lí đạo đức phổ biến tại các quốc gia nằm trong vòng văn hóa Trung Hoa. Khái niệm này bắt nguồn từ chữ Hán. Về mặt từ nguyên chữ Hiếu (孝) gồm 2 bộ phận chữ lão 老ở trên chỉ người già, chữ tử子ở dưới chỉ con cái. Chữ này mô tả hình ảnh một người con cõng người cha già (hoặc mẹ) đi trên đường có nghĩa là Hiếu Thuận. Khái niệm này đã được Nho giáo phát triển thành một khái niệm đạo đức rất quan trọng mà người thực hành lý thuyết Nho giáo lúc nào cũng cần phải giữ gìn nghiêm cẩn. Sách Luận Ngữ viết: “Học trò ở nhà thì phải có hiếu với mẹ cha, ra ngoài thì phải tôn kính bậc bề trên” (Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ). Tôn kính mẹ cha gọi là hiếu, tôn kính người bề trên gọi là đễ. Tựu chung lại Hiếu Đễ là sự tôn trọng hết mực với người ở phận vị trên mình, đó là nguồn gốc của mọi tôn ti, trật tự, thứ bậc trong trong xã hội. Tuy nhiên việc có hiếu với người trên thôi chưa đủ, biểu hiện cao nhất của đạo hiếu là ở việc tôn kính quốc gia, dân tộc đó mới là đại hiếu mà lý thuyết Nho giáo muốn giáo dục con người.

Vì có tôn kính, thương yêu cha mẹ, ông bà nên người ta mới thờ cúng, tưởng nhớ tới họ. Thờ phụng tổ tiên một cách ân cần, thận trong khi đã khuất như lúc còn sống là một biểu hiện căn bản của đạo Hiếu. Thế nên, người xưa đã chế định ra các lễ thức tang ma, phẩm phục, cúng bái, hiến tế người quá cố để an lòng những người đang còn sống và các truyền thống thờ cúng tổ tiên tươi đẹp đó vẫn còn lưu giữ tới ngày nay. Tuy nhiên do sự phát triển của xã hội, những truyền thống tín ngưỡng đó đang bị mai một dần hoặc bị biến tướng trở thành mê tín, dị đoan. Ví dụ như tục đốt vàng mã, bản nguyên là một thực hành tôn giáo nguyên thủy hiến tế các đồ tùy táng cho người chết. Sau này do vật chất thiếu thốn nên thay vì hiến tế vật phẩm thật người xưa chế ra minh y, tiền giấy tượng trưng để tiết kiệm. Thế nhưng hiện nay người ta lạm dụng việc đốt vàng mã, đốt vô tội vạ vừa phung phí lại gây ô nhiễm tới môi trường.

Nhân dịp năm mới 2018, TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra công văn số 31 đề nghị loại bỏ tục đốt vàng ở trong nhà chùa. Đây quả thực là một quyết định dũng cảm và sáng suốt của Giáo Hội. Ví dụ trên đây về tục đốt vàng mã là hệ quả do những ngộ nhận sai lầm đạo Hiếu một cách thái quá, cực đoan mang lại. Trên thực tế còn tồn tại rất nhiều hiện tượng như vậy. Do đó Hội Quán Di Sản tổ chức buổi tọa đàm văn hóa mang tên: “Ngày Tết nói về đạo Hiếu” sẽ cho chúng ta một cái nhìn tổng thể hơn về các phương diện biểu hiện tốt đẹp đạo Hiếu và lòng yêu nước của người Việt. Hơn nữa, mục tiêu của buổi Tọa Đàm này còn hướng tới giải thích những ngộ nhận về khái niệm chữ Hiếu đang được thực hành trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đương đại.

#HoiQuanDiSan

#BanThoViet