Quan Vân Trường và ‘quả đắng’ từ thói ngạo mạn 22/03/2018

Trong mắt người đời, Quan Vũ là bậc danh tướng vũ dũng, nghĩa khí. Nhưng dưới cái nhìn của các sử gia, ông quá ngạo mạn, cái chết của Vân Trường là “quả đắng” của thói cậy tài.

Sai lầm chết người từ tính ngạo mạn

Quan Vân Trường là tướng tài, dũng khí hơn người nhưng ông mắc khuyết điểm là quá kiêu ngạo, cậy tài.

Các nhà sử học đánh giá Quan Vũ là người vũ dũng nhưng kiêu ngạo, không chịu ở dưới người khác, dẫn đến bất hòa nội bộ, phá hỏng liên minh.

Quan Van Truong va 'qua dang' tu thoi ngao man hinh anh 2
Quan Vân Trường chém đầu Nhan Lương. Ảnh minh họa.

Năm 214, nghe tin Mã Siêu hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Vân Trường đang ở Kinh Châu bèn viết thư hỏi Gia Cát Lượng: “Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể sánh với ai?”.

Biết tính Quan Công, Khổng Minh phải lựa cách trả lời để không phật lòng ông: “Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài!”.

Mấy câu này xoa dịu sự bất mãn trong lòng Quan Vũ, ông thậm chí đắc ý, mang thư khoe với nhiều người.

Năm 219, Lưu Bị lên ngôi, phong Vân Trường làm Tiền tướng quân và lão tướng Hoàng Trung làm Hậu tướng quân. Quan Vũ thấy mình ngang hàng với Hoàng Trung thì không bằng lòng, không chịu nhận ấn tín.

Phí Vỹ lựa lời khuyên ông nên vì nghiệp lớn của Lưu Bị, ông mới tỉnh ngộ và thụ phong.

Ngoài ra, Vân Trường còn bị đánh giá chỉ trọng sĩ tốt, coi rẻ sĩ phu. Ông thậm chí từng phạt đánh một vị tướng phạm sai lầm rồi lại sai người đó trấn giữ chỗ trọng yếu.

Quan Vân Trường không theo sách lược Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền mà còn phá vỡ sách lược này. Người đời thậm chí khẳng định trong thế Tam Quốc, thành tại Khổng Minh, bại tại Quan Vũ.

Khi ông đối chọi với Tào Ngụy tại Kinh châu, Tào Tháo sai người hẹn Tôn Quyền hợp công Quan Vũ. Trước khi quyết định, Tôn Quyền phái sứ giả tới cầu hôn con gái Vân Trường cho con trai mình để thăm dò thái độ.

Tiếc rằng, lúc đó, Quan Công hoàn toàn quên hết lời dặn của quân sư Khổng Minh, không chỉ cự tuyệt hôn ước mà còn nhục mạ sứ giả và Tôn Quyền.

Câu nói “nòi hổ không thể gả cho giống chó” của ông xúc phạm nặng nề nhà Đông Ngô, phá vỡ chủ trương chiến lược của Gia Cát Lượng. Vì thế, các sử gia đánh giá việc Tôn Quyền ngầm hàng Tào Tháo, giết Quan Vũ chính là “quả đắng” do ông quá ngạo mạn.

Kinh Châu thất thủ cũng là kết cục từ thói khinh người của Quan Công. Hai tướng My Phương và Phó Sỹ Nhân dưới trướng Quan Vũ vốn bất mãn với ông từ lâu.

Thêm vào đó, trước khi Vân Trường xuất chinh đánh Vu Cấm, hai người do thiếu sót trong việc cung cấp quân nhu, bị ông đe dọa về sẽ trị tội. My – Phó vì thế mà lo sợ bất an, cuối cùng bị Tôn Quyền dụ hàng, dễ dàng dâng hai thành Giang Lăng và Công An.

Sau này, tác giả Tam Quốc chí đánh giá khá công bằng về Quan Vân Trường: “Quan Vũ sức địch vạn người, hổ thần một thời. Vũ báo ơn Tào Công, có phong độ quốc sĩ. Nhưng Vũ cương và tự phụ, lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”.

Nguyễn Sương

Nguồn: https://news.zing.vn/quan-van-truong-va-qua-dang-tu-thoi-ngao-man-post686358.html