Sự thật thú vị về chiếc ấn uy lực nhất triều Nguyễn có thể bạn chưa biết 06/03/2024

Kim bảo Quốc gia tín bảo dùng đóng trên các văn kiện triệu tập các tướng lĩnh, phát động binh sĩ, trưng binh nhập ngũ và một số văn kiện hành chính quan trọng khác vào giai đoạn Vua Gia Long trị vì (1802-1819). Sau cải cách đời Vua Minh Mệnh đất nước đã tương đối ổn định, Quốc gia tín bảo ít dùng hơn, nhưng vẫn được gìn giữ đến đời Vua Bảo Đại.


Hình ảnh núm ấn, mặt ấn và hình dấu Quốc gia tín bảo. Nguồn Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Kim bảo Quốc gia tín bảo 國家信寶 được đúc bằng vàng. Quai ấn hình rồng đứng, đầu quay lại, lưng cong, đuôi cụp lại. Mặt ấn đúc nổi 4 chữ Triện vuông vức “Quốc gia tín bảo”.

Trong thể chế quân chủ phong kiến Việt Nam, vua chúa nhà Nguyễn và hoàng đế các triều đại trước đều lấy Kim ngọc Bảo tỷ để biểu thị cho quyền lực tối cao của mình và vương triều. Kim ngọc Bảo tỷ là ấn của nhà vua dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại, ấn đúc bằng ngọc gọi là Ngọc tỷ, ấn đúc bằng vàng gọi là Kim bảo tỷ. Có thể nói, Bảo tỷ là báu vật của quốc gia và tượng trưng cho đế quyền. Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ chép: “Ấn báu của nhà nước để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lễ thì cực kỳ to lớn. Khi xưa triều ta mới bình định thiên hạ, đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta định chế độ, lập pháp luật, trăm việc đều mới, nhiều lần ban sắc lấy vàng đúc ra các quả ấn tín, như là: ấn Chế cáo chi bảo, ấn Quốc gia tín bảo, ấn Sắc chính vạn dân chi bảo, ấn Thảo tội an dân chi bảo, ấn Ngự tiền chi bảo và ấn Mệnh đức chi bảo” [1].

Chính sử chỉ ghi là đúc dưới triều Gia Long và trên Kim bảo không ghi rõ thời gian đúc ấn. Tuy nhiên, trong Châu bản triều Nguyễn chúng tôi tìm thấy hình dấu Quốc gia tín bảo sớm nhất đóng trên bản chiếu ngày 22 tháng Giêng năm Gia Long thứ 2 (1803) của Hoàng đế về việc soạn lại các sách của dân Man[2]. Như vậy, có thể khẳng định rằng Kim bảo Quốc gia tín bảo được đúc vào năm Gia Long thứ nhất (1802). Ấn hình vuông, bên trong khắc 4 chữ Quốc gia tín bảo bằng lối Triện thư, nét ngắn, dễ đọc, viền 1,5 cm, không trang trí.

Kim bảo Quốc gia tín bảo đóng lên dòng niên đại bản chiếu ngày 13 tháng Ba năm Gia Long thứ 5 (1806) của Hoàng đế về việc đổi bổ quan lại. Nguồn: TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn

Qua Châu bản triều Nguyễn, chúng tôi nhận thấy Kim bảo Quốc gia tín bảo được dùng đóng trên một số loại văn bản hành chính khác nhau, chứ không chỉ riêng có chức năng dùng đóng trên văn kiện “việc trưng binh, nhập ngũ, tuyên triệu tướng súy” [3] như trong lời dụ của nhà vua vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) mà chính sử đã ghi. Nguyên do là bởi giai đoạn Vua Gia Long trị vì (1802-1819) và một số năm đầu thời Vua Minh Mệnh, mọi quy chế chưa ổn định, số lượng kim bảo rất ít. Một minh chứng cho khẳng định trên là bản phụng biên ngày 15 tháng Ba năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) của Bộ Lễ rằng: “Tháng này có đóng dấu Quốc gia tín bảo vào một đạo sắc dụ gửi cho Quốc vương Vạn Tượng” [4]. Tuy nhiên, sau cải cách đời Vua Minh Mệnh đất nước đã tương đối ổn định, Kim bảo Quốc gia tín bảo ít sử dụng hơn, nhưng vẫn được gìn giữ đến hết đời Vua Bảo Đại.

Kim bảo Quốc gia tín bảo là ấn ngự dụng nên được quy định rất chặt chẽ trong việc cất giữ và sử dụng. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), nhà vua ban dụ rằng: “Đức Hoàng khảo ta dựng điện Trung Hòa, thực đáng sánh với cung Kiền Thanh nhà Đại Minh, đó là chính điện chỗ thiên tử ở. Vậy nên đem mấy quả ấn ngự dụng trước, tôn kính để vào gian chính giữa điện. Khi muốn dùng đến bảo ấn ấy, thì quan Đại học sĩ hiệp cùng viên Thượng bảo Phòng Văn thư tâu rõ lý do. Sau khi được lệnh chỉ cho phép, thì quan Nội giám bưng hòm bảo ấn ra điện Cần Chánh. Dùng bảo ấn xong thì niêm khóa lại ngay, đem để vào điện như cũ, chìa khóa do viên Thượng bảo giữ; lệnh này ban ra để về sau theo” [5]. Nghi lễ phải được thực hiện đầy đủ trước khi đóng ấn: “Nếu gặp những công việc quan trọng, phải đóng ấn Bảo tỷ to, thì phải phiến trình trước, nhưng phải đặt hương án ở gian thứ nhất bên tả điện Cần Chánh, cử quan Nội các bưng ra kính để lên án, hai người quản vệ đội mũ đầu hổ, mặc áo thêu con mãng, cầm gươm đứng chầu, viên ấn quan Nội các, bộ quan đương túc trực và thuộc viên Nội các đều mặc mũ áo chầu kính cẩn dùng đóng vào dòng viết riêng ra về niên hiệu ở phía trước của dụ chỉ” [6].

Triều Nguyễn quy định vị trí đóng Kim bảo Quốc gia tín bảo dưới thời Vua Gia Long lên chữ “niên”, lúc đóng đài lên chữ “niên”; Từ năm Minh Mệnh thứ 3 (1822): “Kính chiểu ấn vàng của quốc triều đóng ở giữa mặt niên hiệu phụng làm quy thức” [7] và được đóng trên chữ “mỗ niên”.

Mỗi năm cứ vào hạ tuần tháng Chạp âm lịch tại Hoàng cung, nhà Nguyễn cử hành lễ “phất thức”. Trước nhật kỳ, Nội các đem bản danh sách các Hoàng tử và văn võ đại thần trật nhất phẩm, các trưởng quan ở Nội các và Cơ mật viện để trình Hoàng đế chọn người cho dự lễ trên. Đến ngày hành lễ, thiết án giữa Điện Cần Chánh, Nội thần thỉnh các Bửu tỷ rồi đưa lên án. Các Hoàng tử và các quan lại mặt lễ phục kính cẩn bước vào kiểm thị một cách cung kính. Các hòm ấn cất lại chỗ cũ trước khi niêm phong cẩn thận. Đó là ngày phong ấn của triều đình hay còn gọi là lễ phất thức. Từ ngày này trở về sau, không được dùng những ấn này để đóng nữa mà phải đợi đến năm sau làm lễ Khai ấn mới dùng lại.

Đôi khi trong thời gian phong ấn gặp có việc khẩn cấp cần trình báo, giải quyết, nhất là những biến động về an ninh, quân sự, mà không được phép sử dụng ấn triện thì thật là trở ngại lớn, nên để giải quyết tình huống này vua cho phép các nha môn và viên chức tại Kinh cũng như tại các địa phương, trước khi làm lễ phong ấn, được đóng ấn sẵn trên một số tờ giấy trắng (khống chỉ) để dùng khi khẩn cấp cần đến.

Một ví dụ được khai thác từ Châu bản triều Nguyễn ghi chép việc đóng dấu vào giấy trống để kịp thời báo cáo nếu có diễn biến sự cố xảy ra, không bị chi phối bởi lệ phong ấn và khai ấn là bản tấu ngày 17 tháng Chạp năm Minh Mệnh 6 (1825) của Bộ Lại: “giờ Bính Thìn ngày 21 tháng Chạp, phụng hạp (niêm phong) dấu Kim bảo. Đến giờ Đinh Mão ngày 12 tháng Giêng sang năm mới khai dấu Kim bảo. Vậy xin theo lệ dùng dấu Hoàng đế chi bảo đóng vào 5 tờ giấy Long đằng hạng lớn và 5 tờ hạng trung, dùng dấu Quốc gia tín bảo đóng vào 10 tờ Long đằng hạng trung, 20 tờ giấy Hội. Lại dùng dấu Công đồng chi ấn đóng vào 50 tờ giấy Hội. Tất cả đều giao cho Phòng Văn thư lưu giữ để viết khi có việc”.

Trên Châu bản triều Nguyễn vẫn còn lưu lại ký ức về nghi thức thực hiện một trong những buổi Lễ phất thức cuối cùng của triều Nguyễn. Đó là bản tấu ngày 19 tháng Chạp năm Bảo Đại 18 (14.1.1944) của Ngự tiền văn phòng rằng: “phụng xét lệ hàng năm làm lễ phất thức bảo tỷ, chúng tôi đã làm phiến tâu xin đến ngày 24 tháng Chạp năm nay phụng hành phất thức. Nay tuân lệ xin liệt kê Hội đồng Thượng thư, Tôn nhân và các quan văn võ Nhị phẩm trở lên đến 8 giờ hôm ấy đều mặc áo chít xanh kính cẩn phụng hành. Vậy xin kính tâu lên Hoàng thượng xem xét đợi Chỉ tuân theo thi hành”[8].

Như vậy, đến những năm cuối cùng trước khi triều Nguyễn cáo chung, kim bảo tỷ vẫn được bảo quản và thực hiện các nghi lễ theo quy định.

 

[1] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, Nxb Thuận Hóa, 2005, tr.30.

[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.

[3] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb Thuận Hóa, 2005, tr.189.

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa, 2010, tr.1448.

[6] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 8, Nxb Thuận Hóa, 2005, tr.29.

[7] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb Thuận Hóa, 2005, tr.214.

[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.

 

Thu Thủy – Phòng Phát huy giá trị tài liệu