“Thiện – Ác phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”. (HCM)
Ngày nay hầu như mọi ngôi chùa ở miền Bắc đều có 2 vị Hộ pháp được bài trí ở Tiền Đường, gọi là tượng: Khuyến Thiện và Trừng Ác. Tượng Hộ pháp thường có niên đại từ thế kỷ XVI trở về sau. Tượng với thân hình vô cùng to lớn, trang phục như võ tướng, đầu đội mũ trụ, mặc áo giáp, thân thể vạm vỡ, ngồi trên sư tử hoặc Nghê, có sẵn khí giới để bảo vệ đạo pháp. Tượng Khuyến Thiện, dân gian vẫn gọi là “ông Thiện” thường tô mặt trắng, nét mặt thanh thản, đặt bên tay trái bàn thờ Phật (từ trong nhìn ra), tay cầm viên ngọc thiện tâm, là báu vật của Phật tử, khích lệ mọi người noi theo. Tượng Trừng Ác, dân gian quen gọi “ông Ác” thì tô mặt đỏ, đặt bên tay phải bàn thờ Phật; nét mặt thần giận dữ, lăm lăm vũ khí để trừng trị kẻ ác tâm như răn đe mọi người lánh xa con đường dẫn đến sa ngã.
Các pho tượng Hộ pháp trong chùa ở Bắc Bộ bao giờ cũng có kích thước lớn tới 3-4 m, đầu cao chạm nóc nhà. Những pho tượng Hộ pháp đẹp phải kể đến ở trong các ngôi cổ tự: chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Keo, chùa Thầy, chùa Mía… Chùa Mía ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) có tượng Khuyến Thiện và Trừng Ác, cao 1,7 m đến 3m với những họa tiết trang trí mũ áo, vũ khí, tinh xảo, dáng vẻ oai phong. Bộ tượng Hộ pháp bằng đất được coi là đẹp nhất là tượng ở chùa Bút Tháp. Nhưng kỷ lục về độ lớn của tượng Hộ pháp là hai pho ở chùa Thầy, với chiều cao đến gần 4m, lượng đất ước lượng vài tấn, bộ tượng này được đắp cách đây khoảng 400 năm. Tượng làm bằng đất nếu gặp mưa gió, bão lụt thì sẽ hỏng, do đó tượng Hộ pháp đắp bằng đất bắt buộc phải để trong chùa, sát vách tường để được che chắn. Nhờ vậy, có những pho tượng đã tồn tại hơn 400 năm mà vẫn đẹp.
Việc bày đối xứng hai tượng Hộ pháp to lớn ở hai bên tiền đường chùa nhằm tạo ấn tượng mạnh tới bất cứ ai khi vào chùa, thể hiện oai lực thần nghi hộ trì Tam bảo. Đồng thời, những nghệ nhân dân gian xưa cũng nói lên sự tồn tại biện chứng của hai bản nguyên Thiện-Ác trong tính cách của con người. Đây là hình thức giáo dục sâu sắc, nhằm nhắc nhở con người nên ăn hiền ở lành, không nên có ác tâm, làm người khác đau khổ; làm lành thì được các vị Thiện Thần ủng hộ, làm ác thì bị các vị Ác Thần trừng phạt, khiển trách.