Một trong những hoạt động trong năm 2012 của Hội quán Di sản
Trần Thanh Tùng – người sáng lập Hội quán Di sản là một thanh niên trẻ. Dường như đam mê tìm hiểu và giữ gìn vốn văn hóa cổ đã có sẵn trong máu. Cho đến khi đủ “vốn” (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng), đầu năm 2012 Tùng và các cộng sự đã bắt tay vào thành lập Hội quán Di sản (đại bản doanh đặt tại phố Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội). Hội quán trực thuộc Circle Group (gồm các công ty đầu tư và phát triển mỹ thuật ứng dụng). Tham gia hoạt động xây dựng Hội quán là những thành viên trẻ, rất tâm huyết và đam mê bảo tồn và phát triển, quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam. Tùng tự hào bởi hoạt động của Hội quán nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều giáo sư và các nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hóa dân gian.
Quyết tâm gìn giữ văn hóa truyền thống nên những người trẻ cũng đang bảo tồn di sản theo cách rất riêng của mình. Với tiêu chí phát huy, kết nối các yếu tố Văn hóa – Con người – Trí thức – Công nghệ, nên ngoài việc đào tạo và thu nạp đội ngũ nhân lực có trình độ, tổ chức nhiều sự kiện mang tính chất thuần Việt, Hội quán cũng đã mở thêm một “kênh” quảng bá chuyên hoạt động bảo tồn di sản trên internet. Đây là một trong những phương thức hoạt động hiệu quả, thu hút sự chú ý của nhiều người nhất. Ngoài trang website www.hoiquandisan.com, các bạn trẻ có thể tìm kiếm thông tin về Hội quán trên trang mạng xã hội facebook.
Nói về những hoạt động của Hội quán, Tùng tâm đắc: Chúng tôi rất vui khi càng ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến với các sự kiện được tổ chức tại Hội quán. Trong số đó, có những người đến để tìm hiểu những cái gì mà trước đó họ chưa quan tâm, chưa hiểu; có người đã từng đi qua sự kiện đó, nhưng đến bây giờ mới có cơ hội nhìn lại nó… Thậm chí, nhiều người Việt đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, tình cờ biết đến Hội quán di sản qua internet cũng tình nguyện cung cấp cho Hội quán rất nhiều tư liệu về văn hóa dân tộc, chỉ cho Hội quán những nhân vật mà trước đó họ chưa hề biết… “Khi gặp những con người đó, nhân vật đó, chúng tôi hiểu rằng những gì thuộc về quá khứ sẽ tiếp tục được gợi mở và sẽ được khám phá thêm” – Tùng cho biết.
Đưa di sản vào trong dòng chảy của đời sống là mục tiêu chung mà tất cả những người yêu di sản đang hướng tới. Nhưng với nhóm của Tùng và các cộng sự, vì họ là những nhà thiết kế nên họ đã chọn phương thức hoạt động mang tính chất tương tác mỗi khi tổ chức một sự kiện tôn vinh di sản. Đến tham gia hoạt động Sen Việt, Sáo Việt, tranh dân gian Đông Hồ… mọi người sẽ được tự do chia sẻ, góp ý, bàn luận… để cùng tìm ra cách tốt nhất nhằm gìn giữ và quảng bá những nét tinh hoa Việt ấy. Bằng kinh nghiệm của mình cũng như những kết quả đã nhìn thấy từ hoạt động của Hội quán Di sản, Tùng khẳng định: Những người trẻ sẽ là lực lượng chính để đưa hình ảnh của một Việt Nam hiện đại nhưng giàu truyền thống tới bạn bè năm châu bốn bể.
Những ngày cận kề năm 2013, Hội quán Di sản đang tất bật cho 23 sự kiện sẽ diễn ra trong một năm mới nhiều hứa hẹn. Trong đó bao gồm những hoạt động tôn vinh âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, ứng dụng… Đặc biệt đó là nghệ thuật dân gian. Trần Thanh Tùng cho hay, trong số 23 chương trình đó, có khoảng 60% tôn vinh văn hóa truyền thống, dân gian Việt, chẳng hạn tranh dân gian Đông Hồ, nặn tò he, rối nước, ẩm thực dân gian các vùng miền.
Một năm hoạt động chuyên tâm trong lĩnh vực bảo tồn di sản, Tùng và các cộng sự rất vui bởi hiện có rất nhiều cơ quan, tổ chức chuyên ngành quan tâm đến hoạt động của họ. Và chủ trương của Hội quán di sản là nhân rộng mô hình ra bằng nhiều cách, sẽ kết hợp theo phương thức cùng hợp tác, lan tỏa và cùng chia sẻ với cộng đồng.
Hương Lê
Nguồn: https://baomoi.com/hoi-quan-di-san-bao-ton-van-hoa-theo-cach-cua-nguoi-tre/c/10005308.epi