Sự ra đời của mô hình này được xem là một bước tiến dài trong lịch sử nghiên cứu, đánh giá giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn hai thập niên khai quật, nghiên cứu khảo cổ học.
Điện Kính Thiên là tòa điện quan trọng nhất nằm giữa trung tâm Cấm thành của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia như: lễ Đăng cơ (Hoàng đế lên ngôi), lễ Đại triều và lễ của triều đình đón tiếp sứ thần các nước…
Theo các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Kinh thành, những năm gần đây đã có hàng chục cuộc khai quật diễn ra xung quanh điện Kính Thiên. Kết quả khai quật và nghiên cứu có nhiều phát hiện mới và giá trị, cung cấp tư liệu khoa học cho việc nghiên cứu phục dựng cung điện này
Cuộc khai quật khảo cổ học năm 2002-2004 tại 18 Hoàng Diệu, phía Tây điện Kính Thiên, đã phát lộ các loại đấu xuyên tâm và loại bình áng đầu chim, là những manh mối đầu tiên và quan trọng gợi mở hướng nghiên cứu về hệ khung giá đỡ mái của kiến trúc cung điện thời Lê sơ.
Được gọi nôm na là hệ đấu củng, đây là một hệ thống gồm các ngàm và khóa có răng gỗ ăn khớp nhau, được đặt bên dưới mái hiên và trên cột chống, có tác dụng đỡ hệ mái, chịu lực và trang trí cho kiến trúc. Hệ này bao gồm các thanh ngàm (đấu-củng), bình áng và đấu.
Trong cuộc khai quật xung quanh khu vực điện Kính Thiên năm 2017-2018, các chuyên gia đã tìm được 70 cấu kiện gỗ của kiến trúc, bao gồm cột, xà góc, rui hiên, ván sàn, rường nóc trên bộ vì… nằm dưới đáy của một dòng chảy thời Lê.
Khi nghiên cứu hình dáng, kích thước, kỹ thuật tạo rãnh ngàm của các bình áng, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu kinh thành đã lắp ghép ba loại bình áng thành một cụm đấu củng hoàn chỉnh.
Ngoài ra, tại hố đào phía đông điện Kính Thiên, cùng vị trí phát hiện các loại bình áng, còn tìm thấy xà góc, rui hiên và thượng lương. Đây là những cấu kiện quan trọng liên quan đến kết cấu bộ khung giá đỡ mái và hình thái bộ mái của công trình kiến trúc đấu củng.
Điều đặc biệt là, nhiều cấu kiện gỗ có thể thấy còn nguyên lớp sơn thếp màu đỏ và màu vàng tô trên các họa tiết hoa văn. Phân tích cho thấy những lớp vàng này đều là vàng chất lượng cao.
Từ những dữ liệu khảo cổ này, kết hợp với nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Kinh thành đã có sự khảo sát, đối sánh với các hệ thống kiến trúc cung điện cổ tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trên cơ sở đó, họ phối hợp với C.M.Y.K Việt Nam – một công ty chuyên về lĩnh vực 3D – phục dựng 3D kiến trúc điện Kính Thiên.
Quá trình thực hiện kéo dài khoảng 5 năm, với công nghệ in 3D, scan 3D có hỗ trợ công nghệ mapping (trình chiếu). Bằng những suy luận, tài liệu, nghiên cứu sử liệu do Viện nghiên cứu Kinh thành cung cấp, ê-kíp thực hiện phục dựng đã đưa ra những hình ảnh tương đối sát với những dấu tích còn lại.
Sau quá trình phục dựng, mô hình 3D về chính điện Kính Thiên đã được trưng bày trang trọng tại sảnh chính Bảo tàng Hà Nội, đem lại cho công chúng một hình dung tương đối hoàn chỉnh về những lầu son gác tía của Hoàng thành Thăng Long trong một thời kỳ lịch sử huy hoàng.
Thành quả nghiên cứu này được xem là một bước tiến dài trong lịch sử nghiên cứu, đánh giá giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn hai thập niên khai quật, nghiên cứu khảo cổ học.