Trong quá trình nghiên cứu để thực hiện cuốn sách Họa Sắc Việt, chúng tôi nhận ra một thực tế rằng, không ít người quan niệm cái gì bắt nguồn gốc gác từ Việt Nam mới là văn hóa Việt Nam và câu nói “văn hóa Việt Nam có gì đâu, toàn là học Trung Quốc” dường như đã trở thành câu cửa miệng của đại đa số. Tuy nhiên, với một tinh thần cởi mở và tôn trọng mọi sự giao thoa về văn hóa, chúng tôi vẫn luôn giữ vững một quan điểm: Những người có đóng góp cho văn hóa Việt Nam dù là người nước ngoài thì đó cũng là một phần của văn hóa Việt Nam. Những gì có ảnh hưởng từ Trung Quốc hay bất kì quốc gia nào khác thì ta cũng nên ghi nhận và tiếp tục phát triển theo hướng riêng, không nên vì sự yêu ghét mà chối bỏ, phủ nhận quá khứ.
Trong phạm vi của bài viết và giới hạn về kiến thức, chúng tôi sẽ không bàn về văn hóa trong một khái niệm mang nội hàm rộng mà chỉ lựa chọn một chủ đề rất nhỏ để phân tích: tranh dân gian Việt Nam và sự TIẾP BIẾN văn hóa từ Trung Quốc. Dưới góc nhìn khách quan của người nghiên cứu mỹ thuật dân gian và ứng dụng vào thiết kế đương đại, S River team sẽ phân tích những điểm giống và khác nhau giữa ba bức Đám cưới chuôt của tranh Hàng Trống, tranh Đồng Hồ và tranh Trung Quốc để bạn đọc có thể có một cái nhìn công tâm nhất về sự ẢNH HƯỞNG và cách TIẾP NHẬN văn hóa của những người nghệ nhân xưa.
1/ Về đề tài
Nguyên gốc của tranh dân gian Trung Quốc có tên là Miêu thần (Mèo thần), với nội dung chủ đề là: bảo vệ mùa màng, của cải của gia đình, chống lại nguy cơ tàn phá của loài chuột khi đến mùa giao phối của chúng.
Cùng đề tài này, ở tranh của Ta đã chuyển nội dung chủ đề từ Mèo – bảo vệ mùa màng, chuột – phá hoại của cải, cuộc sống, sang nội dung chủ đề: phải đút lót cho tham quan, ô lại (mèo) để bảo vệ cho cuộc sống yên lành, hạnh phúc của người dân (chuột), mang nhiều ý nghĩa châm biếm hiện thực xã hội, có tính chất hài hước, hóm hỉnh. Cách xử lý đề tài này của nghệ nhân Việt đã cho thấy sự sáng tạo và phát triển lên, không chỉ đơn thuần phản ánh hiện thực như tranh nguyên bản của Trung Quốc.
2/ Về nghệ thuật tạo hình
Trong bức Miêu thần của Trung Quốc, người vẽ tả rất kỹ từng chi tiết của đối tượng, nhân vật và bối cảnh đều rất tập trung vào tiểu tiết và tuân thủ quy luật phối cảnh xa – gần: bộ lông mèo được tỉa tót kỹ càng, nhe nanh, giương vuốt được tả rất thực, bên cạnh đàn chuột được nhân cách hóa cũng được vẽ đầy đủ các chi tiết đến độ tỉ mỉ, tinh vi.
Quay trở lại với tranh dân gian Việt Nam, phương châm cơ bản của tranh Hàng Trống và Đông Hồ là cần sống hơn cần giống (cần sinh động hơn là cần đúng như thật). Cụ thể, với cách tạo hình đơn giản, vẽ theo mảng lớn, đi vào tổng quát của bức thanh thay vì tập trung vào những tiểu tiết của đối tượng, hai bức tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ tạo được cảm giác gần gũi, phóng khoáng. Cũng không tuân theo luật phối cảnh xa – gần như tranh Trung Quốc, hai dòng nhân vật trên dưới trong tranh Việt tạo không khí tấp nập nhộn nhịp, vui mắt, dáng hình phong phú đa dạng.
Phong cách tạo hình này cho thấy xu hướng diễn đạt của nghệ thuật trang trí, rất gần gũi với xu hướng nghệ thuật điêu khắc dân gian trong các đình làng Việt Nam xưa. Đây là một phong cách nghệ thuật có bản sắc dân tộc, không chỉ thể hiện trong hai bức tranh này mà còn thể hiện trong đại đa số tác phẩm của các dòng tranh dân gian Việt Nam nói chung.
3/ Về màu sắc
Có thể thấy trong bức tranh dân gian của Trung Quốc, người nghệ nhân chỉ dùng màu xám với các sắc độ đậm nhạt để tả lông chuột.
Còn người nghệ sĩ dân gian Việt Nam sử dụng màu sắc linh hoạt hơn với màu tự chế từ những nguyên liệu bản địa, tạo nên dấu ấn đậm nét cho dòng tranh truyền thống của địa phương mình.
Tranh Hàng Trống dùng những màu phẩm đặc trưng: vàng, hồng, xanh lam và cam, với cách phệt màu phóng khoáng và những đoạn “lé màu” (phần màu bị lệch ra khỏi nét đen) rất duyên cho thấy cái “thần” bút của người nghệ nhân xưa.
Trong khi đó, bức tranh điệp, in bằng các màu tự nhiên: xanh, vàng, đỏ và đen đã tạo nên cho bức Đám cưới chuột của dòng tranh Đông Hồ một phẩm chất nghệ thuật đặc sắc, được công chúng hết sức yêu quý
Như vậy, đứng trước một tồn tại của lịch sử khách quan là sự ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc, chúng ta đã bình tĩnh gạt bỏ những thứ không phải là của mình nhưng cũng bình tĩnh tiếp nhận tinh hoa văn hóa một cách có chọn lọc để làm cho tác phẩm nghệ thuật Việt Nam phù hợp với cảm nhận thẩm mỹ của người Việt và tạo nên một bản sắc văn hóa riêng cho dân tộc.
Chúng ta thừa nhận đề tài tranh Đám cưới chuột có nguồn gốc, ảnh hưởng của tranh dân gian Trung Quốc. Nhưng bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng, phong cách nghệ thuật riêng, nghệ nhân dân gian Hàng Trống và Đông Hồ đã xây dựng nên hình tượng nghệ thuật thoát khỏi ảnh hưởng của tác phẩm nguyên gốc.
——-
Bài viết có tham khảo tư liệu từ cuốn sách “Tranh dân gian Hàng Trống – Hà Nội” của họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuât Phan Ngọc Khuê. S River team cũng trân trọng cảm ơn sự tư vấn nhiệt tình của bác đã giúp chúng tôi thực hiện bài viết này.
——-
Dự án Hoạ Sắc Việt
Nguồn: https://www.facebook.com/hoasacviet.vn/posts/531593460526897