Văn hóa Tết và Tết Văn hóa 29/12/2017

Tết là một sinh hoạt văn hoá cổ truyền quan trọng – nếu không nói là quan trọng nhất…

Tết là một sinh hoạt văn hoá cổ truyền quan trọng – nếu không nói là quan trọng nhất của người Việt ở đồng bằng. “Năm hết Tết đến”, mọi công cuộc làm ăn – sản xuất – trước hết là sản xuất nông nghiệp – đều dần dần giảm thiểu đến mức tối đa – thậm chí ngày trước có khi tạm ngưng hẳn – để đổ dồn cho việc sửa soạn cái Tết, tắm mình trong không khí Tết, hưởng thụ Tết, sinh hoạt Tết rồi thư dãn sau Tết. “Ra Giêng ngày rộng, tháng dài…”

Chúng ta cùng nhau tiếp cận cái Tết cổ truyền dưới góc nhìn văn hoá học và sự biến đổi của Tết trong bối cảnh đời sống mới, văn hoá mới…

 Tên gọi và định nghĩa – phân loại

Một cách chặt chẽ, Tết bắt đầu từ ngày mồng Một tháng Giêng đầu năm mới theo lịch cổ truyền mà ta quen gọi là Âm lịch – thật ra là Âm – Dương hợp lịch, vì “Tháng” được tính theo trăng (từ “mồng một lá trai, mồng hai lá lúa – đến ba mươi không trăng), còn “24 tiết” trong năm được định theo mặt trời; ấy là không kể lịch -còn được điều chỉnh theo sao, “nhật – nguyệt – tinh” đều được tham chiếu để làm lịch, đó không phải là lịch thuần Âm hay thuần Dương.

Tết là ngày đầu năm mới, trước hết và quan trọng nhất là “mồng Một”, rồi bao hàm cả “3 ngày Tết” (từ mồng Một đến mồng Ba). Nhưng, trong ngôn ngữ cổ truyền của người Việt, bắt đầu từ 23 tháng Chạp năm cũ, người ta gọi là “23 Tết” (ít ai gọi là 23 tháng Chạp), cứ thế kéo dài đến “30 Tết” (30 tháng Chạp). Đêm ấy – hay nửa đầu đêm ấy – được coi là tối tăm nhất trong năm – “tối như đêm Ba Mươi Tết, dầy như đất” – Và “ông Hùm” được bảng giá trị cổ truyền coi là thế lực đáng sợ nhất, tối tăm nhất nên lại được gọi một cách tượng trưng – văn hoá là “ông Ba Mươi”. “30 Tết”, qua “Giao thừa” lại được gọi là “Mồng Một Tết” rồi “Mồng Hai Tết” v.v cho đến ít nhất là “Mồng Bảy Tết” v.v

Thật ra lễ lạt đầu năm mới được gọi thu gọn là Tết chứ nếu gọi một cách đầy đủ thì dân gian nói là Tết Cả hay gọi theo “tên chữ” (Hán – Việt) là Tết Nguyên Đán. Nguyên là “đầu tiên”, Đán là “buổi sớm”. Theo nguyên nghĩa, “Nguyên đán” là buổi sớm đầu tiên của ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của năm mới. Vậy “Tết Nguyên đán” là “Tết đầu năm mới”.

Còn Tết Cả nghĩa là Tết hàng đầu, Tết đứng đầu, Tết to nhất và quan trọng nhất. Với tên gọi ấy, trong tâm thức dân gian đã tiềm ẩn cái ý là sau Tết Cả, có những tết khác, “Tết con”, Tết không to bằng, không quan trọng bằng Tết Cả.

Mà quả vậy. Dân ta còn gọi nhiều lễ lạt nữa trong năm là “Tết”, thí dụ “Tết mồng ba tháng Ba” (Hàn thực hay “tiệc bánh trôi”), “Tết Đoan Ngọ” (mồng 5 tháng 5), Tết “Trung thu” (Rằm tháng Tám), “Tết cơm mới” (Thường tân, mồng 10 tháng 10 hay mồng 1 tháng 10 tuỳ vùng).

Vậy thì trong lịch lễ lạt cổ truyền, có Tết Cả hay Tết Nguyên đán và những cái Tết khác trong năm, Tết con, Tết nhỏ. Nói theo ngôn ngữ trí tuệ hôm nay có 1 cái Tết (viết hoa) và nhiều cái tết (viết thường).

Vậy Tết theo nghĩa rộng bao hàm những định kỳ lễ lạt trong năm, quanh năm. Tết nhân văn vẫn nương theo thời tiết tự nhiên chuyển vần theo mùa vụ một năm, chẳng hạn tết Đoan Ngọ là khoảng trước sau ngày Hạ chí, tết Cơm mới ở khoảng tiết Đông chí, tết Trung thu ở khoảng tiết Thu phân v.v… Tết Cả hay Tết Nguyên đán là nương theo cái tiết Lập Xuân. Có điều là giữa cái Văn hoá và cái tự nhiên có một độ dung sai nhất định, không hoàn toàn trùng khít với nhau.

Theo văn hoá học và lễ hội học, Tết Nguyên đán cũng có thể được xếp loại vào Hội mùa là một lễ lạt, sinh hoạt văn hoá theo mùa. Vậy Tết Nguyên đán là một Hội lễ nông nghiệp, một nghi thức nông nghiệp.

Cội nguồn

Không gian văn hóa – xã hội của Tết Nguyên đán là Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Cả Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản đã có những thời kỳ dài tuyên bố chính thức bỏ cái Tết này vì đều sinh hoạt theo lịch mới Âu Tây – gọi là Dương lịch. Ở Việt Nam lẻ tẻ có ý kiến bỏ lịch cổ truyền và bỏ Tết nhưng Bác Hồ không đồng ý và nhân dân cũng phản ứng mãnh liệt. Nước ta chưa bao giờ bỏ Tết, dù đã chính thức dùng Dương lịch trong các công sở, cơ quan Nhà nước từ hàng trăm năm nay. Điều đó chứng tỏ với thời gian và văn hiến nghìn năm, cái tết đã hằn sâu trong tâm thức dân gian Việt Nam. Nhiều nơi ở nước ta, nhất là trong nhân dân đô thị, người ta đã “quên dần tết Hàn Thực, tết Cơm mới, cả tết Đoan Ngọ nữa – Nhưng Tết Nguyên đán đầu Xuân và Tết giữa Thu thì cả đô thị lẫn nông thôn đều không bỏ. Cho dù đó là những nhân tố ngoại sinh thì chúng đã được hội nhập hoàn toàn vào cấu trúc văn hoá Việt Nam.

Ai cũng biết Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam là những vùng “ngoại biên” của văn minh Trung Hoa và chịu ảnh hưởng đậm đà theo những khía cạnh khác nhau, với những nồng độ khác nhau, độ sâu nông khác nhau và những góc khúc xạ khác nhau của văn minh Trung Hoa. Một cái Tết chung cho cả 4 nước trên dễ cho người ta cảm nhận rằng Tết đó vốn có cội nguồn Trung Hoa.

Trong các tộc người của cộng đồng quốc gia Việt Nam, tộc Việt chịu ảnh hưởng Trung Hoa sớm nhất và mạnh nhất và cũng “văn hiến” nhất. Có sự giao thoa văn hoá Việt Hoa – cả cưỡng bức và tự nguyện – qua hơn ngàn năm Bắc thuộc, bắt đầu từ hàng thế kỷ trước công nguyên, rõ rệt nhất là thời Hán Vũ đế (111 tr CN). Tết trước hết là Tết của người Việt.

Tết như hiện nay bắt đầu khoảng trước Công nguyên hơn 100 năm, từ đời Hán và có cội nguồn đan xen văn hoá Việt – Hoa. Văn minh Trung Hoa bắt nguồn từ bình nguyên hoàng thổ Hoàng Hà, cùng với sự bành trướng của người Hoa xuống phương Nam, đã tích tụ và hội nhập nhiều nhân tố văn hoá phương Nam, miền Việt cổ. Lâu dần, với văn tự và thư tịch Trung Hoa, mọi nhân tố văn hoá Việt cổ ấy đã được xem là của người Hoa và đã được “Hoa hoá”. Về sau, người ta gán mọi thành tựu sáng tạo văn hoá cho người Hoa. Sự thực văn minh Trung Hoa là kết quả tích tụ và kết tinh nhiều nhân tố văn hoá của nhiều tộc người – Hoa và phi Hoa – ở vùng Đông Á và Đông Nam Á.

GS.Trần Quốc Vượng

Triết lý Tết và nghi thức Tết cổ truyền

Tết là sự đón mừng Năm Mới, mừng cái Mới và hy vọng vào sự Đổi mới. Nhà Nho nói:

 “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân” (Đại học)

 (Mỗi ngày một mới, mỗi ngày một mới, lại mỗi ngày một mới).

Nhưng Nguyên – Đán là ngày đổi mới quan trọng nhất, vì đó là ngày Đầu năm mới.

Định kỳ Tết là theo chu kỳ năm.

Thời gian chu kỳ là thời gian nông nghiệp, thời gian của những nền văn minh thôn dã.

Người ta nương theo chu kỳ của cây cối, cây trồng:

 “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu, Đông tàng” (hay Thu hoàng, Đông tàn)

 (Mùa Xuân sinh sôi, mùa Hè tăng trưởng, mùa Thu gặt hái, mùa Đông chứa đựng).

Vì vậy Xuân là Sinh mà Xuân cũng có nghĩa là Xanh:

 “Cái hoa xuân nở, cái lá xuân xanh

Ai muốn chiết cành hãy đợi mùa xuân

Tết, dù được định ở trước hay sau ngày Lập Xuân tuỳ từng năm nhưng theo cái nhìn văn hoá – xã hội thì cũng ở sự mở đầu của mùa Xuân.

Triết lý Tết cổ truyền là cái nhìn tâm linh huyền thoại mang tính biểu trưng, với nhiều biểu tượng và pha mầu Đạo giáo. Bẩy ngày trước ngày đầu năm mới, tức 23 tháng Chạp là ngày chết tạm thời của vũ trụ, theo ước lệ. Bảy (7) là con số thiêng biểu tượng của vũ trụ, chỉ cái Toàn thể, như 3 hồn ở Tim; 7 vía ở Rốn trong toàn thể hồn vía một người đàn ông: như Đức Phật sơ sinh bên Ấn Độ bước đi 7 bước, tức khắp vùng thế giới.

Một ước lệ khác: Hôm ấy ông Công, ông Táo – vị thần tuy 3 mà 1 trong “Tam vị nhất thể” Thổ công – Thổ địa – Thổ kỳ của Đạo giáo được Việt Nam hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà”- vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc – bản nguyên của Nhà từ khi có lửa trong lịch sử loài người, “tách hẳn khỏi giới động vật” – cưỡi Cá Chép bay lên Trời để lại dưới hạ giới một cảnh tượng vô chủ – tâm linh. Ngày 23 Tết được gọi là Tết Ông Công Ông Táo. Người ta làm cỗ cũng tiến “ông Táo chầu Giời”, người ta mua cá chép sống rồi thả “phóng sinh” xuống ao hồ sông lạch. Nét biện chứng: Từ trong cái chết đã gieo mầm sự sống. Một nét biện chứng khác: Ngày 23 tháng Chạp, người ta dựng Cây Nêu. Cây nêu mang ý nghĩa phổ quát của Cây Vũ Trụ; còn gọi là cây Mặt Trời. Để xã hội hài hoà và tương thích với vũ trụ thì từ ngày 23 Tết mọi công việc làm ăn đồng áng – buôn bán – cũng tạm dừng; từ đây không ai được vào rừng khai thác, thu lượm cái gì nữa. Xưa các công thư huyện – tỉnh – trấn xứ và triều đình đều đóng cửa nghỉ việc từ hôm đó, sau khi đã làm lễ “hạp ấn” (niêm phong mọi con dấu, ấn triện…). Đến nhà tù – nói chung – cũng không tiếp nhận tù nhân mới. Tóm lại đó là sự dừng nghỉ hoàn toàn, để hợp với cái chết tạm thời của vũ trụ.

Nghi thức quan trọng thứ hai của Tết sau Tết Ông Công là giây phút Giao thừa, điểm thời gian chuyển tiết giữa năm Cũ – năm Mới, được huyền thoại quan niệm như sự giao hoà Âm – Dương, phối ngẫu Đất Trời, để từ trong cái Chết – Cũ nảy sinh sự Sống – Mới… Giao hoà, giao hợp là triết lý Phồn Thực.

Một ông Táo mới – hay cũ mà đổi mới – lại xuống trần thế làm chủ nhà – bếp – đất một năm mới. Người ta bầy một mâm cỗ cúng ở ngoài sân để đón ông, mừng ông. Người ta còn thay những Ông Đầu Rau cũ bằng những Ông mới.

Tín ngưỡng cơ bản của người tiểu nông Việt Nam trồng lúa nước cổ truyền, pha đậm đặc thêm bởi ảnh hưởng Đạo Nho, là sự thờ cúng tổ tiên.

Tháng 12 lịch cổ truyền là tháng Lạp – Chạp, người ta đi “chạp mả”, sửa sang, thắp hương trên các mộ phần, khấn khứa mời ông bà ông vải tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu…

Cùng với mâm cỗ cúng Ông Táo cũ 23 tết là cỗ cúng tổ tiên. Cùng với mâm cỗ cúng đón Ông Táo mới phút giao thừa ngoài sân là mâm cỗ cúng Tổ Tiên trên bàn thờ trong nhà, gian giữa.

Và 3 ngày hay 5 ngày đầu năm mới là 3 – 5 ngày thường xuyên sửa cỗ cúng Tổ Tiên hưởng “hương hoa”; còn con cháu thụ lộc trong tinh thần Cộng Cảm (communion) gia đình – thân quyến.

Tình cảm gia đình của người Việt Nam xưa rất nặng:

Tháng Giêng ăn Tết ở nhà

Dù đi làm ăn buôn bán nơi đâu quanh năm suốt tháng, gần ngày Tết người ta cũng tìm mọi cách trở về quê, về nhà để cúng Tổ tiên, sum họp gia đình, cộng cảm cùng thân quyến nội ngoại.

Như trên đã nói lối sống, thế ứng xử Việt 3 ngày Tết cổ truyền là:

Mồng Một thì ở nhà Cha

Mồng Hai nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thầy

Đó là đạo đức hiếu lễ, đạo đức “tôn sư” của Nho phong.

Vì Tết là Đổi Mới, là Sức Sống Mới nên gam màu chủ đạo của việc trang trí Tết là màu Đỏ- tượng trưng mầu Máu, màu của Sự Sống và Sự Tái Sinh, theo quan niệm nguyên thuỷ và được bảo lưu tại văn hoá phương Đông: Pháo đỏ, câu đối đỏ, tranh Tết đều có mầu đỏ.

Tết là sự trình diễn những món ăn dân tộc: Giò, Chả, Vây bóng, Thịt mỡ dưa hành.

Đúc kết biểu trưng Tết, không gì cô súc bằng đôi câu đối:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ.

Cây nêu- tràng pháo- bánh trưng xanh.

Như bất cứ lễ hội nào Tết cũng có những thủ tục và những điều kiêng kị. Thủ tục tắm gội tất niên, mặc quần áo mới, nói lời hay ý đẹp, chúc tụng nhau năm mới, hái lộc, xuất hành, khai bút.v.v… Đời Lý Trần có tục lệ rất hay: Trai gái nhà nghèo tự ý ăn ở lấy nhau lúc Giao thừa. Kiêng kị ăn nói thô tục rất thường xảy ra trong dân dã đời thường, kiêng quét nhà đổ rác ngày đầu năm mới (sợ mất lộc), người có tang kiêng đến nhà người khác đầu năm mới v.v…

Sau 3 ngày hay 5 ngày, người ta làm lễ và cỗ cúng “hoá vàng”, đốt tiền giấy và tiễn tổ tiên về lại thế giới của người đã khuất. Từ dương cơ người đang sống, tổ tiên trở lại chốn âm phần.

Từ phút Giao thừa, sự sống hồi sinh tới ngày 7 thì được coi là hoàn toàn hồi phục.

Mồng 7 tết là ngày Khai hạ, hạ nêu coi như mừng kết thúc Tết. Người ta lại làm lễ “mở cửa rừng” nơi rừng núi để dân đi lại vào rừng tự do. Người ta lại làm lễ “khai ấn” ở các công thự quan lại và triều đình.

Mọi sinh hoạt đời thường được xem là tiếp tục…

Ngày xưa “ra Giêng ngày rộng tháng dài”, cái Tết chủ yếu diễn ra trong phạm vi gia đình, người ta bước vào mùa Hội hè đình đám, mùa sinh hoạt cộng đồng với “gái tháng Hai giai tháng Tám”: Hội xoan đất Tổ quan họ Bắc Ninh, hội pháo Đồng Kỵ ngay từ mồng 4 Tết (là sinh hoạt cộng đồng sớm nhất) và các “hội làng” rải rác suốt mấy tháng Xuân; Người ta trẩy hội chùa Hương tháng Hai cho đến hội chùa Dâu tháng Tư và chỉ kết thúc với hội Gióng, hội Đầu mùa mưa.

Sau đó lại là một mùa làm ăn mới, với bao nỗi lo âu và bất trắc…

Tết văn hoá mới

Dương lịch được chính thức áp dụng trong các công sở Đông Dương từ thời thuộc Pháp. Nhưng người dân quê tiểu nông tiểu thương thì vẫn sinh hoạt theo Lịch truyền thống, từ các lễ hội cho đến các phiên chợ quê…

Sau đó, Dương lịch không chỉ dừng ở công sở, nhà máy, trường học – nay đã tăng lên rất nhiều – mà bắt đầu xâm nhập vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trung ương địa phương, với các giống má mới và các qui định thời vụ mới…

Tâm thức dân gian ở vào thế lưỡng với hai hệ Qui chiếu thời gian. Cho đến nay thì hai hệ ấy vẫn song hành, hệ Dương lịch trở thành hệ chính thống và hệ truyền thống trở thành hệ dân gian.

Hệ văn hoá dân gian với cái Tết và các tết, với các lễ hội truyền thống tới những năm cuối của thập kỷ 50 thì vẫn vậy. Nhưng từ đó thì Lễ hội gần như đứt đoạn và gần như bị cấm đoán ngăn trở một cách không chính thức. Nhiều cái tết con nhạt nhoà dần. Riêng Tết Cả, Tết Nguyên Đán thì vẫn tỏ rõ sức sống mãnh liệt hơn. Trong thời gian trước sau Tết Cả thì tập tục vẫn còn khá mạnh; nhịp điệu làm việc của Quý I hàng năm theo Dương lịch vẫn không thật khẩn trương. Ngày nghỉ đầu năm mới Dương lịch vẫn không ra một sinh hoạt văn hoá dân gian. Mấy năm gần đây nhiều lễ hội đã được khôi phục. Với chính sách cởi mở hơn, sinh hoạt văn hoá dân gian lại có phần hồi sinh và khởi sắc. Có một ý kiến lý thú của V.I. Lê nin: “Cần khôi phục các lễ hội dân gian nhưng cũng cần giải thiêng chúng đi“. Cuộc sống là mênh mông. Cuộc sống sẽ có lời giải đáp về Tết nhất và lễ hội dân gian…

GS.Trần Quốc Vượng

Nguồn: http://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/vn-hoa-tt-va-tt-vn-hoa/