Chim phượng xuất hiện rất nhiều trong các nền văn hóa trên thế giới. Dù trong nền văn hóa nào thì hình ảnh chim phượng cũng mang ý nghĩa thiêng liêng và cao quý. Đối với nền văn hóa Việt Nam, chim phượng là một hình ảnh mang tính biểu tượng đặc biệt. Phượng là một trong bốn con vật linh (tứ linh). Quan niệm của người phương Đông nói chung, phượng được coi là chúa tể của 360 loài chim. Nó kết tinh được vẻ đẹp và sự mềm mại thanh lịch duyên dáng của các loài chim và đặc biệt là kết hợp của cẩm kê và công.
Phượng được mô tả có bộ lông rực rỡ, đầu là đầu chim trĩ, mào là mào của gà trống khuôn theo hình mây có chùm lông dài xoắn, hình trôn ốc. Mỏ là mỏ của chim nhạn, ở dưới có chùm lông giống râu, cổ là cổ rùa. Lông của nó mượt như lụa, óng ánh rực lửa.
Phượng có 5 màu sắc tượng trưng cho năm đức tính: ngay thẳng, lương thiện, công bằng, chung thủy và lòng khoan đại. Phượng xuất hiện là báo hiệu điềm tốt lành, đó là lúc xã hội thái bình có thánh nhân hoặc hiền triết xuất hiện, hoặc có vua hiền sáng suốt, chế độ công bằng, lấy đức mà trị dân và dân chúng thuần phục thì chim phượng sẽ từ trên trời bay xuống chúc mừng và điều khiển nhân loại.
Truyền thuyết còn kể nhiều chuyện chim phượng thường bay chở các bậc thánh nhân, hiền triết, những người tu hành, những ẩn sĩ của Đạo giáo lên chỗ thiên đình xa xôi, nơi ở của những người bất tử. Chim phượng còn là sứ giả của các tiên nữ trên trời. Các tiên nữ cưỡi phượng bay xuống hạ giới, tìm gặp những người hiền tài…
Nguồn gốc ra đời của phượng Hoàng phương Đông đến nay còn nhiều vấn đề đang được bàn luận, tranh cãi. Phượng Hoàng xuất hiện từ rất sớm trong văn hóa Trung Hoa. Hơn 7 ngàn năm trước, hình tượng Phượng Hoàng đã xuất hiện trên các đồ gốm. Đó là một loài chim lớn, hình dáng cân đối mạnh mẽ, cổ dài, đuôi dài mà người ta cho rằng có thể là một loài chim có thật, vốn được người dân thờ như một hình thức tô tem giáo bản địa. Nhưng một số nhà nghiên cứu lại cho rằng phượng hoàng có nguồn gốc từ phương Nam, mà cụ thể là từ đất Việt Nam. Tư Mã Thiên trong bộ sử kí nổi tiếng đã ghi rằng: “ Năm Tân Mão thứ sáu 1.110 TCN, đời Thành Vương nhà Chu, họ Việt Thường thị ở bộ Giao Chỉ sai sứ dâng chim trĩ trắng. Sứ giả không thuộc đường về Chu Công cho 5 cỗ xe làm theo lối chỉ Nam, theo đường ven biển về nước, đi tròn năm mới về tới nơi”. Chim trĩ trắng sau đó mới chuyển thành hình tượng phượng hoàng, loài chim tượng trưng cho sự đoan trang, cao quý và sắc đẹp của người phụ nữ.
Trong văn hóa Việt, hình tượng phượng hoàng xuất hiện từ rất sớm. Có người cho rằng hình tượng chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn chính là sự khắc họa có tính điển hình đầu tiên. Đó là loài chim thần đang bay lượn trong điệu múa của vũ trụ để vạn vật sinh sôi, hòa hợp.
Thời Bắc thuộc, chắc chắn những quan niệm khác nhau về chim phượng đã được du nhập vào đất nước theo sự bành trướng văn hóa của kẻ thống trị. Và dần dần về sau được coi như là những quan niệm chung của phương Đông. Ví dụ câu nói sau đây của vua Lý Thái Tông, đã chứng tỏ thời Lý quan niệm về phượng hoàng như thế nào. Năm 1039, khi được quần thần xin dâng thêm tôn hiệu cho mình, Lý Thái Tông đã nói: “Đời Đường Ngu chỉ vạch hình mà người không dám phạm, không đánh mà khuất phục được binh của người, rũ áo khoanh tay mà thiên hạ vẫn thịnh trị, cho nên các sao không đi trái, sấm mưa không lung tung, chim muông nhảy múa, phượng hoàng lại chầu, bốn đi theo về, trăm man hướng hóa…” (Đại Việt sử ký toàn thư, 1972, H.216)
Còn tư liệu điền dã về hoa văn hình chim phượng được trang trí sớm nhất từ thời Đinh và Tiền Lê. Trên những viên gạch nền vuông to của thời Đinh – Tiền Lê đào được ở khu vực đền thờ vua Đinh và vua Lê ở Trường Yên (Ninh Bình), đã thấy trang trí hai hình chim phượng. Đây là loại gạch lát nền nhà cỡ lớn (35x35cm) mà chúng ta thường gặp nhiều ở thời Lý Trần về sau. Chim phượng ở đây gồm hai con, được bố cục thành một hình tròn ở giữa viên gạch. Mỗi con đều có đầu vòng về bên trái và đuôi vòng về bên phải. Cả đầu và đuôi đều hơi uốn lượn, sao cho khi sắp xếp hai con đăng đối nhau thì tất cả sẽ biến thành một vòng tròn ở giữa viên gạch. Cổ phượng dài, mỏ quặp gần giống mỏ vẹt. Đuôi phượng dài, gồm nhiều tua dải dài ngắn khác nhau họp lại thành chùm. Hai cánh phượng đều xòe rộng trong tư thế đang bay lượn.
Đến thời Lý, hình chim phượng đã được trang trí khá nhiều trên các di tích của tầng lớp quý tộc. Nó mang nặng ý nghĩa là con vật linh trong bộ tứ linh mà phượng là biểu trưng riêng cho hoàng hậu và nữ giới quý tộc nói chung. Bởi vậy chúng ta thấy chim phượng được chạm trên thành bậc của hai ngôi chùa do Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan bỏ tiền xây dựng. Tại thành bậc chùa Bà Tấm và bậc chùa Lạng, đồ án trang trí phượng giống nhau về bố cục và chi tiết, đến nỗi có thể nghĩ rằng khi thuê làm chạm đá hai di tích này Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã chọn cùng một hiệp thợ. Hình chim phượng ở đây được bố cục theo lối nhìn nghiêng, đang đứng múa trên một đài sen mọc trên biển nước. Phượng có chân dài như chân hạc, một chân (trái) đang đứng thẳng trên đài sen với những ngón dài, móng sắc. Còn chân kia (phải) thì đang co lên theo nhịp điệu của điệu múa. Đặc biệt đáng chú ý trong đồ án này là phần đuôi của chim phượng. Đuôi gồm nhiều tua lông kết thành chùm để giải quyết chỗ trống của hình tam giác. Tác giả đã cho kéo dài đuôi theo lối lượn sóng hình sin chạy dài ra hết góc.
Bên cạnh đó, vào thời Lý còn có hoa văn hình phượng chầu trên bia đá chùa Diên Phúc (Hưng Yên, 1157). Bia do Thái úy Đỗ Anh Vũ xây dựng để ca ngợi công lao của mẹ mình trong việc xây dựng chùa. Khác với hình phượng sống động vui tươi trên thành bậc cửa, các hình phượng thể hiện trong tư thế chầu. Phượng ở đây gồm 2 đôi trang trí các góc của trán bia. Từng đôi một vào giữa bia là các hàng chữ tên của bia. Bốn hình phượng cùng chung một kiểu mẫu thân mập, chân hơi ngắn, cả hai cùng đứng trên đài sen. Cánh của phượng uốn cong xòe rộng ra hai bên, cổ rụt, mắt nhỏ, mỏ dài và quặp, kiểu mỏ vẹt. Đầu phượng ngẩng cao đang trang nghiêm nhìn vào giữa bia.
Một hình phượng nữa, bằng đất nung, sưu tầm được ở vùng Thăng Long xưa, chưa rõ vị trí cụ thể của nó thuộc di tích nào. Rất có thể nó là di vật của tòa lâu đài nào đó dành riêng cho các bà hoàng. Phượng được bố cục theo lối nhìn nghiêng bố cục toàn bộ thành hình lá đề phía dưới là một hình mây xoắn thành hai đao lửa đỡ hai bên. Phượng ở đây có chùm lông đuôi dài bay uốn lượn lên phía trên. Phía trong cốt đuôi được thể hiện thành những chấm tròn chạm thành dải dài. Hai cánh phượng dang rộng trong tư thế vỗ bay. Cổ phượng ngắn, mắt tròn, đầu nhỏ, bờm gáy cũng đang bay vút lên phía trên. Hai chân phượng ngắn mập các ngón to móng sắc nhọn đang bám chặt vào đao lửa phía dưới. Rất tiếc phần trên sứt vỡ nhiều nên đồ án không được hoàn chỉnh.
Thời Trần hoa văn hình phượng được tiếp tục chạm trang trí rộng rãi với nhiều ý nghĩa phong phú. Trên cơ sở những di tích đã được phát hiện, chúng ta có thể chia làm 4 loại đồ án:
Đó là hình phượng trên trán bia chùa Thiệu Long (1226): Đồ án gồm hai hình chim phượng được chạm trên hai góc của trán bia trong tư thế đứng chầu vào giữa là các dòng chữ tên bài văn bia. Đồ án hình chim phượng ở đây rất giống đồ án hình chim phượng thời Lý. Phượng được khắc họa với thân hình thon nhỏ ngực ưỡn. Hai cánh với nhiều lớp lông đang cuộn xoắn uốn cong lên như ôm lấy hai bờ vai. Cổ phượng hơi rụt lại để cái đầu được ngẩng lên như ôm lấy hai bờ vai. Cổ phượng hơi rụt lại để cái đầu được ngẩng lên phía trên với đôi mắt to tròn và cái mỏ dài hơi quặp. Dải bờm từ đuôi gáy lượn sóng chạy dài ra sau. Đuôi phượng kết thành một chùm lớn hơi lượn sóng nhỏ dần ra sau. Cấu trúc đuôi gần giống phượng cuối thời Lý ở chùa Diên Phúc (Hưng Yên), nhưng ở đây đuôi và dải lông đuôi chạy song song.
Loại đồ án thứ hai là hoa hình phượng trên đất nung: Kiểu cách và hình dáng của các hoa văn hình phượng này rất giống với hoa văn hình phượng thời Lý. Từ kiểu cách bố cục cho đến các chi tiết lông đuôi, mỏ, cổ… Ở thời Trần ta thường gặp chúng được bố cục thành đôi trong khuôn hình lá đề hoặc đứng độc lập trên một đao lửa. Việc đuôi để chùm, chưa tạo thành các dải răng cưa chứng tỏ các hình phượng này cùng với hình phượng trên bia chùa Diên Phúc (Hưng Yên) là những hình phượng vào loại sớm, nhiều chi tiết còn bảo lưu từ phượng thời Lý nói trên. Sang thời sau vào thế kỷ XIII các hình phượng đều được thể hiện đuôi thành 3 dải răng cưa.
Thứ ba, hoa văn hình tiên nữ cưỡi phượng (chùa Thái Lạc, Hưng Yên): Hình phượng ở đây không đứng thẳng như ở trên nữa mà hơi gò lưng đổ người ra phía trước vì trên lưng đang chịu sức nặng của các tiên nữ. Chúng ta vẫn gặp lại ở đây hình phượng quen thuộc: mỏ dài nửa trên quặp như mỏ vẹt, mắt to, lông mày cong, cánh có nhiều lớp lông cong xoắn, chân ngắn móng sắc nhọn… Đặc biệt đuôi ở đây đã khác hẳn. Chúng gồm ba dải, các dải đều có viền răng cưa. Cả ba lượn sóng bay ngược lên trên. Các tiên nữ nhạc công đang ngồi trên mình phượng. người quay ngang theo kiểu nhìn chính diện, mỗi nàng cầm một loại nhạc cụ: sáo, tiêu, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn tranh và nhị.
Thứ tư, hoa văn hình phượng dâng hoa và chầu mặt trời: Đồ án trang trí trên hai vì nóc thượng điện chùa Bối Khê. Đây là hai đôi phượng được chạm trong vòng cung lá đề của ván bụng lợn vì nóc gian giữa tòa thượng điện của chùa. Mặt trong là các hình rồng và mặt ngoài là các hình phượng. Mỗi mặt đều có hai hình phượng trong một đồ án. Về cơ bản, hình phượng ở đây vẫn là hình phượng thấy ở hai đồ án ở chùa Thái Lạc. Nhưng do bố cục phượng ở đây cổ dài dướn cao, hai cánh dang rộng kiểu cánh chim. Đặc biệt cổ có nhiều tua lông bay ra sau và trên đầu có một chùm lông cũng bay dài ra sau. Đây là những đồ án có bố cục đẹp, đảm bảo sự cân xứng mà vẫn sinh động.
Sang thời Lê sơ chúng ta lại gặp một số hình phượng trên bia đá và một hình phượng trên bình gốm. Loại đồ án hoa văn hình chim phượng trên trán bia: bia lăng bà Kính Phi họ Nguyễn (1485), bia lăng Đường Vương, con trai Lê Thánh Tông (1492), bia lăng Cẩm Vinh, con gái Lê Thánh Tông (1498). Các bia này đều bị mòn quá nhiều nên hình chạm theo lối khắc chìm đều bị mờ, một số chi tiết không còn rõ. Các hình phượng ở đây đều chạm trên trán bia trong đồ án hai phượng chầu mặt trời, trang nghiêm. Phượng được thể hiện theo lối nhìn nghiêng, đăng đối nhau ở hai góc bia. Các chân phượng ngắn, kiểu chân gà với 3 móng sắc nhọn, không còn đứng trên đài sen như phượng ở bia thời Lý – Trần nữa. Riêng phượng ở trán bia lăng Thiều Dương thì chân cao như chân hạc. Loại đồ án hình chim phượng trên bình gốm. Bình gốm này được in trong công trình “toàn tập gốm thế giới”. Tập 16 “gốm Đông Nam Á” ảnh sô 20 (M. Kami Tsugio, 1984, 30; 31). Ấm thuộc loại nhỏ (cao 9,8cm), men ngà sẫm vẽ hoa lam. Được các chuyên gia nghiên cứu gốm xác định niên đại thế XV.
Hình tượng được vẽ trang trí trên mặt ngoài của ấm. Tác giả lợi dụng vòi của ấm để vẽ vào đó hình đầu và cổ phượng còn hai bên tiếp theo vẽ thân và đuôi. Hình phượng ở đây về cơ bản vẫn giống hình phượng thời Trần. Đó là hình phượng chạy dài ra sau, chân ngắn có 4 ngón với bộ móng sắc, đuôi gồm 5 dải lông viền răng cưa bay dài ra phía sau. Điều khác biệt là bộ phận cuống đuôi. Trước khi có các dải lông viền răng cưa, tác giả còn vẽ thêm 3 hình xoáy trôn ốc và nhiều chùm lông nhỏ tỏa đều ra các phía. Ngoài hình chim phượng, ấm còn được trang trí thêm hình mây, hình hoa lá mẫu đơn và hoa dây.
Tóm lại, trải qua suốt chiều dài lịch sử, hình tượng chim phượng có ý nghĩa văn hóa rất đặc sắc và có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tâm linh, văn hóa nghệ thuật của nước nhà. Qua trí tưởng tượng phong phú, bàn tay khéo léo của những nghệ nhân, hình tượng chim phượng đã trở thành đề tài quen thuộc và linh thiêng trong kiến trúc, điêu khắc, và trang trí truyền thống của dân tộc.