Chùa Đại Tuệ nằm trên đỉnh núi Đại Huệ cao 500 m, với hồ nhân tạo, hệ thống câu đối đối thư pháp, những pho tượng hồng ngọc và gỗ dâu được công nhận kỷ lục Việt Nam.
Chùa Đại Tuệ rộng 6.000 m2, tọa lạc trên đỉnh động Thăng Thiên, thuộc dãy núi Đại Huệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, ở độ cao 500 m so với mực nước biển, là thắng cảnh nổi tiếng của Nghệ An.
Tương truyền, chùa có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân Đường (năm 627 sau Công nguyên). Đến thế kỷ 15, công trình được vua Hồ Quý Ly cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ, người có công giúp nhà Hồ xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh.
Năm 1789, trên đường ra Bắc đại phá quân Thanh, vua Quang Trung dừng chân tại Nghệ An, chiêu mộ quân sĩ và tổ chức huấn luyện trước sân chùa. Nhà sư đã mách bảo kế sách hành quân cho vua, vừa tránh được tai mắt của địch cũng như rút ngắn được đường ra Thăng Long. Sau khi lên ngôi, nhà vua xuống chiếu cắt 20 mẫu ruộng giao cho chùa Đại Tuệ để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm.
Trải qua biến thiên của thời gian, chùa Đại Tuệ chỉ còn lại 3 bức tường rêu phong và một mái nhà tranh. Năm 2011, công trình được khởi công xây dựng lại với 4 phần gồm chùa Trình, Hạ, Trung và Thượng.
Các công trình hoàn thành sau 4 năm xây dựng. Lối ra vào chùa là cổng tam quan với 3 mái lợp ngói, hoa văn cách điệu. Phật tử và du khách đứng từ cổng có thể quan sát được toàn bộ hạng mục kiến trúc phía sau.
Trước cổng chính và một số vị trí tại sân chùa được đặt các bức tượng La Hán làm bằng đá nguyên khối, cao hơn 2 m. Phía dưới các tượng khắc những câu thơ khuyên răn mọi người sống hướng thiện.
Các hạng mục tại chùa gồm bảo điện, tổ đường, nhà thờ Ngũ đế, nhà kỷ niệm đường, khu tăng xá… diện tích mỗi công trình từ 250-1.200 m2.
Công trình kiến trúc nổi bật tại chùa là tòa bảo tháp Đại Tuệ 9 tầng, cao 32 m, thờ Phật cùng các anh hùng dân tộc.
Bên đường lên tháp có ngôi mộ xây bằng đá. Tương truyền, Hoàng đế Cảnh Thịnh (vua Quang Toản, con Quang Trung) khi bị quân nhà Nguyễn truy đuổi đã chạy lên núi Đại Huệ, xuống tóc đi tu tại chùa Đại Tuệ. Khi mất, Cảnh Thịnh được người dân chôn cất, lập mộ tại đây.
Bên trong 9 tầng bảo tháp trưng bày hàng chục tượng pháp hồng ngọc nguyên khối.
Tại tòa chính điện, tổ đường và nhà thờ Ngũ đế đặt 32 pho tượng Phật làm từ gỗ dâu nguyên khối. Xung quanh các tòa điện được bố trí hệ thống hoành phi câu đối bằng thư pháp thuần Việt.
Bên phải các tòa điện là hồ Tiên rộng 350 m2, góp phần giúp điều hòa cảnh quan, môi trường không gian xung quanh chùa.
Ngày 19/2/2016, Hội kỷ lục gia Việt Nam đã xác nhận 4 kỷ lục Việt Nam cho chùa Đại Tuệ, gồm: ngôi chùa có tượng hồng ngọc nhiều nhất, tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất, hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất và chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất.
Các lối đi xung quanh khuôn viên đều được lát gạch. Một số vị trí nhà chùa bố trí các tiểu cảnh vào dịp lễ, Tết nhằm phục vụ việc check-in.
Sân chùa trồng nhiều cây xanh, dưới tán bố trí ghế đá và ghế sắt để Phật tử và khách hành hương ngồi nghỉ ngơi, hóng mát, trò chuyện…
Từ chùa, du khách có thể “săn mây”, ngắm các cung đường uốn lượn quanh dãy núi Đại Huệ và cảnh sắc làng quê tại huyện Nam Đàn.
Dưới núi Đại Huệ có nhiều vườn hồng trứng và hồng cậy, dịp này đang vào mùa thu hoạch. Du khách khi đến hành hương, vãn cảnh tại chùa Đại Tuệ thường ghé check-in, chụp ảnh kỷ niệm dưới các gốc hồng cổ.