Cách đây chưa lâu, có bài báo cực kì tôn vinh Quan Vũ, coi ông ta là “bậc thánh nhân” bằng những lời lẽ “có cánh”: võ nghệ tuyệt luân không ai bằng, thần trí vô cùng anh linh, dùng binh lập kế ra người lão thành, văn võ song toàn, lòng dạ có thể sánh cùng trời đất, ở đâu cũng trở nên trung tâm của những hành xử nghĩa hiệp, cái khí trung nghĩa tràn khắp trời đất và trong lòng người ta, là đệ nhất kì nhân trong rừng võ tướng lừng danh kim cổ, từ trang sách Trung Hoa đã bước vào cuộc sống của người Việt Nam và được nhiều người thờ phụng, v.v…
Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc Tam quốc diễn nghĩa (TQDN), có ba nhân vật được tác giả La Quán Trung biệt đãi gọi theo tên tự: Huyền Đức (Lưu Bị), Vân Trường (Quan Vũ) và Khổng Minh (Gia-cát Lượng); trong khi các nhân vật khác đều được (bị) gọi theo tên cúng cơm: Tháo (Tào), Quyền (Tôn), Phi (Trương), …
Hẳn là do quan điểm “phò Hán” coi Lưu Bị và Thục Hán mới là chính thống kế tục nhà Hán. Người đọc, do vậy, có thiện cảm với ba nhân vật này nhiều hơn. Riêng với Quan Vũ còn được một số người tôn thờ. Cách đây chưa lâu, có bài báo cực kì tôn vinh ông ta là “bậc thánh nhân” bằng những lời lẽ “có cánh”: võ nghệ tuyệt luân không ai bằng, thần trí vô cùng anh linh, dùng binh lập kế ra người lão thành, văn võ song toàn, lòng dạ có thể sánh cùng trời đất, ở đâu cũng trở nên trung tâm của những hành xử nghĩa hiệp, cái khí trung nghĩa tràn khắp trời đất và trong lòng người ta, là đệ nhất kì nhân trong rừng võ tướng lừng danh kim cổ, từ trang sách Trung Hoa đã bước vào cuộc sống của người Việt Nam và được nhiều người thờ phụng, v.v… (An ninh thế giới cuối tháng số 3/2006, bài “Bậc thánh nhân Quan Vân Trường” của tác giả Nguyễn Lưu).
Ngày nay, sách báo Trung Quốc thường gọi đúng tên Quan Vũ. Rất lạ là ở ta dịch tài liệu của họ lại cứ cải biên ra “Quan Công”. Quan công là “ông lớn họ Quan” trước đây do một số người mê tín tôn xưng. Đến nay, thậm chí không ít người tưởng là tên chính thức. Cho đến nỗi cách đây mấy năm một ông phó tiến sĩ viết bài nhận định về Quan Vũ (mà ông ta vẫn gọi là Quan Công) trên tạp chí Thế Giới Mới khi chê họ Quan vì ơn riêng mà tha Tào Tháo đã viết: “Ơn nghĩa chỉ là việc riêng giữa Công và Tháo”.
Quan Vũ là một dũng tướng. Song, về tài và đức ông chẳng là “vô song” trong hàng danh tướng Tam Quốc, chứ chưa nói cổ kim thiên hạ. Nói về tài, giỏi võ là tài những chẳng phải là phẩm chất quyết định của một danh tướng. (Thật ra, trong TQDN Quan Vũ phải nhường ngôi võ công số một cho Lã Bố đã đành, với một số khác ông chưa hẳn đã vượt trội. Chẳng hạn, Bàng Đức kịch chiến ngang tài với ông, về sau chỉ bị bắt khi thuyền chìm. Chẳng hạn, đánh nhau với Hoàng Trung bất phân thắng bại, ông ta phải dùng chước “đà đao”, chước mà ông ta chẳng cần phải dùng với Hoa Hùng, Nhan Lương, Văn Xú, – những tướng cũng rất cự phách, đã bị ông ta hạ thủ). Tài, còn phải có dũng. Quan Vũ quả là rất dũng, một mình cùng Châu Sương vác đao đi phó hội bên Ngô. (Trước đó, Gia-cát Lượng cũng vậy, chỉ dùng Triệu Vân tháp tùng sang Ngô viếng tang Chu Du tuy biết các tướng Ngô đang rất muốn giết mình để trả thù cho chủ soái bị làm cho uất mà chết). Danh tướng còn phải rành sách lược, chiến lược, chiến thuật. Về chiến thuật, Quan Vũ đã thắng Vu Cấm, Bàng Đức, Tào Nhân, nhưng lại để cho Lã Mông đánh úp dẫn đến đại bại. Một sự thật là khi chưa có Từ Thứ và sau đó là Gia-cát Lượng, Quan Vũ (cùng các tướng khác của Lưu Bị) hầu như luôn luôn thua trận. Ông ta cũng không hiểu được sách lược mang tầm chiến lược “hoà Ngô, cự Tào” của Gia-cát Lượng trong cái thế của Lưu Bị lúc bấy giờ. Ông ta để mất Kinh Châu làm cho cái thế ấy thêm chênh. Do vậy, nói “trí dũng song toàn” đã khó, nói chi “văn võ song toàn”!
Về đức, Quan Vũ thuộc mẫu người “giàu sang không mua chuộc được; nghèo hèn không làm đổi lòng được; uy vũ không khuất phục được”, có những đức tính trung nghĩa, khẳng khái, trung thực, dũng cảm,… Trong TQDN không hiếm những nhân vật như vậy. Tuy nhiên họ Quan gây ấn tượng hơn nhờ ngòi bút bậc thầy của La Quán Trung với những trường đoạn như: qua năm cửa ải chém sáu tướng, hay “hàng Hán không hàng Tào” (đưa ra ý này, Quan Vũ mặc nhiên đặt Tào Tháo ngang vua Hán và coi Hán cũng là đối địch – nên mới “hàng”!); với những tình tiết như: ngồi đánh cờ cho thầy thuốc lóc thịt mình, hay cầm đuốc đứng canh cho hai chị dâu ngủ (một hành động đối phó với âm mưu “bôi bẩn” của Tào Tháo hòng chặn đường Quan Vũ quay về với Lưu Bị),… Song, cũng do ngòi bút bậc thầy, người đọc có thể cảm nhận được những gì “thật” hơn. Quan Vũ là người nghĩa khí nhưng nhiều lúc lại tỏ ra tiểu khí.
Nghe tin Mã Siêu vốn nổi danh võ nghệ cao cường mới về hàng Lưu Bị, ông ta đòi rời Kinh Châu nơi yếu địa ông ta đang lĩnh trọng trách trấn giữ để vào Thục đọ tài cao thấp; Gia-cát Lượng phải dùng lời phỉnh ông ta mới thôi. Ông ta không chịu để Hoàng Trung cùng hàng “ngũ hổ tướng” với mình, dẫu xếp ở cuối, bởi coi ông này chỉ là “tên lính già” (thực ra Hoàng cũng là danh tướng từng đấu ngang ngửa với ông ta, và Lưu Bị phải đích thân chiêu hàng mới được), không là anh em hoặc thân hữu chí cốt như Trương Phi, Triệu Vân, cũng không dòng dõi nhà tướng như Mã Siêu (trong khi ông ta cùng Trương, Triệu chẳng dòng dõi gì cho lắm); sau phải phủ dụ ông ta mới chịu (Rõ ràng chẳng phải lúc nào cũng “ngạo người trên mà không thèm khinh người dưới” như có người đã cố đề cao!).
Quan Vũ nhận Quan Bình làm con nuôi thì chẳng sao, đến khi Lưu Bị nhận Lưu Phong làm con nuôi lại không bằng lòng. Vì chuyện này, về sau khi ông ta lâm nguy cầu cứu Lưu Phong, Phong đã toan đi ngay nhưng vì có người dèm rằng “ông ta có coi ông là cháu đâu” bèn thôi.
Bài báo nói trên xem đây là “một chi tiết rất lí thú” vì “đây là một sự tỉnh táo mang tính định mệnh” của họ Quan bởi “chính đứa con nuôi kia đã phản bội lại cha nó”. Người viết đã không đọc kĩ chỗ này trong TQDN. (Nên đáng lẽ chê là hẹp hòi lại khen là tiên tri). Kinh Châu thất thủ, Lưu Phong hối hận, quyết không nghe đồng liêu rủ đi hàng Tào, một mình về Thục xin chịu tội. Lưu Bị sau khi sai chém đầu con nuôi mới biết sự tình đã hối và cảm thương. Câu Quan Vũ đáp lời cầu hôn của Tôn Quyền hỏi con gái ông ta cho con trai mình: “nòi hổ không thể gả cho nòi chó” không chỉ là biểu lộ “tính tự cao” như bài báo đã viết mà còn là một sự thất thố lớn, một sự xúc phạm nặng nề đối với anh và là chúa của mình (vợ kế Lưu Bị chính là em gái của chúa “nòi chó”; đâu rồi hình ảnh đứng canh cho hai chị dâu ngủ!). Quan trọng hơn, nó phá hỏng cả một chủ trương chiến lược! (Khổ cho quân sư Gia-cát, cố triệt Chu Du chủ chiến để cho Lỗ Túc chủ hoà lên thay! Chuyện cầu hôn của họ Tôn chẳng qua là một động tác thăm dò).
Về hành xử, Quan Vũ cũng có chỗ không được như một số tướng lừng danh cùng thời như Triệu Vân, Trương Liêu,… Chẳng hạn, trong một cơn nóng giận, ông ta đã sai đánh đòn nặng một tướng thân cận rồi lại sai y trấn giữ nơi xung yếu để phòng quân Ngô, canh lưng cho mình yên tâm đánh Tào. Sai lầm này góp phần vào cuộc thảm bại của ông ta. Tác giả bài viết còn khen Quan Vũ “nhân nghĩa” và “nổi bật về nhân cách” vì “không vướng chuyện thê nhi thường tình” nên “Trương Phi vẫn có Trương Bào, duy Quan ngài (!) phải nhận con nuôi”. Sự thực, trong TQDN, Quan Vũ nổi rõ về tín nghĩa, chứ không phải về nhân nghĩa. Còn về chuyện thê nhi thì ông ta có con trai là Quan Hưng đấy chứ! Và con gái nữa! (nếu không thì họ Tôn cầu hôn ai?).
Có thể thấy người đời sau thờ cúng Quan Vũ chẳng phải vì tài đức vượt trội hơn các nhân vật cùng thời. Có ý kiến cho rằng việc tôn sùng này bắt nguồn từ mẹo Tào Tháo tránh né trò định đổ vạ của Tôn Quyền (để Lưu Bị trút giận sang Tào về việc Quan Vũ bị giết), lại kích cho Thục đánh Ngô. Có thể thêm: Khi Lưu Bị tiến quân áp đảo vào đất Ngô, một trong những việc Tôn Quyền làm để cầu hoà là cho thờ cúng tôn vinh họ Quan để tạ cái tội chém đầu ông ta. Càng về sau, giai thoại Quan Vũ hiển linh càng được lợi dụng trong dân gian, ám ảnh cả ngòi bút La Quán Trung đi đến “phong thánh” cho họ Quan trên những trang TQDN. (Đúng ra thì có những tình tiết chẳng lấy gì làm “thánh” cho lắm: như hồn ma Quan Vũ cụt đầu đi lang thang đòi “đầu ta đâu?”, sau có nhà sư giảng giải cho mới tan đi, hoặc nhập hồn vào Lã Mông vật chết ông này để trả hận lúc sống).
Người Việt ta chịu ảnh hưởng người Tàu, nhất là trong giới buôn bán, lâu dần thành ra sùng bái, có khi vô lối. Ví như ở đền Ngọc Sơn trên hồ Gươm, trước đây, người ta thờ Quan Vũ ở giữa mà Trần Hưng Đạo thì thờ nơi khuất(!) (Việc này sao không sửa nhỉ? Dẫu đã quá muộn còn hơn cứ để vậy!)*.
Trong dân gian, người ta biết về Quan Vũ khá “hồn nhiên”. Nhiều người chỉ biết thờ một ông Quan Công trừ được tà ma chứ chẳng biết Quan Vũ nào cả. Một số người có am hiểu cũng chỉ biết Quan Vân Trường mà không biết Quan Vũ.
Hồi bé, tôi được nghe kể một bản truyện Tam Quốc truyền miệng khá lí thú mà cũng khá là kì khôi. Xin thuật ra đây hai mẩu chuyện có liên quan đến Quan Vũ.
Chuyện kết nghĩa vườn đào: Để phân định thứ bậc, ba người kéo nhau đến trước một cây cao to, giao hẹn lấy mức nhảy cao thấp làm căn cứ. Trương Phi nhảy phóc lên cành cao nhất; Quan Vũ nhảy lên được cành lưng chừng; Lưu Bị vì bụng to nên đành đứng ôm gốc cây. Thế là Trương làm anh cả, Lưu làm em út. Chợt một ông già đi đến bảo: “Này, các vị! Theo như lão biết thì xưa nay việc gì cũng lấy gốc làm đầu, chẳng ai lấy ngọn đâu”. Do vậy, thứ bậc được đảo ngược.
Chuyện Quan Vũ chết trận: Quân tướng bị quân Ngô đánh cho tan tác, Quan Vũ cưỡi ngựa chạy trốn. Ngựa Xích thố phi nhanh như chớp nên ông ta bị câu liêm quân Ngô phục sẵn phạt đứt cổ. Ông ta kịp vươn tay nắm được cái đầu đang rơi đặt lại trên cổ mình. Chạy mãi gặp một người, ông ta hỏi: “Này bà già! Người bị chặt đứt cổ rồi có thể chắp đầu sống tiếp được không?” Bà già đáp: “Thế thì chỉ có mà chết”. Nghe vậy, Quan Vũ rơi đầu, từ trên mình ngựa ngã lăn xuống đất.
Quan Vũ – hình tượng văn học không hoàn toàn là Quan Vũ – nhân vật lịch sử (chẳng hạn, tình tiết họ Quan cầm đuốc đứng suốt đêm canh cho hai chị dâu ngủ, có tài liệu Trung Quốc cho rằng thực tế lịch sử trái ngược hẳn). Dẫu sao, muốn nhận chân một nhân vật văn học sống động phải quán triệt tác phẩm, không nên và không thể để cho định kiến chi phối hoặc dẫn dụ theo một đường mòn tâm linh!
(*)Hiện nay, khám thờ Trần Hưng Đạo được đặt trên ban thờ cao trong hậu cung.
KHẢI NGUYÊN (TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN)
Nguồn: http://truongsahoangsa.info/su-that-phu-phang-ve-nhan-vat-quan-vu-trong-tam-quoc-dien-nghia.html