Chơi Tết 25/01/2018

 

“Chơi Tết” – ngày Tết chơi cái gì? Các thú chơi ngày Tết của người Hà Nội xưa

Ngày Tết không chỉ có “ăn Tết” mà còn có “chơi Tết”. Chơi Tết ngày nay chúng ta nghĩ liền đến các hoạt động gắn liền với nghỉ ngơi, du lịch, đi thăm viếng và tụ hội. Vậy các cụ ngày xưa chơi Tết như thế nào? Chúng ta cùng đi tìm hiểu.

Chơi hoa – Tết là thời điểm khởi đầu của mùa xuân. Vào những ngày cuối đông đầu xuân có lẽ không có nhiều loài hoa nở vào thời tiết se lạnh này. Nhưng những loài hoa nở vào thời điểm này đều được nâng lên tầm triết lý của xã hội phương Đông.

Hoa đào tượng trưng cho người thiếu nữ mảnh mai, e ấp với sắc hồng rung rinh trong gió. Hoa mai không chỉ là biểu tượng của sự thanh tao, mà còn là khí phách của người quân tử. Đó là những loài hoa đã chịu đựng được gió đông lạnh ngắt để nở vào đúng mùa xuân cũng là những loài hoa biểu tượng của mùa xuân trên đất Việt.

“Có thể người Hà Nội ăn Tết không to nhưng nhất định phải có hoa trong nhà”. Hoa là biểu trưng cho cái đẹp. Trước 30 Tết, mỗi nhà ở Hà Nội đều phải sắm những cành đào để chơi. Người Hà Nội thích chơi đào phai hơn đào thắm. Đào Nhật Tân là đào đẹp nhất vì nó là đào kép, đào phai cánh kép. Nhưng trong nhà phần nhiều các cụ chơi là hai lọ lục bình hai bên cắm 2 cành đào. Trên bàn thờ có nhiều loại hoa, hoa đào là chính, hoa đào cắm lọ lục bình, còn đào thế chơi phòng khách lại khác. Đào thế trồng ở chậu đặt ở giữa nhà hoặc đặt song song với một chậu cây quất xum xuê hoa quả.

Người Hà Nội chơi cả hoa thủy tiên nữa. Hoa thủy tiên được nhập từ bên Trung Quốc, họ gọt củ hãm hoa thủy tiên để đúng lúc giao thừa thì hoa nở mới là đẹp. Chơi thủy tiên cũng thích lắm, mùi hương thoảng, cái mùi hương ấy quyện với mùi hương ngày Tết tạo nên không khí ấm cúng, sum vầy. Hoa thủy tiên nó trong trắng ngần như một nàng tiên nữ, nó có một mùi thơm phảng phất, quý phái, nó có một cái bể non bộ, có núi có sông, có tiểu cảnh.

Hoa cúc biểu tượng của sự chung thủy, 2 chậu hoa cúc trường mi trên hai sập gụ, người ta thường chơi đại đóa trường mi bởi cánh hoa cong như mắt người thiếu nữ. Màu cúc phần nhiều là cúc trắng hoặc cúc vàng. Khi cây hoa cúc tàn, nó không bao giờ rời khỏi cành cây, nó là sự trung thành. Khi nó sống nó cho đời hưởng đẹp và hưởng hương, khi nó chết thì nó không bao giờ rời khỏi cành.

Địa lan nó sống dưới đất, nó như một cái kiếm sắc. Nó khỏe mạnh, phong trần. Địa lan là như vậy. Phong lan dù nó đẹp nhưng nó hữu sắc vô hương. Các cụ ngày xưa do sự hạn hẹp của địa dư nên mãi sau này mới biết đến nhiều loại lan. Tuy nhiên địa lan vẫn là loài lan  được ưa chuộng nhất vì nó dễ trồng nhất do phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng Việt nam

Ngoài ra ngày Tết còn có hoa hải đường bày trên văn kỷ, hoặc trên sập, bên cạnh có bộ bàn trà, bộ cỗ bàn trà. Ta được mâm cỗ, được chiêm ngưỡng hoa, tất cả khứu giác, vị giác, thính giác.

Chơi trà – Từ thời Chúa Trịnh Sâm có đưa ra thuyết là “Trà nô”: “ta nô bộc, ta hầu hạ nàng trà xuân”. Đại khái ông Trịnh Sâm đề ra cách uống trà chỉ có 2 người thôi, ông tự pha trà vào ấm, ông đổ trà vào tống, xong rồi chiết ra các chén quân mời khách. Khi đó chỉ có nhị ẩm thôi, những người thân nhất hay những người cần bàn bạc việc nước hay việc xã hội thì ông mời khách uống trà. Đó là thuyết Trà Nô có từ thời Trịnh Sâm với ý nghĩa “Ta nô nệ nàng trà”. Tất cả các ông chủ nhà đều tự tay pha trà. Uống trà một mình gọi là độc ẩm. Uống với người thân thiết gọi là song ẩm. Uống với nhiều người gọi là quần ẩm, quần ẩm đã là tạp khách rồi. Đó là một dòng trà hoàn toàn riêng của Việt Nam, cách uống trà này phát sinh từ Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Ngày mùng 1 Tết người chủ phải tự xuống sập pha trà, uống trà, nghĩ lại những năm tháng đã qua, sách lược cho những năm tháng sắp tới của gia đình. Người chủ có cái thú vị riêng là: miệng uống trà ngon, mắt ngắm hoa đào và hoa thủy tiên, lòng tĩnh lặng suy ngẫm việc đại sự sắp tới của gia đình như thế nào. Đó là những giờ phút linh thiêng của người chủ khi được ngồi một mình trong một khoảng thời gian và không gian linh thiêng của năm mới. Người ta gọi là độc ẩm. Đó là một cái thú chơi.

Chơi tiểu cảnh – Chơi tiểu cảnh hay còn gọi là thú chơi non bộ. Đó như là một thú chơi “bonsai” của người Nhật nhưng với ý nghĩa hiện sinh hơn rất nhiều. Trong một cái bể nhỏ có núi non bộ, núi có hòn to hòn nhỏ, có con đường ngoằn nghèo lên tới đỉnh, có đình chùa miếu mạo, có tháp cổ rêu phong, có cây cối cuốn quanh tạo nên một không gian hùng vĩ. Dưới chân núi đôi khi có một lão nông câu cá, có đứa bé chăn trâu thổi sáo hay có một chú tiểu ngủ quên bên hồ nước. Có chim muông, thú vật leo trèo nhảy nhót. Dưới bể nước có đàn cá nhỏ nhắn xinh xinh đang tung tăng bơi lội. Tất cả đều với ý nghĩa rằng: ta không có đại giang sơn thì đã có tiểu giang sơn của riêng ta. Người ta có thể nhìn vào bể tiểu cảnh để biết khí phách của chủ nhân của nó như thế nào, là người có chí lớn, thích an nhàn hay là người học sĩ uyên thâm…

Chơi cây – Người Hà Nội hay chơi trúc, trúc là  cây biểu tượng của người quân tử, một cây trúc mọc thẳng lên, vươn mình lên trời, không bao giờ nó bị gãy, trong thân mình trong trắng không có chút bụi trần. Cây thông cũng thế, cây thông (tùng) là cây có sức sống mạnh mẽ, thân cây khẳng khiu chịu đựng mọi hoàn cảnh của thời tiết, là một cây biểu trưng cho người anh hùng.

Chơi chữ, câu đối – Chơi chữ cũng rất quan trọng trong ngày Tết, phố hàng Bồ nhà thường có các ông Đồ ở các nơi trải chiếu ngoài vỉa hè, có giấy điều mực tàu viết chữ. Hằng năm các gia đình thường xin chữ về để thờ, còn tùy theo gia cảnh chúc tụng ra sao như vinh quy bái tổ, vinh thân phì gia. Ở giữa nhà thường là một chữ đại tự tùy theo mong ước của gia chủ. Có thể là các chữ: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, Đức… Cuối năm các gia đình cũng thường  thay giấy bài vị của các cụ, họ mang giấy dán bài vị ra nhờ các ông đồ viết chữ đẹp để dán lại vì để lâu nó cũ hoặc bay mất chữ, năm nào giấy nó cũ thì viết dán vào. Người Hà Nội thường chơi các câu đối mang ý nghĩa chúc tụng những điều tốt lành đến với gia đình vào năm mới. Hoặc những gì họ mong chờ cho một năm sắp tới. Câu đối phải là những câu danh ngôn bất tuyệt của người xưa mang ý nghĩa giáo dục, giáo huấn hoặc nói nên khí phách của một con người.

Chơi hội – Ngày Tết mà không chơi hội thì không được gọi là ngày Tết. “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, sau mấy ngày Tết người ta sẽ đi lễ đình chùa và đồng thời là các lễ hội được mở, người ta sẽ đi chơi hội. Hội Chùa Hương, hội Đồng Kỵ, hội Lim, hội chợ Viềng, hội Gò Đống Đa, hội Cổ Loa, hội Gióng, hội Xoan, hội Yên Tử, … Hội là nơi người ta được gặp gỡ, được khoe mẽ những bộ trang phục đẹp nhất, được thi đua tay nghề, sự khéo léo hoặc khỏe mạnh. Hội là nơi các cặp trai gái tìm thấy nhau, họ yêu nhau và nên duyên chồng vợ. Ở lễ hội không chỉ có các nghi lễ ở chốn linh thiêng, còn có sự chung vui nơi … Lễ hội là sự giao hòa giữa thời gian, không gian cùng với con người và thần linh tạo nên một không khí tràn ngập xuân sắc, mọi thứ như đang đua nhau thể hiện cái đẹp nhất của cuộc đời.

Ngày nay, những thú chơi này ta vẫn còn bắt gặp đâu đó trong cuộc sống. Nó vẫn còn tồn tại ở những con người biết thưởng thức cái đẹp, biết yêu thiên nhiên, biết an dưỡng tâm hồn và tận hưởng sự toàn mỹ. Chúng ta vẫn thấy trong những ngày Tết hoa đào hoa mai được trưng bày trang trọng trong nhà. Chúng ta vẫn thấy câu đối, chữ vuông hoặc tròn mang ý nghĩa tốt đẹp ở những nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Chúng ta còn thấy trong các lễ hội, thú chơi cây, chơi non bộ được bày biện đẹp mắt, các trò chơi dân gian được tái hiện. Đó là những hình ảnh từ xa xưa hiện về trong mỗi chúng ta mà chỉ ngày Tết, ngày xuân mới có được. Chúng ta cần trân trọng, giữ gìn và phát huy.

Hội Quán Di Sản

#Circlegroup.vn

#BanThoViet